Phía sau những lượt view
Năm 2019, cùng với sự xuất hiện của dịch vụ stream nhạc trực tuyến lớn nhất thế giới Spotify, có thể thấy thị trường nhạc số tại Việt Nam chia thành 2 nhóm: Nhóm ngoại gồm Apple Music, MOOV, Spotify; nhóm nội gồm Zing MP3 (VNG), Nhaccuatui (NCT Corp), Keeng (Viettel)… và một số trang khác. Với 10 triệu lượt nghe sau 2 ngày đăng tải độc quyền, Hãy trao cho anh của Sơn Tùng M-TP trên trang nghe nhạc trực tuyến Nhaccuatui là một điểm sáng khiến nhiều đơn vị kinh doanh nhạc số tin vào tương lai nhạc số Việt. Tuy nhiên, Sơn Tùng M-TP là trường hợp hiếm.
Trên thực tế, lượng người chấp nhận nghe nhạc trả phí tại nước ta chiếm con số khiêm tốn so với lượng người sử dụng. “Hiện nay, con số trả phí thực sự không nhiều vì đa phần mọi người chọn nghe miễn phí là chính. Người nghe trả phí là những người đòi hỏi chất lượng âm thanh tốt nhất. Do đó, với người dùng trả phí và người dùng không trả phí, chúng tôi phải có những cách để thu lợi tương đồng. Ví dụ như với khán giả nghe nhạc không trả phí, chúng tôi có chèn clip quảng cáo, banner”, anh Quang Huy cho biết.
Chưa kể, hiện nay, doanh thu quảng cáo trực tuyến có chiều hướng thu hẹp bởi sự phát triển quá mạnh của YouTube, Google và Facebook. Các nền tảng nhạc số Việt, các nền tảng âm nhạc từ nước ngoài khác buộc phải có nhiều bước chuyển mình khi bị “chèn ép”. Cuộc đua giành người nghe không chỉ ở những khâu như kinh doanh nhạc độc quyền, chất lượng dịch vụ mà còn ở các thuật toán giúp gợi ý nhạc, chạy chữ karaoke khi phát nhạc, nhận diện thói quen nghe nhạc, gợi ý ca khúc... Hơn nữa, các đơn vị kinh doanh nhạc số phải thống kê đo đạc hàng ngày những con số, phải nắm bắt được xu hướng nghe nhạc, trào lưu nào đang hot trên Tik Tok, YouTube, Facebook, Instagram…
Chỗ đứng của bảng xếp hạng âm nhạc Việt
Theo đại diện một đơn vị kinh doanh nhạc số, nhạc số Việt trong khu vực khá được quan tâm; Thái Lan, Lào, Campuchia… đã biết đến các sản phẩm âm nhạc Việt qua các nền tảng nhạc số. Đây là câu chuyện mà Việt Nam từng làm đối với nhạc Hoa, nhạc Hàn chừng 10-15 năm về trước.
Tuy nhiên, nhạc sĩ - nhà sản xuất âm nhạc Hứa Kim Tuyền lại cho rằng: “Người nước ngoài không quan tâm đến nhạc số Việt Nam, cho nên để định vị nhạc số Việt Nam ở đâu trên bản đồ âm nhạc thế giới thì… chẳng đứng ở đâu cả. Bởi, Việt Nam chưa là thị trường âm nhạc để người ta phải nhìn vào và bất ngờ. Nếu có bất ngờ chỉ là những hướng đi riêng của một số ít nghệ sĩ hoặc số ít MV đặc sắc”.
Không thể phủ nhận, nhạc số đang đóng vai trò quan trọng tới thị trường âm nhạc Việt. Có những nghệ sĩ không cần quảng bá rầm rộ bởi đã có một lượng khán giả ổn định, còn đa số đều cần quảng bá trên nền tảng nhạc số. Sản phẩm ra được đánh giá hot hay không chính là lượt view trong 24 giờ đầu, thứ hạng trong Top Trending trên YouTube, vị trí trong các bảng xếp hạng của Zing MP3, Nhaccuatui, Spotify… Tuy nhiên, thị trường nhạc số đang thiếu những chương trình, những bảng xếp hạng mang tính khách quan, tổng quát, cập nhật, phản ánh rõ rệt nhất xu hướng, chất lượng, tính đại chúng cũng như tính học thuật của âm nhạc đương đại Việt Nam.
“Lý do là chúng ta có quá nhiều kênh nghe nhạc, mỗi kênh có những sản phẩm độc quyền riêng của mình. Vô hình trung có những sản phẩm chất lượng, xứng đáng nhưng lại không nằm trong những bảng xếp hạng đó, bởi vì không độc quyền trên nền tảng”, anh Trần Quang Huy nhận định. Nhà sản xuất âm nhạc Hứa Kim Tuyền cũng cho rằng, các nền tảng nhạc số ở Việt Nam thiếu tính liên kết nhất định để phát triển. Ở Việt Nam thì có bài độc quyền Zing MP3, trên Nhaccuatui; có bài chỉ có trên Spotify, thành ra khó thống kê số liệu để có một bảng xếp hạng âm nhạc chung cho toàn bộ âm nhạc Việt.
Trong khi các bảng nhạc số ở Hàn hay Mỹ đều liên kết với nhau tạo thành một bảng xếp hạng lớn. Các bài hát xuất hiện trên các bảng xếp hạng đó đều có một hệ thống tính điểm riêng. Do việc độc quyền nên thị trường nhạc số Việt vẫn chưa phát triển được. Đây cũng là một thiệt thòi cho nghệ sĩ.