Có chút gì đó hoài niệm, cũng có một chút tiếc nuối khi nhớ về những cái tết xưa.
Những ngày tết đến gần, bạn có mong đợi điều gì không? Có thể là ước muốn được sum vầy, được quây quần ăn bữa cơm đoàn viên bên gia đình, được đón Giao thừa cùng ba mẹ. Thế nhưng có những ước muốn tưởng chừng đơn giản với người này lại quá đỗi khó khăn với người kia. Nhất là vào dịp tết đối với những người con xa xứ, nỗi niềm thương nhớ quê nhà lại càng thêm da diết hơn.
Không biết bạn thế nào, còn với tôi, tết trong mắt kẻ phiêu bạt, tha hương không còn lung linh, rực rỡ như hồi còn trẻ nhỏ. Đã qua cái thời nghĩ tết là một ngày hội, là ngày được xúng xính áo mới, lì xì đầy túi, nô nức ăn kẹo thả phanh. Cứ mỗi cái tết đến, tôi lại cảm thấy một năm trôi qua nhanh như chớp mắt, dù là những mong mỏi nhỏ nhoi cũng chưa kịp thực hiện được. Hình ảnh của ba mẹ với đầu hai thứ tóc trong khi bản thân mình còn chưa bên cạnh phụng dưỡng ngày nào, lại khiến tôi chạnh lòng hơn.
Nực cười, từ khi còn nhỏ cho đến khi bước ra cánh cửa rộng lớn của cuộc đời, tôi ngạo nghễ rằng bản thân đã hoàn toàn tự lập. Dĩ nhiên, bất chấp mọi lời khuyên nhủ của mọi người, tôi vẫn nhất quyết xa quê.
Để rồi, cái ngày tôi trở lại thăm nhà. Ấy lại là ngày thân xác tôi hoang tàn, xơ xác nhất. Ba mẹ lẳng lặng nhìn tôi. Không âu yếm. Không vỗ về. Cũng chẳng hề rầy la. Nhưng tôi biết, ắt hẳn trái tim của họ đã vỡ vụn ngay trong khoảnh khắc ấy. Ba dạy tôi về bài học vươn lên, không được dễ dàng buông xuôi, bỏ cuộc.
Nghe theo lời khuyên bảo, tôi từ biệt gia đình, xuất khẩu lao động sang nước ngoài với quyết tâm làm lại cuộc đời.
Thế rồi, mỗi mùa tết qua đi, chẳng khi nào bữa cơm gia đình có mặt tôi. Tôi kìm nén nỗi nhớ nhà và chọn ở lại nơi đất khách. Gom nhặt từng đồng làm thêm, gửi về quê, mong ba mẹ có cái tết đủ đầy như biết bao người.
Năm thứ hai, rồi lại năm thứ ba, cho đến năm thứ tư, tôi vẫn không về. Vẫn là những cuộc gọi dang dở. Tôi không về vì tôi chưa có nhiều tiền.
Thế nhưng, vật vã kiếm tiền để rồi chính tôi lại tự hờn tự trách về sự vô tâm của mình. Tôi muốn gửi tiền về thật nhiều cho ba mẹ. Nhưng, lại quên bẵng đi rằng, thứ họ cần không phải mớ tiền vô tri ấy. Họ cần tôi, hình hài máu mủ ruột thịt, trở về để sum vầy.
22g30 đêm 30, sau khi tan ca, tôi đi ngang qua chợ đêm, thấy không khí náo nhiệt vô cùng. Khắp nơi bày bán đủ thứ mặt hàng bắt mắt sặc sỡ từ thực phẩm, quần áo đến cây cảnh... Tôi nhớ tết quê nhà.
Trước đây, tôi chưa đi làm, chi tiêu gia đình đều trông cậy cả vào ba. Một mình ông lo tiền học phí cho tôi và thuốc men cho má. Lương ngày ấy của ba phải tằn tiện lắm mới đủ chi tiêu cho cả gia đình. Thế nên tết nhất cả nhà chẳng dám mua quần áo mới hay sắm sửa gì. Tết nào nhà tôi cũng túng thiếu, phải chạy vạy, vay mượn người này người kia. Hai bên nội ngoại phụ giúp cũng chỉ đỡ được phần nào, không thể nhờ cậy mãi.
Nhưng tôi yêu những cái tết bên gia đình. Ngày Xuân được ngắm nhìn mọi người trong nhà vui vẻ, không vướng bận lo âu với nó là niềm hạnh phúc lớn lao.
Nhớ đêm 30 Tết, mẹ ngồi gói bánh tét, tôi nướng bánh tráng, ba rót trà cúng ông bà.
Dù nhà nghèo, mẹ cũng mua được chậu bông cúc thật to bày trí đêm Giao thừa và đón ông bà. Cả nhà ngồi nghe tiếng pháo vang khắp xóm, nghe hương vị thơm dịu của hoa trong gió Xuân nhè nhẹ đến cả những ngày hôm sau.
Cả nhà ngồi với nhau vừa canh lửa nồi bánh, vừa nghe ba mẹ kể chuyện những vất vả ngày xưa, những câu chuyện chiến tranh đầy khói lửa và thuốc súng.
Giờ bận rộn ở nơi xa, cái tết cũng dần phai.
Giao thừa đến, nhìn ngắm pháo hoa sặc sỡ trên cao, lòng tôi bỗng quặn đau như thắt. Giữa cái đêm lạnh buốt nơi xứ người, thú thật rằng tôi nhớ nhà. Bất chợt, tô hủ tiếu chay giữa đêm khuya nóng hổi trên tay đột nhiên có vị mặn. Nhìn dòng người qua lại kéo nhau xem pháo hoa đón chào năm mới, tôi đứng dậy, nuốt nghẹn nước mắt vào trong. Xách xe chạy vòng vòng những con đường cũ, mong tìm thấy một chút hương vị xưa... nhưng tôi cảm giác mình đang đi lạc, lạc mất con đường tuổi thơ.
“Ngày xưa, tôi luôn chờ đợi tết, vì nó rất đáng chờ đợi. Bây giờ thì tôi cũng vẫn còn chờ tết, không phải vì áo mới, vì dưa hấu, mà muốn kết lại một chặng đời, để sau tết mình sẽ sống những ngày mới. Để thấy những lỗi lầm, những dại dột đã thuộc về quá khứ, không thể chỉnh sửa. Thôi, không thèm day dứt…”.
Bất chợt xót xa.
Năm nay, tôi lại đón tết xa nhà.
LÊ THỊ KIM VI
Mộ Đức, Quảng Ngãi