Thạc sĩ- đạo diễn Hoàng Duẩn: Chúng ta đang quá dễ dãi với danh xưng “nghệ sĩ”

Trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19 ở TPHCM, thạc sĩ - đạo diễn Hoàng Duẩn có thời gian online trải lòng về những tâm tư, tâm huyết của mình về nghề mà anh đã… trót yêu!
Thạc sĩ - đạo diễn Hoàng Duẩn tại phim hiện trường
Thạc sĩ - đạo diễn Hoàng Duẩn tại phim hiện trường

- PV: Hai năm nay tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng rất nhiều đến các ngành nghề, anh là một diễn viên, đạo diễn, tác giả và cả nhà giáo, chắc cũng không ngoại lệ?

Thạc sĩ - Đạo diễn Hoàng Duẩn: Hai năm nay quả thật là rất khó khăn không chỉ trong lĩnh vực nghệ thuật hay giáo dục mà cả trong các lĩnh vực khác của xã hội, không chỉ trong nước mà cả thế giới. Riêng với ngành mà chúng tôi trực tiếp tham gia thì thuộc dạng khó khăn nhiều hơn, các sự kiện và các chương trình nghệ thuật, dịch vụ không được tổ chức nhiều. Các sân khấu cũng đóng cửa quanh năm. Lĩnh vực giáo dục có ảnh hưởng nhưng ít hơn.

Đạo diễn Hoàng Duẩn chỉ đạo trong một sự kiện

- Người ta bảo “trong cái khó, ló cái khôn”, vậy trong những cái khó của thời gian qua, những cái khôn của anh được thể hiện ra sao?

Cái này tôi gọi là thích nghi thôi. Nghịch cảnh cứ tạo ra và nhiệm vụ của chúng ta là phải vượt qua nó, bằng cách này hay cách khác. Khi các sự kiện, lễ hội, chương trình nghệ thuật bị gián đoạn thì tôi tập trung vào viết. Tôi làm luận án, giáo án, viết kịch bản truyền hình và dàn dựng vở diễn cho Đài Truyền hình TPHCM… 

Trong việc giảng dạy nếu đúng vào lúc giãn cách xã hội thì tôi và các đồng nghiệp chuyển sang dạy online. Với những môn nặng thực hành như Nghệ thuật diễn xuất, Tổ chức sự kiện… gặp nhiều khó khăn khi chuyển qua hình thức dạy online nhưng chúng tôi cũng có khách khắc phục.

Thạc sĩ-đạo diễn Hoàng Duẩn hướng dẫn sinh viên thực hành Tổ chức sự kiện tại hiện trường

Và tranh thủ trong thời gian không giãn cách xã hội, chúng tôi cho sinh viên thực hành ngay khi có thể. Bằng chứng là trong học kỳ, sinh viên khoa tôi giảng dạy tại Trường Đại học văn hóa TPHCM đã thực hiện được 5 sự kiện lớn, kết hợp trong các sự kiện là xây 3 căn nhà tặng cho đồng bào nghèo, tặng hàng ngàn phần quà cho trẻ em và đồng bào nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn, tặng quà cho bà con và các gia đình liệt sĩ hy sinh trong trận bão lũ năm trước… Các chương trình thi của sinh viên được thu hình phát sóng trên các đài truyền hình cũng là một cách chúng tôi linh hoạt trong mùa dịch này.
 
Bên cạnh đó, tôi tham gia các hoạt động thiện nguyện, dùng nghệ thuật để tuyên truyền cho người dân về phòng, chống dịch bệnh, cưu mang đùm bọc nhau trong khó khăn, kể cả đưa các thành viên trong gia đình tham gia các hoạt động thiện nguyện.

- Từ một người chuyên đi dàn dựng, biểu diễn, nặng về sân khấu sàn diễn, truyền hình, mấy năm nay anh chuyển sang giảng dạy truyền nghề cho thế hệ trẻ, thầy giáo Hoàng Duẩn chắc hẳn có phương pháp giảng dạy riêng của mình?

Là một người làm thực tế, đã từng tuyển nhân sự cho các đơn vị mà tôi từng làm, tôi nhận thấy các em sinh viên thiếu kỹ năng thực hành nghề nghiệp. Cho nên khi được làm giảng viên, tôi mong muốn đưa sinh viên đi thực tế. Rất may là những mong muốn và nguyện vọng của tôi được Khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuât và Ban giám hiệu Trường Đại học văn hóa TPHCM đồng ý. 

Khi được trải nghiệm thực tiễn, tôi thấy sinh viên đam mê việc học hơn, sinh viên vốn rất thông minh và sáng tạo, nếu có người đi trước định hướng, giúp đỡ các em sẽ làm tốt việc học thực hành đi đôi với lý thuyết trên giảng đường.

Trong thực hành nghề nghiệp thì với kinh nghiệm của bản thân tôi cho rằng những giảng viên dạy thực hành phải là những thầy/cô thực hành. Nhưng thực hành đó không thực hành theo kiểu biết tới đâu chỉ tới đó, mà thực hành phải có hệ thống lý luận, xuất phát từ đâu, từ cái gì, vì sao phải làm như vậy. Có nghĩa là dạy đạo diễn thì phải là người dàn dựng tốt, dạy diễn xuất thì phải là người diễn tốt, dạy biên kịch thì phải là người tác giả có tác phẩm hay. Tuy nhiên như vậy vẫn chưa đủ, cần phải cho sinh viên biết được từ đâu, từ cái gì, tại sao phải hành động như vậy, bố cục tác phẩm như vậy, hay viết câu thoại như vậy, và làm như vậy thì khác những cách khác như thế nào. Có nghĩa giảng viên thực hành cũng phải làm việc khoa học, hệ thống, chứ không phải kiểu “đụng đâu chỉ đó”. 

Mỗi khi gặp cựu sinh viên mà các em ra trường nhắn tin hay gọi “Thầy ơi em có việc làm rồi, em tìm được việc làm rồi” thì với tôi đó là hạnh phúc. Nếu để sinh viên ra trường mà thất nghiệp… thầy giáo chúng tôi cũng cảm thấy có một phần lỗi của mình. Tất nhiên có đi làm đúng ngành của mình hay không cũng có nhiều lý do quan trọng khác nữa… nhưng nghiệp giáo thì vẫn cứ thấy đau đau…

Thạc sĩ - đạo diễn Hoàng Duẩn tập huấn cho cán bộ Ngành văn hóa, thể thao và Du lịch Đà Nẵng


- Ngoài tham gia hoạt động biểu diễn và giảng dạy, anh còn dành nhiều thời gian cho công tác nghiên cứu về sự phát triển của sân khấu truyền thống, chắc hẳn anh đang có kế hoạch riêng của mình?

Giảng dạy luôn đi đôi với việc nghiên cứu khoa học. Gần 30 năm hoạt động nghệ thuật, từng tham gia các tọa đàm, hội thảo, tập huấn sân khấu quốc tế tôi hiểu được giá trị của nghệ thuật truyền thống, đó là niềm tự hào dân tộc của mỗi công dân Việt Nam khi giao lưu với các nước trên thế giới. Tôi trân trọng những chuyến lưu diễn rối nước ở Mỹ, Hồng Công, Singapore…tôi luôn lưu giữ những giá trị của những chuyến công tác, học tập, tham quan trao đổi nghề nghiệp ở: Thụy Điển, Ấn Độ, Trung Quốc, UAE, Thổ Nhĩ Kỳ, Malaysia, Indonesia, Lào… càng đi càng thấy thật đáng quý biết bao với nghệ thuật truyền thống của đất nước mình như: Rối nước, cải lương, hát bội…

Tôi sợ nói trước bước không tới nhưng trong thâm tâm và tôi đang thực hiện những bước đầu tiên là tìm nhà đầu tư để hình thành một Bảo tàng múa rối quốc tế đầu tiên ở Việt Nam với vị trí trung tâm là NHỮNG CON RỐI NƯỚC VIỆT NAM, cùng với đó là sân khấu múa rối nước và một nhà hát dành cho trẻ em. Do dịch bệnh nên dự án này chỉ mới được khảo sát, hy vọng sau dịch bệnh mọi việc sẽ ổn hơn. 

Thạc sĩ - Đạo diễn Hoàng Duẩn

- Gần đây, mạng xã hội khá ồn ào các chuyện “sau cánh màn nhung” trong giới nghệ sĩ và cho rằng bây giờ để trở thành… nghệ sĩ quá dễ, anh nghĩ sao? Theo anh, để chấn chỉnh điều này, phải bắt đầu từ đâu?

Cũng như bao người làm nghệ thuật khác, chúng tôi cũng chạnh lòng lắm. Bỗng dưng muốn ngừng sáng tạo, sáng tác… Bây giờ, những anh em làm nghệ thuật cũng cảm thấy e ngại khi ai đó gọi mình là “nghệ sĩ”, ngày xưa mà nghe hai chữ này thì tự hào lắm.

Chúng ta đang quá dễ dãi với danh xưng, dùng chữ “nghệ sĩ”, bởi đâu phải ai “đi diễn” cũng là nghệ sĩ. Nhiều người tham gia trong các gameshow, hay các clip trên mạng hay vài phim gì đấy mà chưa được đào tạo bài bản cũng được gọi là “nghệ sĩ”. Có một số người làm truyền thông hiện nay đã góp phần vào việc trao tặng hai chữ “nghệ sĩ” quý giá ấy cho rất nhiều người mà thiết nghĩ họ cần phấn đấu hơn để đạt được nó. Ngoại trừ các tài năng thực thụ thì phần lớn muốn trở thành nghệ sĩ, diễn viên, người đứng trước công chúng biểu diễn phải được đào tạo bằng cách này hay cách khác, không thể tự nhiên sau một đêm ngủ dậy bỗng dưng thành nghệ sĩ được…

Nghệ sĩ thực thụ thì cũng là công dân, công dân thì phải sống theo pháp luật. Đúng, sai pháp luật cần phải can thiệp kịp thời hơn. Về giải pháp thì nhiều lắm nhưng nó là một hệ thống giải pháp, chứ không phải đơn lẻ. Tuy nhiên có các giải pháp ngắn hạn và dài hạn, như: 

Giải pháp ngắn hạn: Về chủ quan nghệ sĩ cũng phải xem lại mình, đừng tự cho mình cái quyền to quá trước công chúng và người xem. Hãy trân trọng khán giả, phát ngôn, ăn nói cũng chừng mực… đừng xem mình là “trung tâm của vũ trụ” nữa. Nghệ sĩ ngoài việc tỏa sáng trên sân khấu thì cũng phải luôn nghĩ đến việc cống hiến cho cộng đồng thông qua các hoạt động xã hội, thiện nguyện, việc này nên làm thường xuyên chứ không phải có “việc gì” thì mới đi làm…  

Về đề truyền thông mạng: Rất mong nhà nước có các giải pháp quản lý chặt chẽ hơn các kênh truyền thông trên mạng xã hội. Phải cấm, chế tài các cá nhân thực hiện các clip, các chương trình phản cảm, dung tục, chửi thề, vi phạm thuần phong mỹ tục… Một vở diễn của sân khấu, khi diễn viên mặc trang phục gì cũng phải được hội đồng nghệ thuật của cơ quan quản lý văn hóa duyệt mới được thể hiện, trong khi trên mạng thì ai nói sao cũng được, mặc gì cũng được. Thật nguy hiểm!. 

Về báo chí chính thống: Cần có thật nhiều bài viết chính thống về các vấn đề văn hóa xã hội, hay vấn đề lăng xê nghệ sĩ đích thực và động viên nghệ sĩ trẻ, cảnh báo người biểu diễn non kém… để định hướng cho nghệ sĩ, định hướng dư luận và người xem, đồng thời là dòng chảy để hỗ trợ các cơ quan quản lý nhà nước vào cuộc nếu có sai phạm. 

Về cơ quan quản lý, hội nghề nghiệp: Nên vào cuộc can thiệp sớm, kịp thời, minh bạch khi có sai phạm hoặc có vấn đề với nghệ sĩ của mình. Hội nên có kênh thông tin để quản lý và kết nối nghệ sĩ chặt chẽ hơn… 

Giải pháp dài hạn: Nhà nước nên đào tạo khán giả cho nghệ thuật, để họ có khả năng nhận biết đâu là giá trị đích thực của nghệ thuật, từ đó họ sẽ nhận biết đâu đúng, đâu sai. Khi đó nghệ sĩ làm nghề đích thực sẽ được tôn vinh, còn những “nghệ sĩ dỏm” sẽ tự bị đào thải. Công tác lý luận phê bình cũng cần được đẩy mạnh để định hướng cho khán giả. 

Gần 30 năm dấn thân hoạt động nghệ thuật, Thạc sĩ - đạo diễn Hoàng Duẩn tham gia sản xuất  hàng trăm tác phẩm kịch nói, múa rối (kể cả biểu diễn sân khấu và trên đài truyền hình) dành cho trẻ em; tham gia biên kịch các phim nhiều tập, như: Đẻ mướn, Sóng đời, Bão, Cali mùa hoa vàng… 

Thạc sĩ - đạo diễn Hoàng Duẩn từng đoạt nhiều giải thưởng, như: Huy chương Vàng, Huy chương bạc Liên hoan Múa rối toàn quốc 1994 (vai Bá Hộ trong vở Cây tre trăm đốt và vai Chằn tinh trong vở Đôi cánh hạc tiên); Huy chương vàng Liên hoan múa rối Quốc tế năm 2018 và Giải vở diễn ấn tượng dành cho vở Sông nước Phương Nam (với vai trò tác giả kịch bản); Huy Chương vàng Liên hoan truyền hình toàn quốc năm 2020, vở cải lương Án Tử (vai trò đạo diễn)… 

Với những hoạt động miệt mài dành cho nghệ thuật và giảng dạy, Thạc sĩ - đạo diễn Hoàng Duẩn được tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen của Bộ VHTT-DL, Thành ủy TPHCM, UBND TPHCM… Năm 2020, anh được Bộ VHTT-DL tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp bộ do có thành tích xuất sắc trong 3 năm liên tiếp 2017, 2018, 2019. 

Tin cùng chuyên mục