Thách thức cho gạo Việt xuất khẩu

Theo Bộ NN-PTNT, trong 2 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu gạo Việt Nam có nhiều tín hiệu rất khả quan. Song song với số lượng gia tăng, chất lượng gạo xuất khẩu cũng dần được cải thiện, ổn định, có thể cạnh tranh với gạo Thái Lan và một số nước khác, tạo được uy tín trên thị trường lúa gạo thế giới.
Đóng gói gạo xuất khẩu ở ĐBSCL
Đóng gói gạo xuất khẩu ở ĐBSCL
Thống kê cho thấy, năm 2016, bình quân gạo Việt Nam xuất khẩu giá khoảng 435USD/tấn; sang năm 2017 lên 450USD/tấn, và tháng 1-2018 lên 475USD/tấn. Lượng gạo xuất khẩu trong 2 tháng đầu năm 2018 được 861.000 tấn, với 419 triệu USD, tăng 17% về khối lượng và 34% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Cơ cấu gạo xuất khẩu chất lượng cao vẫn chiếm chủ yếu, gạo thường không quá 20%.
Dựa trên tình hình xuất khẩu gạo trong năm 2017 là 5,8 triệu tấn và căn cứ hợp đồng xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp, Bộ NN-PTNT dự kiến tình hình xuất khẩu gạo năm 2018 theo đà tăng trưởng có thể lên đến 6,5 triệu tấn.
Tuy nhiên, số lượng gạo xuất khẩu tăng nhanh chỉ phụ thuộc vào các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Philippines, Angola, Bangladesh… Những thị trường này luôn bất ổn về lượng cũng như về giá. Trong khi đó, gạo Việt vẫn đang bỏ ngỏ các thị trường tiềm năng như Hồng Công, Nhật Bản, Mỹ và châu Âu.
Giá gạo Thái Lan cũng tăng hơn gạo Việt Nam, nhất là gạo thơm Hommali, hiện ở mức 543USD/tấn. Do vậy, tuy có những tín hiệu đáng mừng trong những tháng đầu năm 2018, nhưng xuất khẩu gạo về lâu dài vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức mới.
Thách thức lớn nhất là các thị trường nhập khẩu gạo truyền thống không ổn định. Một số quốc gia hiện đang cố gắng tự sản xuất gạo để đảm bảo nhu cầu tiêu dùng trong nước. Trong khi đó, một số quốc gia khác từ lâu chỉ sản xuất gạo tiêu dùng trong nước như Pakistan, Campuchia nay đã tham gia vào thị trường xuất khẩu gạo và chiếm một thị phần khá cao so với Việt Nam.
Trong năm 2017, Campuchia đã xuất khẩu sang 63 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc châu Á, châu Phi, châu Mỹ La tinh và cả châu Âu, với số lượng khoảng 635.679 tấn - tăng 17% so với năm 2016. Điều đáng ngạc nhiên là họ đã xuất khẩu sang 26 nước EU được 276.805 tấn, trong khi ta chỉ xuất khẩu sang thị trường này 3.720 tấn.
Một thách thức khác là hiện nay tiêu chuẩn nhập khẩu gạo của một số quốc gia rất cao. Ở Nhật Bản có khoảng 600 tiêu chuẩn thuốc bảo vệ thực vật, châu Âu và Mỹ cũng khoảng vài trăm tiêu chuẩn. Đã đến lúc ngành xuất khẩu gạo phải ưu tiên hàng đầu là gạo chất lượng cao, an toàn, sạch. Không thể tồn tại tư tưởng lạc hậu, lỗi thời: xuất khẩu gạo chỉ quan tâm số lượng; người nông dân không nên chỉ chạy theo năng suất mà xem nhẹ các tiêu chuẩn. Thị trường nhập khẩu gạo Việt Nam chất lượng cao ở Mỹ sẽ có tiềm năng lớn về số lượng lẫn về giá với hơn 2 triệu người Việt Nam hiện đang sinh sống. Đừng để tái diễn gạo xuất sang thị trường này bị trả về vì lý do hết sức đơn giản: tồn dư trong gạo hoạt chất vượt ngưỡng cho phép. 
Để mở rộng thị trường xuất khẩu gạo, rất cần những bộ giống lúa chất lượng cao. Hiện nay, chỉ có bộ giống lúa thơm ST (Sóc Trăng) của Tiến sĩ - Anh hùng lao động Hồ Quang Cua là gạo xuất khẩu có thể cạnh tranh với gạo Basmati (trồng ở Ấn Độ và Pakistan) và gạo Khao Dawk Mali hay Jasmine (trồng ở Thái Lan). Đáng tiếc là giống ST còn trồng rất hạn chế ở đồng bằng sông Cửu Long. Các nhà khoa học nông nghiệp Việt Nam vẫn chưa tạo ra nhiều bộ giống tốt tương tự để phục vụ tốt cho xuất khẩu gạo, là một sự thiệt thòi cho nền nông nghiệp xuất khẩu gạo. Hiện tại, giá gạo xuất khẩu các giống này trên dưới 1.000USD/tấn, gấp đôi giá gạo xuất khẩu thường.
Để tạo thương hiệu cho một nông sản, các quốc gia trên thế giới thường chỉ cần khoảng thời gian 10 năm. Việt Nam xuất khẩu gạo hơn 20 năm nay vẫn chưa có một thương hiệu trên thế giới là một thiếu sót lớn. Nhiều người ở nước ngoài về kể lại, ở nước ngoài có bán nhiều mặt hàng gạo của nhiều nước, nhất là Thái Lan với bao bì in nhiều biểu tượng bắt mắt, dễ nhìn và nhiều thứ tiếng để cạnh tranh.
Để tạo thương hiệu gạo Việt Nam, cần quyết tâm, tầm nhìn từ nhiều phía, đưa đề án “Xây dựng thương hiệu gạo quốc gia” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hồi tháng 5-2015 trở nên hiện thực. Những thách thức cho gạo Việt xuất khẩu là rất lớn, người nông dân không thể kham nổi nếu không có sự nhập cuộc tích cực của doanh nghiệp xuất khẩu, các nhà khoa học nông nghiệp và sự hỗ trợ từ phía Nhà nước.

Tin cùng chuyên mục