Ra đường gặp trâu bò
Các quận vùng ven như Thủ Đức, 9, 12, Bình Tân… đã chuyển từ huyện lên quận chừng 20 năm nay. Sau khi chuyển sang đất đô thị, nhiều khu ruộng lúa, vườn cây không còn canh tác đã bỏ hoang hóa lâu năm. Tại các khu đất dự án bất động sản dở dang, cỏ tranh mọc nhiều. Người dân ở một số quận ven vốn là những nông dân nên đã tận dụng những bãi cỏ này để chăn nuôi. Nghề chăn nuôi trâu bò thả rông phát triển tự phát, đem lại nguồn thu khá, nên số lượng đàn tăng lên nhanh chóng. Trâu bò không được nuôi nhốt mà thả đi lang thang khắp các con đường, khu dân cư để gặm cỏ. Bây giờ ở các quận ven, cứ ra đường là gặp trâu bò thả rông.
Ở đường Lã Xuân Oai (phường Trường Thạnh, quận 9) và khu trung tâm hành chính quận 9, khu đất dự án nhà ở Tiến Phước là bãi cỏ cho đàn trâu bò chừng 30 - 40 con. Sáng sớm, đàn trân bò dàn hàng ngang trên các tuyến đường, chia nhỏ nhóm đi vào trong các khu dân cư kiếm cỏ. Khi đã căng bụng, chúng tụ tập ra đường nhởn nhơ nằm. Tiếng còi xe xua đám trâu bò luôn vang in ỏi.
Người đi đường Số 11 (phường Long Bình, quận 9) thường xuyên gặp đàn bò chừng 25 con gặm cỏ trên các khu đồi dọc theo tuyến đường này. Anh Nguyễn Hữu Bân, tài xế xe tải nhỏ, cho biết trước đây đàn có chừng 15 con, nay đã nhiều hơn. Đồng cỏ của đàn bò này là trục đường Số 11 và những khoảng đồi xung quanh. Khu vực có số lượng đàn trâu bò tập trung đông nhất là các phường dọc theo đường Vành đai 2 thuộc địa bàn quận 2 và 9.
Những bãi đất hoang hai bên đường vành đai khu vực Thạnh Mỹ Lợi (quận 2), Phú Hữu (quận 9) thành nơi chăn thả của nhiều đàn trâu bò với số lượng lên đến cả trăm con. Đàn trâu bò thả rông còn phát triển mạnh ở quận Bình Tân, huyện Bình Chánh, chúng thường đi lại trong các con hẻm nhỏ, thậm chí còn ngênh ngang qua lại trên đường đông xe cộ.
Đất đai ở các huyện ngoại thành, quận ven bỏ hoang hóa càng nhiều, số lượng đàn trâu bò nuôi thả rông cũng ngày càng tăng nhanh. Chủ đàn chỉ tốn tiền đầu tư mua con giống, còn đàn trâu bò tự đi tìm kiếm thức ăn, không cần người chăn dắt. Vào mùa này, cỏ mọc nhiều, đàn trâu bò chóng lớn. Vào mùa khô, cỏ khan hiếm, chủ đàn để mặc cho trâu bò gặm cả phế liệu, rác thải công nghiệp…
Hiểm họa
Việc nuôi trâu bò thả rông đã gây nhiều hệ lụy cho người đi đường và cư dân. Đối với các tài xế, việc trâu bò đi trên đường đã trở thành nỗi ám ảnh. Anh Nguyễn Hữu Thanh, tài xế xe container thường xuyên chạy trên đường Vành đai 2 cho biết, đổ dốc cầu Phú Mỹ rất nguy hiểm khi xe đang chạy tốc độ cao gặp phải đàn trâu bò đột ngột băng ngang đường. Tài xế bấm còi lớn, chúng hoảng hồn chạy tán loạn càng dễ xảy ra tai nạn hơn. Nhiều khi đoàn xe cả chục chiếc phải dừng ngay dốc cầu để nhường đường cho trâu bò. Không ít vụ tai nạn đã xảy ra do xe va chạm với trâu bò.
Trâu bò vào các đường liên phường, vào trong các hẻm phố cũng gây nhiều phiền toái cho người dân. Người đi xe máy, xe tải thường phải nhường đường cho chúng mỗi khi qua những khúc đường hẹp. Chất thải của trâu bò gây ô nhiễm, mất vệ sinh, làm phiền toái cho cộng đồng. Không ít vụ tai nạn xe máy đã xảy ra khi cán phải chất thải trên đường. Người dân ở các khu dân cư mới dọc theo đường Vành đai 2 đã phải dựng cửa chắn, cắt cử người canh chừng, xua đuổi trâu bò.
Nghề chăn nuôi trâu bò thả rông trong khu dân cư và trên đường phố hoàn toàn không phù hợp. Chính quyền các địa phương nên yêu cầu các hộ chăn nuôi trâu bò thả rông chuyển đàn trâu bò ra khỏi khu đô thị. Cảnh sát giao thông cũng cần kiểm tra, phạt các chủ đàn bò thả rông trên đường phố, gây mất an toàn giao thông.