Sáng 27-10, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách Nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023 (trong đó có Kế hoạch tài chính - ngân sách Nhà nước 3 năm 2023-2025, tình hình thực hiện kế hoạch tài chính năm 2022, dự kiến kế hoạch tài chính năm 2023 của các quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách do trung ương quản lý).
Bày tỏ đồng tình với nội dung báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, ĐB Nguyễn Hữu Thông ghi nhận, nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tình hình kinh tế xã hội 9 tháng đầu năm 2022 nước ta đã phục hồi tích cực, đạt được những kết quả quan trọng và toàn diện trên các lĩnh vực, được các tổ chức quốc tế uy tín đánh giá cao.
Tuy nhiên, theo ĐB, giá xăng dầu tăng cao, nguyên vật liệu đầu vào biến động lớn, thị trường nông sản bất ổn, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản còn tiềm ẩn nhiều rủi ro… đang là những thách thức rất lớn cho những tháng cuối năm và cả năm 2023.
Trong số những vấn đề xã hội, ĐB Nguyễn Hữu Thông nhấn mạnh, đã xuất hiện tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, nhất là trong lĩnh vực y tế và giáo dục; kỷ luật, kỷ cương hành chính có lúc, có nơi còn chưa nghiêm; còn một số cán bộ, công chức vi phạm bị xử lý kỷ luật, thậm chí bị xử lý hình sự…
“Đề nghị Quốc hội, Chính phủ giải quyết có hiệu quả vấn đề là tình trạng bất an, sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ công chức, viên chức kể cả cán bộ lãnh đạo quản lý. Có cán bộ tâm sự rằng, thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước hội đồng xét xử”, ĐB Nguyễn Hữu Thông phát biểu.
Có cùng mối quan tâm về công tác cán bộ, ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) bày tỏ lo ngại về tình trạng gần 40.000 cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc chuyển việc, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục. ĐB nhấn mạnh, 4 yêu cầu quan trọng.
Một là, thực hiện mạnh mẽ cải cách lề lối làm việc theo hướng phân cấp mạch lạc cho các cấp trong thứ bậc hành chính, đồng thời xử lý hợp lý các vấn đề về tổ chức bộ máy và biên chế để khắc phục được công việc, bổ sung, hoàn thiện cơ chế giải quyết các việc, cơ chế, chính sách trong môi trường cống hiến, cơ hội thăng tiến công bằng và minh bạch.
Hai là, hoàn thiện hệ thống thi tuyển công chức, viên chức và cơ chế tuyển chọn cán bộ, công chức, viên chức, lãnh đạo quản lý.
Ba là, quan tâm đúng mức đến thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức bằng một cơ chế lương thích hợp và linh hoạt trên cơ sở giá trị lao động, giá trị tri thức, trách nhiệm và hiệu quả công việc.
Bốn là, cụ thể hóa đầy đủ và kịp thời Kết luận 14 của Bộ Chính trị về bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.