Theo giới phân tích, đối với một nền kinh tế có thâm hụt tài khoản vãng lai mỗi tháng khoảng 8 tỷ USD, việc dự trữ ngoại hối ròng rơi xuống mức âm là rất đáng báo động. Bởi vì nó có thể gây gián đoạn hoạt động thương mại, cắt đứt chuỗi cung ứng và làm đình trệ sản xuất không chỉ của Thổ Nhĩ Kỳ mà còn của các đối tác trong mạng lưới sản xuất toàn cầu hiện nay. Gần đây, Nga đã phải đồng ý cho Thổ Nhĩ Kỳ lùi thời gian thanh toán 600 triệu USD nhập khẩu khí đốt tự nhiên sang năm 2024.
Trước đó hồi tháng 3, Saudi Arabia phải gửi 5 tỷ USD vào CBT để giúp Ankara hạ “cơn khát” ngoại tệ. Dự trữ ngoại hối cạn kiện và tỷ lệ lạm phát cao, hiện ở mức 44%, đang đặt ra những thách thức rất lớn đối với kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, đồng nội tệ lira của Thổ Nhĩ Kỳ đã trượt xuống mức thấp kỷ lục so với đồng EUR và USD khi mất gần 80% trị giá trong 5 năm qua.
Thực trạng tồi tệ này là bài toán cực kỳ hóc búa cho người chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu bầu Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 28-5. Đây được xem là cuộc bầu cử quan trọng nhất đối với Thổ Nhĩ Kỳ trong vòng 100 năm qua, không chỉ quyết định người lãnh đạo nước này trong thời gian tới mà còn quyết định cách thức xử lý cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng hiện nay. Bất kể ai giành chiến thắng thì chính phủ mới của Thổ Nhĩ Kỳ cũng cần khẩn trương giải quyết các vấn đề liên quan đến giảm sút dự trữ ngoại hối, nợ ngắn hạn nước ngoài ngày càng tăng, thâm hụt tài khoản vãng lai phình to, lạm phát cao...
Tuy nhiên, đương kim Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, người dẫn trước 49,5% phiếu bầu ở vòng 1, hứa hẹn “một Thổ Nhĩ Kỳ mới” nhưng vẫn khẳng định, sẽ không thay đổi chính sách kinh tế nếu đắc cử nhiệm kỳ thứ 3.