1. Hoa mai, vạn thọ, mồng gà, cúc… hay những loại cây mang cái tên đầy may mắn như: kim ngân, phát tài, phát lộc… Chỉ chừng ấy cây kiểng miệt vườn, lá xanh, bông đỏ, bông vàng và tên gọi cũng “muôn năm cũ”, không quá cầu kỳ hay mỹ miều như hoa kiểng ngoại nhập nhưng lại say lòng khách mua đến lạ.
“Năm nào cũng độ 20 tháng Chạp là ra đây ngóng lần lần rồi, bông mai, bông cúc lựa chậu vàng rực vậy thôi, nhưng cái chính là khoái cách buôn bán mau lẹ của mấy ghe nhà vườn. Chợ hoa trong thành phố thì nhiều rồi, nhưng trên bến dưới thuyền như vầy mới độc đáo, thích là thích cái không khí vầy nè”, ông Nguyễn Văn Ba (58 tuổi, ngụ quận 8) vừa nói, vừa chỉ tay về chiếc ghe chở đầy mai vừa cập Bến Bình Đông (quận 8) sáng 24 tháng Chạp.
Theo lời nhiều người dân địa phương, ghe bông cập Bến Bình Đông hiện nay đã ít hơn xưa, nhưng nét duyên “trên bến dưới thuyền” vẫn còn nguyên đó. Khách mua hoa kiểng thoải mái chọn lựa, trên bờ không ưng thì chỉ ra ghe phía sau là chậu mai, chậu cúc vừa ý khách ngay.
Không quá nhiều tiếng chào mời hay kỳ kèo trả giá, bởi phần đông các ghe bông ở đây đều do nhà vườn bán trực tiếp không qua trung gian. Chợ hoa “trên bến dưới thuyền” độc đáo và lưu luyến khách mỗi năm cũng ở chỗ đó, dưới thuyền nhà vườn chuyển kiểng dần từ ghe lên bến; trên bến, khách qua lại những ngày giáp tết mỗi lúc một đông.
Ưng ý chậu nào thì hỏi chủ ghe rồi tính tiền, cũng bởi cái nết mua bán dễ chịu này mà nhiều khách cứ năm hết tết đến, muốn chơi hoa kiểng gì thì rảo một vòng Bến Bình Đông, tìm bằng được ghe chú Ba, ông Bảy cũng bởi “ổng bán dễ chịu” hay “ổng lên ghe mai uốn dáng độc lắm”…
Tôi bắt gặp vài người khách ưng chậu kiểng, chậu mai cả chục triệu đồng, trả tiền xong thì tặng hẳn chủ ghe vài triệu như một cách cảm ơn vì đã tìm được chậu kiểng mà họ “đỏ mắt” tìm mấy bữa nay.
“Chơi kiểng thì chịu tốn tiền rồi, nhưng mà tìm được chậu kiểng, dáng mai mình ưng ý không phải dễ đâu. Người ta buôn bán dễ chịu, mình gửi thêm chút vui vẻ hai bên, năm sau ghé lại biết đâu có chậu kiểng đẹp, người ta lại dành phần cho mình”, anh Lâm Tới (45 tuổi, ngụ quận 5) hóm hỉnh kể.
2. Trong không gian “trên bến dưới thuyền” đó, nét tết xưa dường như trở lại rất gần trong lòng thành phố, khung cảnh mua bán, tiếng sóng nước vỗ mạn thuyền hòa điệu cùng tiếng đờn ca tài tử trên hai ghe bầu.
Ban tổ chức chợ hoa năm nay thiết kế riêng hai ghe bầu (loại ghe đặc trưng của miền Nam) chạy dọc theo tuyến kênh Tàu Hủ, từ cầu tàu (phường 11, quận 8) đến cầu ngang đi bộ số 6 (phường 14, quận 8), phục vụ khách tham quan bằng những câu hò, điệu lý quen thuộc của đờn ca tài tử. Câu ca điệu hò lấy cảm hứng từ cuộc sống thường ngày, cùng âm vang nhạc cụ dân tộc, khiến khách mua hoa thêm hào hứng.
“Năm nay hay quá chừng, có đờn hát trên ghe nữa, y như hồi xưa lúc tôi còn con gái. Không khí tết như vầy mới đúng thiệt là tết quê mình”, bà Nguyễn Phi Lan (60 tuổi, ngụ quận 8) chia sẻ. Biểu diễn xong tiết mục Lý đất giồng, Ý Diệu (ca sĩ Trung tâm Văn hóa TPHCM) chia sẻ: “Năm nay, được biểu diễn đờn ca tài tử trên ghe bầu, trong không gian chợ hoa trên bến dưới thuyền, tôi thấy không khí y hệt ngày thường, lúc ra đồng, khi mần ruộng ở miệt Vĩnh Long quê mình vậy”.
Trên cầu đi bộ số 7, đặt 2 chậu vạn thọ vàng rực vừa mới mua xuống để dõi theo ghe bầu hát đờn ca tài tử trên kênh, ông Trần Mai Tiến (70 tuổi, ngụ quận 8) kể: “Không gian này hát đờn ca tài tử thì đúng bài quá rồi, thấy nhộn nhịp như tết xưa ở Bến Bình Đông của mấy chục năm trước. Đờn ca tài tử thì bà con đi chợ rồi ghe miệt vườn lên đều nghe ưng lỗ tai, đờn hát trên ghe qua lại như vầy hay quá xá”.
Hóm hỉnh hơn, ông Năm Ngà (53 tuổi, chủ ghe mai ở Chợ Lách, Bến Tre) nói: “Tính ra tui ở dưới ghe này mà gần nghệ sĩ hơn mấy ông trên bờ nha. Mới hồi nãy, đậu sát bên ghe tui, nghệ sĩ hát đờn ca nghe mê thiệt, mai chưa chuyển hết lên bờ nữa, nhưng tui phải nghỉ tay chút để nghe cho đã”.
3. Với địa hình kênh rạch uốn lượn mềm mại, hòa cùng không gian đô thị ở TPHCM, “trên bến dưới thuyền” không hẳn chỉ có riêng quận 8. Vài năm trở lại đây, khu vực dọc tuyến bờ kè đường Trần Xuân Soạn (quận 7, từ cầu Rạch Ông đến đường Lâm Văn Bền) cũng nhộn nhịp chợ hoa mua bán kiểu “trên bến dưới thuyền” những ngày giáp tết. Nhưng xuất phát điểm đây chỉ là nơi ghe dừa từ các tỉnh Tây Nam bộ cập bến để bán và ngày tết, các chủ ghe này bán thêm hoa kiểng, để tăng phong vị tết quê.
Đặc sắc nhất vẫn là nét duyên “trên bến dưới thuyền” của Bến Bình Đông, chợ hoa truyền thống và lâu đời trong thành phố mua bán kiểu sông nước miệt vườn, thương hồ hào sảng.
Nhiều tài liệu lịch sử cho biết, dấu ấn nhộn nhịp, giao thương sầm uất của Bến Bình Đông đã có cách đây hơn 300 năm và bằng chứng đến giờ là chợ hoa xuân “trên bến dưới thuyền” mỗi dịp tết đến xuân về. Trong năm 2021, chợ hoa xuân “Trên bến dưới thuyền” (quận 8) được HĐND TPHCM đưa vào chuỗi các sự kiện văn hóa, nghệ thuật, lễ hội tiêu biểu thường niên của thành phố. Không khí nhộn nhịp khách mua bông, ghe - thuyền cập bến, những hộ dân sống dọc bờ kênh, trên tuyến đường Bến Bình Đông cũng trang trí phía trước nhà để không khí “trên bến” hòa sắc cùng thuyền hoa “dưới bờ” rực rỡ.
“Không phải trang trí để thi thố gì đâu, mà thấy vui, thấy khoái nên cả gia đình cùng nhau làm, cũng đẹp cho nhà mình chứ có mất đi đâu. Không khí chợ hoa năm nay nhộn nhịp và nhiều tiết mục hay, cảm giác xôm tụ như buổi chợ mấy chục năm trước, hồi tui với ông xã mới cưới nhau, như vầy mới thấy không khí chợ tết chứ”, bà Nguyễn Thị Kim (65 tuổi, ngụ quận 8) kể.
Không gian rực sắc hoa kiểng, sóng nước, thuyền, ghe… người mua, người bán nhộn nhịp và khi ráng chiều vàng đượm rọi xuống dòng kênh, nhiều tay máy chuyên lẫn không chuyên cũng tranh thủ bắt lại từng khoảnh khắc đẹp của buổi chợ hoa. “Năm nào, tôi cũng ra đây chụp rồi ngắm hoa kiểng, coi người ta mua bán vậy đó. Dân chụp hình hay nói với nhau, ra đây săn ảnh, chụp hình là một chuyện, cái chính là thích không khí chợ hoa ở đây, có bến, có thuyền và người ta mua bán cũng dễ chịu, không có nói thách”, một chú thợ chụp ảnh tóc bạc nói với tôi…
Không ít chợ hoa, người ta chứng kiến cảnh chiều 30 Tết, người bán đập bỏ hàng loạt chậu bông lớn nhỏ, nhưng “trên bến dưới thuyền” lại khác. Người bán cũng là người chủ trực tiếp trồng bông, nên họ biết phải làm gì với những chậu bông không bán được.
Nhiều người bán nói với tôi, họ sẽ đem bông còn dư về nhà, cũng là một chuyến rẽ nước về miền Tây thôi mà. “Đắt hay ế thì cây bông là cuộc sống, là bản sắc của dân miền Tây, dễ gì đập bỏ cho được”, ông Tư ở ghe bán bông cúc, cả chục năm theo con nước “trên bến dưới thuyền” nói vậy đó…