Thách cưới và những rào cản hôn nhân

Những tưởng chuyện thách cưới chỉ có ở thời của ông bà xưa hay vùng sâu vùng xa nào đó, nhưng hiện nay, tại những thành phố lớn, chuyện thách cưới đâu đó vẫn làm cho nhiều đôi vợ chồng trẻ khốn đốn.

Một đám cưới vui vẻ, đầm ấm cũng là nền tảng cho hạnh phúc sau này. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Một đám cưới vui vẻ, đầm ấm cũng là nền tảng cho hạnh phúc sau này. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

1. “Alo, tôi ẵm con bé con về quê gửi ông bà nội rồi vào lại, vợ chồng ông xem khu đấy có căn hộ nào vừa tiền thì thuê giúp tôi một căn, lấy căn nhỏ thôi vì tôi sống một mình”, Bình gọi điện cho chồng tôi báo vậy rồi cúp máy.

Trước đây, Bình và Trang là cặp đôi đẹp nhất tại công ty du lịch ở quận 1, TPHCM, ai cũng bảo hai đứa có nét phu thê, nên duyên vợ chồng là lẽ đương nhiên. Nhà Bình ở một tỉnh miền Trung, cha làm nghề lưới biển, kinh tế không dư dả gì nên Trang đã nói gia đình mình chỉ thách cưới tượng trưng để nhà trai không khó xử. Dù không vừa lòng nhưng gia đình Trang cũng chiều con. Những tưởng thế là vui vẻ đôi đường, song mẹ của cô dâu vẫn ấm ức vì con gái thiệt thòi nên khi tổ chức tiệc ở đàng gái, một vài xích mích nhỏ đã tích tụ trở thành mâu thuẫn lớn. Đỉnh điểm là bữa tiệc vu quy vừa kết thúc, ngay tại sảnh khách sạn, nhà gái đã yêu cầu nhà trai trả ngay 12 triệu đồng cho 2 bàn tiệc mà họ hàng nhà trai dùng khi vào dự cưới con.

Sau lần ấy, nhà trai nhùng nhằng mãi không chịu tổ chức tiệc cưới ở quê, hai bên gia đình phát sinh thêm nhiều mâu thuẫn, tình cảm vợ chồng của Bình và Trang cũng ngày càng rạn nứt. Gần 2 năm sau ngày cưới, cặp đôi chính thức đường ai nấy đi, Bình ôm cô con gái 1 tuổi về gửi ông bà nội trông nom.

Có thể trường hợp của Bình và Trang không quá phổ biến, nhưng không phải hiếm hoi khi tiền thách cưới trở thành khởi phát của những rạn nứt. Mới đây, cậu bạn tôi cũng làm bạn bè bất ngờ khi tuyên bố hoãn cưới vì không xoay được tiền thách cưới. “Thời buổi vàng cao chót vót mà bên đó đòi sính lễ là 30 triệu đồng tiền mặt và 3 lượng vàng thì xoay sao nổi. Hai đứa chỉ là nhân viên văn phòng, cưới xin còn bao thứ phải lo chứ đâu chỉ tiền sính lễ. Kẹt quá nên hoãn đám cưới lại để xoay xở xem sao rồi tính tiếp”, bạn nói trong chán nản.

Chúng tôi hỏi có đàm phán được không, bạn bảo không thể, vì trước đó cô em họ của vợ sắp cưới mới gả đi, sính lễ ngần ấy. Đó là lý do mà đàng gái nhất định không xem xét lại sính lễ.

Câu chuyện của bạn tôi cũng gần giống như chuyện của chàng trai ở TPHCM hủy hôn vì nhà gái thách cưới 4 cây vàng và 50 triệu đồng. Hồi năm ngoái, lễ cưới của cặp đôi ở Tây Ninh cũng làm xôn xao cộng đồng mạng vì đàng trai không làm theo lời hứa gửi sính lễ sang nhà gái là 3,3 cây vàng và 50 triệu đồng nên cô dâu không chịu làm lễ, dù cả hai gia đình đã có mặt đông đủ.

2. Theo các chuyên gia tâm lý, chuyện cưới hỏi theo truyền thống của người Việt Nam có rất nhiều phong tục, trong đó có tục thách cưới. Trước đây, người ta thách cưới bằng lễ vật như trầu cau, xôi, thuốc, rượu, heo… và một tráp tiền và vàng (gọi là lễ nạp tài). Đây được coi như món quà mà nhà trai cảm ơn nhà gái đã nuôi dưỡng con gái để gả về làm dâu nhà họ. Đến nay không còn nhiều nơi, nhiều gia đình lưu giữ phong tục thách cưới mà số tiền nạp tài tùy thuộc vào điều kiện kinh tế và tấm lòng nhà trai. Mặt khác, nhà gái nói tiếng thách cưới là vậy, nhưng thường tặng hết số tiền, vàng lại cho con gái và con rể. Việc nhà trai nạp tài nhiều hay ít, nhiều khi chỉ là để gia đình nhà gái “nở mày nở mặt” với họ hàng và bà con xóm giềng, rằng con gái được gả vào gia đình có điều kiện.

Cũng vì nhiều gia đình quá quan trọng đến thể diện nên đòi hỏi nhiều hơn so với điều kiện kinh tế của nhà trai, bởi vậy mới có những câu chuyện nhà trai đi thuê vàng để hỏi vợ cho con. Chỉ cần tìm kiếm trên Google, không thiếu dịch vụ cho thuê vàng cưới, trang sức cưới với đủ loại, đáp ứng mọi nhu cầu của người thuê. Giá thuê 15-20% trị giá thực và khách hàng phải đặt cọc bằng 100% trị giá thực.

Để đáp ứng yêu cầu thể diện, mới đây, gia đình anh N.M.P. (ngụ TP Thủ Đức, TPHCM) đã tìm đến dịch vụ thuê vàng cưới. Anh P. cũng đã thống nhất với vợ, sau lễ cưới sẽ trả lại số vàng này, tiền thuê vàng sẽ trích từ tiền mừng cưới để trả. Khi hai bên thống nhất, gia đình anh P. đi vay mượn người thân để có tiền thuê một bộ gồm nhẫn, lắc tay, kiềng, bông tai, cả thảy gần 2 cây vàng. Đến lúc trả vàng, trả tiền thuê, vợ chồng anh P. méo mặt vì đi tong hơn 15 triệu đồng chỉ trong 3 ngày 2 đêm thuê vàng...

Bước vào cuộc sống hôn nhân là một hành trình mới với rất nhiều khó khăn ở phía trước. Nếu khởi điểm cuộc sống hôn nhân đã nảy sinh những mâu thuẫn, có ấm ức trong lòng hoặc không nhận được sự cổ vũ, vun đắp của hai bên gia đình thì hành trình mới chắc chắn sẽ rất chông chênh. Tiền bạc quan trọng, thể diện cũng rất quan trọng nhưng khi đã đôi trẻ đã chọn yêu và cưới, mỗi người, mỗi gia đình cũng nên chấp nhận và cảm thông với điều kiện thực tế của nhau. Bởi mục tiêu cuối cùng của việc dựng vợ, gả chồng cho con là để con cái hạnh phúc, có bạn đời để vun đắp và xây dựng tổ ấm mới. Nếu chỉ vì lăn tăn chuyện tiền bạc mà tạo thêm khoảng cách, làm tình cảm của vợ chồng trẻ rạn nứt nhanh hơn thì đó là điều không đáng!

Tin cùng chuyên mục