Hiểu thêm phong tục ngày tết
Tết Quý Mão này, gia đình chị Nguyễn Thị Mơ (36 tuổi, ngụ tại quận Bình Tân, TPHCM) mới sắp xếp được thời gian đưa 2 con nhỏ (7 và 9 tuổi) về Đắk Lắk thăm ông bà, sau 2 năm gián đoạn vì dịch Covid-19. “Hai đứa nhỏ vui hết nấc, như cá gặp nước, ca hát líu lo suốt ngày. Chúng tôi sắp xếp về sớm nên tụi nhỏ có dịp phụ ông bà nhiều việc, như dọn dẹp, lau chùi nhà cửa…”, chị Mơ cho hay.
Vừa phụ ông bà, bé Mận (7 tuổi) vừa liên tục hỏi mẹ: “Tại sao phải làm đẹp nhà đón tết? Sao phải chưng bày mâm ngũ quả?”… Lần lượt giải đáp từng thắc mắc của con, chị Mơ dạy con về phong tục, tập quán truyền thống từ xưa đến nay của dân tộc ta, với mong muốn chào đón những điều tốt đẹp vào năm mới.
Tết là những ngày về với ông bà. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Với bé Nguyễn Thúy Phụng (8 tuổi, ngụ đường Tô Ký, quận 12, TPHCM), những ngày tết thật dễ chịu. Bé thấy, ngày tết nhà nào cũng trang hoàng rực rỡ, đường phố sạch sẽ, nhiều hoa khoe sắc thắm… Nhiều gia đình tổ chức gói bánh chưng, bánh tét. Trên truyền hình, nhiều kênh mạng xã hội cũng quảng cáo các clip tết đoàn viên, phong tục cúng tiễn ông Công, ông Táo…
“Tết này con ở Sài Gòn. Khi cùng mẹ dạo phố, con ít thấy kẹt xe. Người lớn nói chuyện với nhau cũng nhẹ nhàng, tặng nhau nhiều câu chúc bình an, hạnh phúc…”, bé Thúy Phụng nói.
Anh Hoàng Văn Thuynh (giáo viên, ngụ đường Bà Hạt, quận 10, TPHCM) nhận xét, dịp tết giúp trẻ nhỏ học được nhiều điều thú vị. Các bé có thể cùng cha mẹ mua sắm, dọn dẹp nhà cửa, dạo hội hoa xuân, ngắm nhìn những sắc màu rực rỡ thời khắc giao thừa…
Kể lại câu chuyện nhà mình, anh Thuynh nói, bé nhỏ 3 tuổi nhà anh năm nay đã biết chúc mừng ba mẹ nhiều sức khỏe, ông bà sống lâu muôn tuổi, cả nhà an vui. Chưa kể bé còn biết xịt nước tưới vườn hoa trước nhà, cho cún cưng ăn hạt…, với lý do “Tết nay con lớn rồi, nên phụ ba mẹ làm việc”.
Sợi dây kết nối tình thân
Vẫn duy trì thói quen “xông đất” mừng năm mới, nhưng có điều khác biệt là năm nay anh Lê Văn Tú (ngụ tại Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) dắt theo con gái nhỏ Thiên Ân 8 tuổi cùng đi với mình để bé hiểu thêm phong tục ý nghĩa này. Sau lời chúc mừng năm mới, anh Tú và con gái được ba mẹ mừng tuổi đầu xuân.
Bé Thiên Ân cũng hiểu được ý nghĩa của tục lì xì mừng tuổi nên bé cảm ơn ông bà, cẩn thận đưa phong bao nhờ ba giữ chứ không mở ra kiểm đếm số tiền nhiều hay ít. Theo anh Tú, bé được dạy từ nhỏ nên rất ý tứ, do vậy ai mừng tuổi bé, dù nhiều hay ít, bé cũng vui mừng đón nhận.
Tết này, bé Ngọc Hoa (9 tuổi, con gái chị Nguyễn Thị Mơ) được đón mùa xuân thật dài, vì bé có tới 10 ngày vui chơi cùng ông bà, cậu, dì… Trước đó, ba mẹ Hoa ít có thời gian đưa con về thăm ngoại, nên bé hầu như chỉ trò chuyện qua quýt với ông bà qua máy tính hoặc điện thoại.
Còn nếu có dịp gặp trực tiếp, bé đều lảng tránh. Thời gian bé ở với nội nhiều hơn với ngoại, nên tâm lý này cũng bình thường. Thế nhưng, 10 ngày Tết Quý Mão này, tình cảm của Hoa với ông bà ngoại đã “dày” thêm. Cô bé líu lo nắm tay bà đi chúc tết hàng xóm, cùng ông chăm sóc hoa trong vườn, đùa vui với bọn trẻ trong xóm… “Con cùng em họ Phương Hoa đi hái ổi, dạo vườn cà phê, thăm vườn mít… Vui lắm luôn cô”, Ngọc Hoa nói.
Không chỉ các em nhỏ được vui chơi, tìm hiểu về tết cổ truyền, mà cả người lớn cũng học hỏi được những bài học thú vị từ con trẻ. Anh Văn Duẩn (ngụ tại Cần Đước, tỉnh Long An) chia sẻ câu chuyện nhà mình. Đó là mùng 2 Tết Nguyên đán, bé nhỏ 10 tuổi nhà anh mời chị họ cùng tuổi qua nhà chơi, tặng chị một cuốn truyện cổ tích mới tinh. Hai chị em thương yêu, thích chơi với nhau lắm.
“Nhà tôi và anh trai vốn hiểu lầm, dẫn đến xích mích. Cũng may nhờ hai đứa nhỏ chơi thân, nên đã trở thành sợi dây vô hình kết nối hai gia đình trở lại, sau đó gạt bỏ mâu thuẫn, thân quý như xưa”, anh Duẩn kể.
Xuân về, mỗi gia đình đều tạm thời xếp lại mọi lo toan, bộn bề của năm cũ để cùng nhau đón tết bình yên. Bọn trẻ cũng được dịp học hỏi nhiều điều hay từ những giá trị văn hóa tinh thần tốt đẹp của những ngày Tết Nguyên đán của dân tộc. Đó là điều đáng quý mà ngày tết mang lại cho mỗi gia đình…