Sao cũng được
Nói đến tết, hầu hết bạn trẻ nào cũng rất hào hứng, trông từng ngày. Nhưng với mỗi người, tết lại có mục đích, ý nghĩa và cách đón nhận khác nhau. Vừa nhận được cuốn lịch để bàn năm 2019 công ty đưa xuống, Phạm Ngọc Mai Anh, 24 tuổi (ngụ quận 6) liền đánh dấu đậm vào những ngày nghỉ tết. Đếm thời gian còn lại, Mai Anh khoe: “Vậy là chuyến đi châu Âu sắp tới rồi. Chưa có năm nào tôi mong tết đến như năm nay”.
Gia đình Mai Anh có thói quen du lịch vào ngày tết, mọi năm đi trong nước hoặc các nước châu Á, năm nay Mai Anh dành trọn tiền tiết kiệm để thực hiện một chuyến đi châu Âu cùng bạn bè. Mai Anh quan niệm: “Tết là phải đi chơi để biết đây biết đó. Không khí tết ở nhà thì năm nào cũng vậy, đi để biết tết ở các nơi và khám phá các vùng đất khác chứ ngày thường đâu có thời gian đi”.
Quả thật, không riêng Mai Anh hay Duy Hà mà rất nhiều bạn trẻ đã coi ngày tết là ngày sống cho riêng mình, không du lịch thì đi chơi, tụ tập bạn bè hay đơn giản là một mình “tự kỷ” trong phòng xem phim hoặc “cày” game…
Thậm chí có nhiều bạn cho biết gia đình không đón giao thừa như truyền thống mà mạnh ai nấy đi. Người đi xem bắn pháo hoa, người tụ tập ăn uống ở đâu đó. Những ngày nghỉ tết cũng vậy, hầu như chỉ về nhà ngủ khi đã quá nửa đêm. Hỏi mong muốn gì ở những ngày tết thì nhiều bạn chung đáp án: Sao cũng được, miễn là thoải mái, không phải lo lắng công việc hay học hành, được ngủ nướng thật đã, còn lại có điều kiện thì đi chơi xa, không thì ở nhà loanh quanh trong thành phố với bạn bè…
Mong là ngày đoàn viên
Háo hức mong đến chuyến du lịch trời Âu là vậy, nhưng khi nghe cô bạn đồng nghiệp kể về ngày tết ở quê, Mai Anh lại chạnh lòng. Tết ở quê, với Mai Anh đơn giản chỉ là cả nhà cùng trông nồi bánh hay bên nhau xem cầu truyền hình, đếm ngược từng giây đón khoảnh khắc giao thừa rồi xếp hàng nhận lì xì của ba mẹ. Bình dị là vậy nhưng ấm áp vô cùng. Mai Anh thừa nhận, bản thân cũng từng có những ngày tết sum vầy như vậy nhưng giờ chỉ còn trong ký ức.
Nguyễn Hồng My (sinh viên năm 3 Đại học KHXH-NV TPHCM) vẫn mong cái tết được cùng cả nhà trang hoàng nhà cửa, gói bánh tét, được cùng mẹ đi chợ, rồi hì hụi chuẩn bị những món ăn. Vì mẹ không có thời gian, cuối năm lại càng bận rộn nên nhiều năm nay, đồ ăn thức uống ngày tết, bánh mứt, thậm chí là mâm lễ cúng gia tiên ngày cuối năm của gia đình My đều được chuẩn bị bằng… những cú điện thoại. Đồ đi biếu cũng đặt từ chỗ này giao đến chỗ khác, người tặng không biết nó ngon lành, tròn méo ra sao. Vài ngày tết qua đi nhanh chóng trong không khí ai cũng muốn nghỉ ngơi cho thật đã, thành thử tết không đọng lại gì.
My tâm sự: “Mẹ hay kể về tết của mẹ ngày xưa cùng ngoại chuẩn bị từ miếng mứt dừa đến mâm cỗ cúng. Vì muốn được thử không khí chuẩn bị tết nên tôi tự tay đi sắm sửa làm mấy món ăn truyền thống theo công thức của mẹ. Dù cực nhưng cảm giác rất vui và hào hứng, khác hẳn với tâm trạng ngồi ở nhà chờ người ta giao hàng tận nơi như mọi năm”.
Tết hiện đại là những ngày bộn bề công việc, vì thế ý nghĩa đoàn viên đã nhạt đi. Nếu trước đây chưa có internet, điện thoại cũng chưa phổ biến, tết là dịp hiếm hoi để mọi người gặp nhau, rôm rả kể những câu chuyện của mình trong năm qua, hỏi han sức khỏe hay dành cho nhau lời chúc năm mới tốt lành. Còn hiện nay, điện thoại trở nên thông dụng, có thể trò chuyện trực tuyến bất cứ lúc nào nên cảm giác nhớ nhung có lẽ cũng vì vậy mà vơi bớt, ý nghĩa đoàn viên của ngày tết cũng vì thế mà nhạt nhòa.
“Như gia đình tôi, ngày tết mọi người cùng về nội chúc tết nhưng mỗi người ôm một cái điện thoại, chụp vài tấm hình đăng lên mạng xã hội để đếm like, ăn vội bữa cơm rồi lại ai về nhà nấy để còn lo chuyện khác. Lâu nay tôi chỉ thấy tết đoàn viên trong phim hoặc những mẩu quảng cáo trên truyền hình”, Bùi Cẩm Tú (sinh viên Cao đẳng Kinh tế đối ngoại TPHCM) thành thật kể.
Rõ ràng, tết nay phần nào bị tác động bởi thời đại công nghệ số, hay cách hưởng thụ tết của giới trẻ đã khác xưa, nhưng trong sâu thẳm trái tim phần lớn những người trẻ, giá trị bền lâu của văn hóa truyền thống ngày tết cổ truyền vẫn luôn là điều mà nhiều bạn muốn được trải nghiệm.