Thạc sĩ - nhạc sĩ Nguyễn Bách với những ý tưởng mới

Thạc sĩ - nhạc sĩ Nguyễn Bách với những ý tưởng mới

Thạc sĩ - Nhạc sĩ Nguyễn Bách được bạn bè, đồng nghiệp và học trò biết đến là người của công việc, thích tìm tòi khai phá những vấn đề mới trong nghệ thuật âm nhạc cổ điển. Anh thường ước một ngày có được 25 giờ để có thể làm thêm nhiều việc về dòng nhạc cổ điển.

- Phóng viên: Anh đã thực hiện được hơn 20 đầu sách liên quan đến sự phát triển âm nhạc cổ điển Việt Nam, sáng tác các tác phẩm cho hợp xướng và dàn nhạc, dạy nhạc… Liệu anh có tham lam quá chăng?

TS-NS NGUYỄN BÁCH: Tôi đang giảng dạy về chỉ huy hợp xướng, chỉ huy dàn nhạc, lịch sử âm nhạc… tại Nhạc viện TPHCM; cố vấn cho nhà trường chuẩn bị thành lập khoa mới - khoa công nghệ âm nhạc. Thứ bảy hàng tuần tôi dạy nhạc cho người khiếm thị tại cơ sở Huynh Đệ Như Nghĩa (quận Tân Bình); sáng tác nhạc; viết sách; quản lý, tổ chức các chương trình biểu diễn và chỉ huy dàn nhạc – hợp xướng của Công ty Suối Việt. Có lẽ tôi là tư nhân đầu tiên đứng ra tổ chức kinh doanh mô hình biểu diễn hợp xướng và dàn nhạc, với 60 thành viên chính thức. Đa số các em xuất thân từ khoa nhạc cụ, khoa thanh nhạc Nhạc viện TPHCM. Tôi quyết định thành lập công ty vì muốn các em phát triển chuyên nghiệp hơn.

- Và trong giới đang bàn tán nhiều đến những dự án mới của anh.

Hiện tôi đang kết hợp với một vài người bạn dàn dựng chương trình ca múa hợp xướng Lục Vân Tiên, tác giả Vũ Đình Ân, cố vấn nghệ thuật là GS – nhạc sĩ Ca Lê Thuần. Hợp xướng Lục Vân Tiên sẽ diễn tại Nhà hát Hòa Bình vào ngày 8-9 (Ngày Thế giới xóa mù chữ). Đặc biệt, chương trình khai thác các loại hình nghệ thuật dân gian như các câu hò, điệu lý Nam bộ, nói vè… trình diễn theo phong cách dòng nhạc bác học – hợp xướng kết hợp với vũ đạo. Tôi còn có kế hoạch thực hiện chương trình biểu diễn nhạc cổ điển, theo phong cách mới, tổ chức định kỳ tại Phòng hòa nhạc Nhạc viện TPHCM, như tối 18-9 chủ đề “Hát vang tiếng đàn”, sau đó là những chương trình theo chủ đề “Nhạc trích từ những phim và nhạc kịch nổi tiếng”, “Với lòng biết ơn”, “Giáng sinh Rock”, “Xuân trong tôi”…

- Khi tổ chức biểu diễn hợp xướng, anh có lo lỗ và vắng người xem?

Dòng nhạc tôi muốn giới thiệu để khán giả dễ tiếp cận là pop-pera. Một kiểu hát giao hưởng như hát jazz và hát bằng lời Việt. Tôi biết chương trình sẽ lỗ nhưng tôi vẫn làm, vì bên cạnh tôi luôn có nhiều người ủng hộ từ giảng viên Nhạc viện, các nghệ sĩ, các em sinh viên, bạn bè, người thân. Họ là những người tham gia vì nghệ thuật mà không đòi hỏi thù lao, với mong muốn chương trình đến được với khán giả.

Ở thành phố này, cái khó là tìm được ý tưởng mới, còn chuyện người đi sau làm hay hơn người đi trước cũng không sao, nhưng tôi luôn muốn mình là người khai phá đầu tiên những vấn đề liên quan đến nhạc cổ điển - đó là niềm đam mê của tôi. Năm 2007 tôi đã ra mắt khán giả một album tình ca Bach’s - Một lần yêu với các giọng ca Quang Dũng, Trần Thu Hà, AC&M… thể hiện 12 bài hát nhạc pop được sáng tác từ năm 1989 đến 2007 về những nỗi nhớ quê hương, gia đình… khi tôi xa quê hương, học tập – công tác ở nước ngoài. Năm 2010 tôi sẽ ra mắt album thứ hai mang phong cách ballad – rock. Xin đừng nghĩ rock lúc nào cũng dữ dội, cuồng nhiệt. Rock của tôi khá nhẹ nhàng. Sắp tới tôi giới thiệu với độc giả cuốn Nghệ thuật chỉ huy hợp xướng và dàn nhạc, đúc kết từ những kinh nghiệm theo nghề nhiều năm. Với mỗi công trình sách, tôi đều muốn có gì đó mới, cái mới đó có thể chưa hẳn là đúng, là cái tốt nhất, nhưng người đi sau sẽ hoàn thiện nó hơn.

- Như đã nói, dòng nhạc bác học rất kén khán giả, không phải ai cũng có thể hiểu hết và yêu thích. Nhưng một nền âm nhạc phát triển không phải chỉ có ca khúc mà đỉnh cao là nhạc giao hưởng, hợp xướng, làm sao để đưa dòng nhạc bác học đến với quần chúng.

Tôi đánh giá giới trẻ có nhu cầu thưởng thức nghệ thuật rất cao, họ vẫn thích các mô hình cải lương, ca trù, các loại hình nghệ thuật dân tộc, vấn đề là chúng ta – những người giáo dục âm nhạc, sản xuất âm nhạc, phải làm cách nào để đưa âm nhạc đến với họ, hãy đem “món ngon tinh thần” đến với họ bằng cách phá vỡ những rào cản bức tường nghệ thuật, thói quen, để âm nhạc bác học đến được với quần chúng. Ví như ta vẫn có thể dàn dựng bản giao hưởng số 5 của Beethoven với phong cách pop – rock để thu hút khán giả - điều này trên thế giới đã làm. Mặt khác, tôi khá bức xúc là tại sao chúng ta không giới thiệu được âm nhạc Việt Nam ra thế giới. Vào mạng internet, tôi có thể tìm ra được những tác giả nhạc cổ điển Campuchia, Lào, Thái Lan… nhưng không hề có Việt Nam. Như vậy vấn đề chúng ta hội nhập vào thế giới còn yếu quá. Thực tế, âm nhạc cổ điển thính phòng Việt Nam dư sức làm được nhiều điều, nhưng vấn đề là mình phải làm gì đó độc đáo. Thầy Hoàng Cương – nguyên Giám đốc Nhạc viện từng có những tác phẩm như Thỏa nỗi nhớ mong, những tác phẩm viết cho piano…, thầy Quang Hải có các concerto cho đàn tranh, Đất và hoa… đó là tư liệu quý để giới thiệu âm nhạc Việt Nam ra thế giới, nhưng ta vẫn chưa làm được.

- Anh quan tâm điều gì nhất trong công tác đào tạo?

Hiện tượng chung trong giáo dục là đầu vào làm rất kỹ nhưng đầu ra thì cứ thế mà ra, không có định hướng gì cụ thể, chắc chắn cho các em. Học đến cả chục năm để rồi ra trường không thể ổn định cuộc sống với ngành đã học thì có mấy bạn trẻ chịu khổ công rèn luyện…

Thúy Bình

Tin cùng chuyên mục