Còn nhớ tại thời điểm đó - năm 2012, Nhà nước đã can thiệp bằng Nghị định 24/2012/NĐ-CP để đưa thị trường vàng vào khuôn khổ. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thiết lập lại hệ thống kinh doanh và các điểm giao dịch vàng miếng; chấm dứt huy động và cho vay vàng; tổ chức hơn 70 phiên đấu thầu để tạo cung và bình ổn thị trường…
Sau nhiều năm ổn định thì nay ăn theo mùa dịch bệnh, thị trường vàng lại biến động mạnh, giá vàng trong nước diễn biến không theo thị trường thế giới, buộc phải đặt câu hỏi liệu có sự thao túng vàng của nhóm lợi ích? Khi vàng thế giới tăng thì chỉ vài giờ sau là vàng trong nước tăng theo, nhưng khi giá vàng thế giới giảm, dù đã mấy tuần qua nhưng giá vàng trong nước kiên quyết không chịu giảm.
Cụ thể, giá vàng thế giới đã giảm xuống dưới 1.500USD/ounce, nhưng vàng trong nước vẫn đứng trên mức 46 - 47 triệu đồng/lượng, có lúc cao hơn vàng thế giới hơn 5 triệu đồng/lượng (theo giá quy đổi USD của NHNN). Chênh lệch giữa giá mua - giá bán cũng nhảy múa tự do, thông thường chênh lệch này chỉ ở mức 500.000 đồng/lượng, nhưng khi vàng tăng thì giá mua - giá bán có khi chênh nhau 1,6 triệu đồng/lượng; có ngân hàng còn treo giá mua - giá bán chênh nhau hơn 2 triệu đồng/lượng!
Câu hỏi đặt ra là tại sao các cơ quan quản lý nhà nước lại thả nổi thị trường vàng sau một thời gian dài dùng biện pháp hành chính can thiệp để ổn định? Lãnh đạo NHNN cho biết, NHNN chỉ cấp phép kinh doanh vàng, còn hoạt động mua bán, giá cả là do Bộ Công thương quản lý.
Thời gian qua, dù giá vàng biến động tăng giảm bất hợp lý nhưng ngành công thương vẫn chưa vào cuộc. Khi để thị trường vàng tự phát, khi giá thị trường trong nước chênh lệch xa với thị trường thế giới, tất sẽ dẫn đến nguy cơ buôn lậu xảy ra, thị trường lại bị lủng đoạn. Trách nhiệm này của ai?