Thạc sĩ Nguyễn Hiếu Tín: Tết là dịp trở về với chính mình, với cội nguồn dân tộc

Dịp tết năm nay, ThS Nguyễn Hiếu Tín cũng tham gia mùa sách tết bằng ấn phẩm "Phong vị Tết - Tâm hồn Việt" (Mây thong dong và NXB Hồng Đức). Sách là những bài viết gợi nhắc đến những giá trị truyền thống của dân tộc. Nhân dịp đầu năm mới, phóng viên Báo SGGP có cuộc trò chuyện với ThS Nguyễn Hiếu Tín.

PHÓNG VIÊN: Ấn phẩm Phong vị Tết - Tâm hồn Việt vừa được ra mắt trong những ngày đầu năm gợi nhắc về nhiều phong tục, thú chơi, hương vị… của ngày trước. Anh muốn gửi gắm đến bạn đọc điều gì giữa thời buổi “cơn bão” công nghệ hiện nay?

ThS NGUYỄN HIẾU TÍN: Ấn phẩm muốn chia sẻ đến thế hệ trẻ những giá trị văn hóa của ngày tết cổ truyền thông qua các thú vui tao nhã, những ước vọng đầu xuân, những quan niệm vào đầu năm mới của người xưa. Trong sâu thẳm của người Việt, tết không chỉ là một nghi lễ tâm linh trọng thể, cũng không hẳn chỉ vui chơi mà còn là những ngày đầy kỷ niệm, nhắc nhở bổn phận và trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với gia đình, cộng đồng và xã hội.

Những sự kiện đó đã kết thành những tập quán, phong tục riêng biệt cho từng vùng miền, từng dân tộc. Có mới thì phải có cũ, chính cái cũ là nền tảng của cái mới. Nhắc lại tập tục tết xưa để ý thức phát triển những sinh hoạt mới, để có thể ôn cố tri tân, dụng cổ suy kim và hòa điệu kim cổ giúp đời sống tinh thần thêm phong phú.

420425091-728399799393737-5064512337603466131-n-6839.jpg
Ấn phấm "Phong vị Tết - Tâm hồn Việt" như một món quà xuân để cùng ôn lại những giá trị truyền thống của dân tộc

- Theo sự phát triển của đời sống, nhiều phong tục đã trở nên mai một, hoặc đã không còn được cộng đồng quan tâm nhiều nữa. Là một người luôn đau đáu với những giá trị cổ truyền, hẳn điều này cũng khiến anh bận lòng?

- Xã hội hiện đại, đã có nhiều thay đổi, kể cả trong cách đón tết, cũng như những thực hành trong dịp tết. Điều này cũng dễ hiểu, bởi lẽ, những giá trị văn hóa không phải luôn tĩnh tại, mà cũng có sự “động” nhất định bởi sự biến thiên của xã hội. Ở bất cứ cộng đồng nào, dân tộc nào, cũng liên tục tìm ra những cái mới, cùng với nhiều yếu tố khác.

Mặt khác, trong bối cảnh mới thời hiện đại, xuất hiện nếp nghĩ mới, trong chiều hướng đó cũng không ít người đã và đang tác động trái chiều đến tết cổ truyền. Điều này, khiến cho phong tục tết nay xuất hiện những nét khác tết xưa, cảm giác không được thiêng liêng như trước. Thậm chí có rất nhiều phong tục bị biến tướng, xa rời với bản chất vốn có của phong tục đẹp.

Ví như tục lì xì lấy hên, tục hái lộc đầu năm... không ít trường hợp đã thể hiện lòng tham của con người trước thời đại vật chất, làm mất đi ý nghĩa biểu trưng văn hóa của phong tục. Hoặc quá nhiều tiệc tùng tất niên, xa hoa lãng phí, tốn kém về tiền bạc, thời gian, sức khỏe… làm chậm nhịp phát triển kinh tế - xã hội và lối sống đẹp. Do vậy, việc truy nguyên, tìm hiểu về văn hóa tết cổ truyền như một nhận thức lại những giá trị tốt đẹp, để có thể kiến tạo nét đẹp về tết trong xã hội hiện đại.

img-20240130-185314-1770.jpg
ThS Nguyễn Hiếu Tín, hiện là giảng viên Trường Đại học Tôn Đức Thắng, anh có niềm đam mê và sự quan tâm lớn đến các giá trị văn hóa truyền thống

- Theo anh, liệu có cách nào để chúng ta có thể dung hòa giữa những giá trị truyền thống trong cuộc sống hiện đại ngày nay? Với những phong tục được cho là lạc hậu, không phù hợp, cần có cách ứng xử như thế nào?

- Dẫu biết văn hóa tết thời hiện đại cũng có nhiều điều chưa hay, tuy nhiên, có một thực tế không bao giờ thay đổi, đó là tâm lý hướng về những giá trị truyền thống của người Việt trong dịp tết, dù ở thế hệ nào, độ tuổi nào. Điều đó cho thấy ý nghĩa của tết vừa đón chào một năm mới với nhiều hoài bão và định hướng cho tương lai nhưng đồng thời tết cũng chính là dịp trở về với chính mình, với cội nguồn của dân tộc.

Với ý nghĩa sâu sắc đó và sự đa dạng văn hóa của các cộng đồng, thiết nghĩ, chúng ta nhìn nhận Tết Nguyên đán là một trong những di sản văn hóa độc đáo, hàng đầu của dân tộc Việt, xứng đáng được thấu hiểu, bảo tồn, phát huy và lan tỏa những giá trị truyền thống và những mỹ tục đẹp, phù hợp với thời đại. Khi những nét đẹp văn hóa tết cổ truyền của dân tộc được lan tỏa, sẽ trở thành nguồn lực nội sinh to lớn, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững, giúp cho sự phát triển kinh tế có chiều sâu văn hóa, hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, giữa bản sắc và hội nhập.

dscf6410-9122.jpg
ThS Nguyễn Hiếu Tín (trái) trong chương trình giao lưu ra mắt ấn phẩm "Phong vị Tết - Tâm hồn Việt" mới đây tại Đường sách TPHCM

- Anh thường làm gì trong những ngày tết?

- Được hòa mình trong không khí mùa xuân, lễ hội, trong không gian của sự thành kính linh thiêng, tôi thường giữ được ít nhiều phong tục chúc tết, thăm hỏi người thân, thầy cô và bằng hữu, thưởng trà, đọc sách, khai bút đầu năm, suy nghĩ tổng kết những việc năm qua, dự kiến những việc làm cho năm mới.

- Nhân dịp năm mới, anh có lời chúc gì đến bạn đọc?

- Kính chúc bạn đọc luôn có một mùa xuân miên viễn, dù hoàn cảnh nào, không gian nào cũng giữ mãi được tuổi thanh xuân. Bởi lẽ, người xưa có câu: “Nhất thiết duy tâm tạo”, mọi thứ đều do tâm mà có, nếu tâm ta có mùa xuân thì lo gì cảnh vật thiên nhiên chẳng xuân. “Tâm xuân thế giới đều xuân”, “Tâm an vạn sự an”. Đón tết vui, tết khỏe là sự an lạc trong mỗi người, sự khai mở trí tuệ, sự thắt chặt mối quan hệ, cộng đồng từ gia đình đến xã hội, cùng hướng đến sự hoàn chỉnh, toàn vẹn trong lối sống.

- Kính chúc anh và gia đình một năm mới vạn sự như ý

“Khi con người càng trưởng thành, với bộn bề công việc, với nhiều sự lo toan, nhiều dự định..., cùng với sự thay đổi về nhận thức tết nay ngày càng khác tết xưa, “không thiêng” như trước, khiến không còn háo hức như trẻ nhỏ. Tuy nhiên, với tôi và nhiều bạn khác, vẫn háo hức với tết, bởi sự hoài cổ của tết cổ truyền, và cần thấy sự tiếp nối của thời hiện đại trong quá trình hội nhập. Sự háo hức đó, không phải như trẻ nhỏ đòi tết, mà háo hức cho sự quay về nguồn của văn hóa tết, để có dịp gặp lại những trí tuệ của người xưa được hình thành qua những phong tục tết, để thấy được nét đẹp nhân văn, ý nghĩa của tết, khiến những người trẻ luôn mong chờ như được khám phá một thế giới mới từ những điều xưa cũ”

Thạc sĩ Nguyễn Hiếu Tín

Tin cùng chuyên mục