Tết xưa ở chốn vàng son

Một chút lắng đọng ngày đầu năm mới, lần giở những trang sách của Tết chốn vàng son (NXB Tổng hợp TPHCM), như một cách "ôn cố tri tân", ngược về quá khứ để cùng tìm hiểu việc đón Tết Nguyên đán của dân tộc, cụ thể hơn là trong cung đình xưa. Nhờ đó, dòng chảy văn hóa thêm một lần nữa được nối kết qua các thế hệ.

"Tết chốn vàng son" do NXB Tổng hợp TPHCM ấn hành trong dịp Tết Ất Tỵ 2025
"Tết chốn vàng son" do NXB Tổng hợp TPHCM ấn hành trong dịp Tết Ất Tỵ 2025

Cách đây không lâu, tác giả Lê Tiên Long ra mắt ấn phẩm Vua chúa Việt và những điều chưa biết (NXB Tổng hợp TPHCM), mang đến những tư liệu, câu chuyện thú vị về cuộc đời của những vị vua trong sử Việt. Tiếp nối đề tài này, anh tiếp tục cho ra mắt ấn phẩm Tết chốn vàng son. Ở cả hai ấn phẩm, Lê Tiên Long đều có cách tiếp cận lịch sử gần gũi và độc đáo. Khác với trước, lần này, anh tập trung vào những câu chuyện đón tết nghênh xuân trong cung đình xưa.

Tet_chon_vang_son_Final.jpg
Tranh minh họa hình ảnh vua ban thưởng bổng lộc ngày đầu năm mới trong ấn phẩm "Tết chốn vàng son"

Với 35 bài viết, được chia thành 2 phần: Cung đình chuẩn bị đón TếtVua quan ăn Tết, Lê Tiên Long đã cặm cụi lần giở trong những trang sử của tiền nhân như Đại Việt sử ký, Đại Nam thực lục, Khâm định Việt sử thông giám cương mục… để chắt lọc, biên chép, tổng hợp đưa đến cho bạn đọc những câu chuyện thú vị, hòng giải đáp những thắc mắc: Vua nước Việt ăn Tết như thế nào? Triều đình có những nghi lễ gì, tổ chức ra sao? Vua có thưởng tết cho bề tôi hay không? Nghi lễ cúng tế trong triều đình Việt có gì khác với các nước đồng văn?

Tết Nguyên đán là ngày lễ quan trọng nhất của các nước Á Đông từ thời xa xưa. Ngày tết là ngày nghỉ ngơi, mọi nhà, mọi người hướng về gia đình, tổ tiên. Trong cung đình xưa cũng vậy, triều đình Việt Nam thời phong kiến nghỉ tết từ khá sớm, trở lại làm việc muộn, với rất nhiều nghi lễ phức tạp. Nhờ khoảng nghỉ dài, các quan và người hầu cận vua cũng có thể chăm lo cho cái tết của gia đình. Các nghi lễ này có thể độc giả từng đọc, từng nghe, hoặc xem trên các phim truyền hình, điện ảnh không chỉ riêng nước ta mà còn có của các nước có nền văn hóa tương tự như Trung Quốc, Hàn Quốc.

Theo đó, vào ngày tết, vua thực hiện những nghi lễ quan trọng nhất là thờ cúng tổ tiên, đầu xuân thì tế trời (tế Giao), tế Xã Tắc (thần Đất và thần Nông). Cuối năm thì triều đình làm lễ Thượng nêu, ban lịch cho bề tôi, niêm phong cất ấn. Đầu năm thì ngược lại, làm lễ Hạ nêu, Khai ấn... Ngoài ra, vào mùa xuân, các vị quân chủ các nước thuộc nền văn minh nông nghiệp còn thực hiện nghi lễ cày ruộng Tịch điền để khuyến khích nhân dân chăm lo sản xuất. Và để bảo vệ đất nước, các vua Việt cũng thường tổ chức duyệt binh, tập trận... mỗi dịp xuân về.

Thay vì những cuốn sách dày hàng ngàn trang, chỉ với cuốn sách nhỏ nhắn gần 240 trang, tác giả Lê Tiên Long đã cho bạn đọc, nhất là những người trẻ, thêm nhiều điều thú vị, qua đó hiểu thêm về từng triều đại cũng như hiểu rõ về lịch sử nước nhà. Tình yêu văn hóa của đất nước mà cha ông đã xây dựng và gìn giữ từ mấy nghìn năm qua cũng từ đó mà được trao truyền và lưu giữ. Bởi vậy, không ngạc nhiên khi nhà báo Yên Ba gọi Tết chốn vàng son là một cuốn sử. Bởi theo ông, tác giả Lê Tiên Long chủ yếu dựa vào những cuốn sách chính sử đồ sộ của cha ông để hình thành những câu chuyện nhỏ, để người của hôm nay biết chuyện của hôm xưa, nơi chốn cung đình đã đón xuân, ăn tết như thế nào.

Tin cùng chuyên mục