Tài liệu nêu 7 phương án sơ bộ để thay thế các cam kết của những nước phát triển về việc đóng góp 100 tỷ USD mỗi năm giúp các nước đang phát triển ứng phó với biến đổi khí hậu. Các quốc gia dễ bị tổn thương và đang phát triển đang thúc đẩy mục tiêu tài trợ lớn hơn đáng kể.
Trong khi đó, các quốc gia tài trợ - gồm Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Anh, Nhật Bản, Canada, Thụy Sĩ, Thổ Nhĩ Kỳ, Na Uy, Iceland, New Zealand và Australia - cho rằng việc tăng đáng kể nguồn tài trợ công là không khả thi do ngân sách quốc gia của họ đang eo hẹp. Trong khi EU đề xuất mục tiêu huy động tất cả dòng đầu tư toàn cầu, cả công và tư, phải đạt ít nhất 1.000 tỷ USD/năm vào năm 2035.
Theo khối Arab, các nước phát triển nên cam kết ít nhất 441 tỷ USD mỗi năm dưới dạng tài trợ trong giai đoạn 2025-2029 để huy động các khoản vay và tài chính tư nhân, qua đó nâng tổng số tiền hỗ trợ hàng năm lên 1.100 tỷ USD. Còn các nước châu Phi kỳ vọng con số mục tiêu hàng năm là 1.300 tỷ USD.
Trong khi đó, Trung Quốc phản đối quan điểm bắt buộc phải đóng góp vào tài chính khí hậu. Canada thì cho rằng các đóng góp nên dựa trên lượng khí thải bình quân đầu người và thu nhập, có khả năng bao gồm các quốc gia như UAE và Qatar.
Canada đề xuất ngoài các nhà tài trợ nói trên, những nước đóng góp cho mục tiêu tài chính mới nên bao gồm các quốc gia có tổng thu nhập bình quân đầu người (GNI) trên 52.000USD, hoặc nằm trong 10 quốc gia phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính tích lũy hàng đầu có GNI đạt 20.000USD.
Các nhà đàm phán dự đoán việc xác định trách nhiệm tài chính sẽ là một trong những thách thức chính tại COP29 sắp diễn ra. Theo giới quan sát, các quốc gia khó đạt được thỏa thuận về thống nhất mục tiêu tài trợ mới.