SISOMPHONE-WASSANASONG (Lào), sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng
Mình học và sống ở Việt Nam đã được 3 năm rồi và mỗi năm đều có tết, dù mình chưa có ăn tết đúng vào ngày mùng 1 nhưng đã từng được thưởng thức hương vị ngày tết do Trường ĐH Tôn Đức Thắng tổ chức cho sinh viên quốc tế xa nhà.
Nhà trường luôn quan tâm và tạo cho sinh viên có cơ hội sum họp với các thầy cô và bạn bè sinh viên Việt Nam, không khí này tạo cho mình cảm giác như một gia đình được sum họp với nhau.
Trong dịp này mình được thưởng thức các món bánh chưng, bánh tét, kẹo bánh truyền thống của Việt Nam, được nhận lì xì, và được mọi người chúc may mắn, sức khỏe trong năm mới.
Mình biết rằng tết Việt Nam là một dịp rất vui và nhiều người luôn mong đợi, vì được đoàn tụ gia đình - nơi tràn đầy ấm áp và niềm vui. Tết Việt Nam cũng hơi giống tết Lào ở chỗ là mọi người trong gia đình, anh em được gặp nhau ăn mừng, tuy nhiên thời gian ăn tết của hai nước có ngày tháng khác nhau.
Trong dịp tết Việt Nam năm 2019, mình cũng gửi lời kính chúc đến các thầy cô cũng như tất cả các bạn sinh viên năm mới thành công, chúc may mắn, chúc mọi sự an lành, chúc cho những ước mơ trở thành hiện thực Tết
Việt Nam khá giống với Hàn Quốc
KANG SOYI (Hàn Quốc), sinh viên Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TPHCM)
Tôi đã sống với ba mẹ ở Việt Nam từ trước khi theo học tại trường, nên khá quen với các phong tục tập quán vào dịp tết của người Việt Nam. Đất nước Hàn Quốc của tôi và Việt Nam có khá nhiều điểm tương đồng trong cách đón tết, vì vậy chúng tôi đều cảm nhận được không khí rộn ràng, tất bật những ngày cuối năm.
Tết truyền thống ở Hàn Quốc (còn gọi là Seollal) là một trong những ngày lễ quan trọng nhất và thường kéo dài trong 3 ngày (ngày 30, ngày 1 và ngày 2 theo âm lịch).
Tôi vẫn nhớ cả gia đình tôi thường lái xe đến nhà ông bà để cùng đón năm mới vì đây gần như là dịp duy nhất trong năm mọi người cùng đoàn tụ.
Khi đến nhà ông bà, vào trước đêm giao thừa chúng tôi tắm nước nóng để tẩy trần, mặc Hanbok thật đẹp (thường là mới may), hành lễ trước ông bà tổ tiên, chơi đánh bài, nấu ăn và cùng ngồi trò chuyện.
Khi đến Việt Nam sinh sống, chúng tôi không thể duy trì tất cả các hoạt động chào đón năm mới như ở Hàn Quốc, nhưng thật may mắn, chúng tôi không cảm thấy lạc lõng vì tết Việt Nam khá giống với Hàn Quốc.
Đặc biệt khi học tại Trường ĐH Quốc tế, tôi có nhiều bạn Việt Nam hơn và họ kể cho tôi về cách đón năm mới ở quê nhà của họ. Thật thú vị khi biết dù trên cùng một đất nước nhưng phong tục tập quán của mỗi vùng có một số điểm khác nhau.
Tôi sống ở TPHCM nên các hoạt động năm mới nơi đây khá đa dạng và vui nhộn, nhất là vào một tuần trước tết. Đặc biệt, ở TPHCM có các hoạt động từ thiện giúp những người hoàn cảnh khó khăn và theo tôi đây là những hành động đẹp, vì ai cũng cần có một cái tết đầm ấm.
Ngày gắn kết, ngày đoàn viên
JANTHAMONGKHON KETSUDA (Thái Lan), sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng
Ở Việt Nam giờ này, người người nhà nhà đã lo sắm sửa cho tết chu toàn, ấm áp. Một người bạn Việt Nam đã chia sẻ với tôi về “Mùng một tết cha, mùng hai tết mẹ, mùng ba tết thầy” để mừng tuổi và nhận lì xì. Những tập tục này khác nơi Thái Lan quê tôi. Chúng tôi có ngày tắm Phật cũng như lễ hội “Té nước”.
Ở đất nước tôi, việc phun nước vào nhau là để gột rửa những phiền lo nhằm chào đón một năm mới, không nhất thiết chỉ là người thân, mà bất kỳ người nào cũng được. Còn ở Việt Nam, tết là hướng về gia đình, dù xa mấy cũng đi về. Giống như người bạn Việt của tôi đã đặt vé về quê từ lâu để kịp đón giao thừa với người thân gia đình.
Trước khi về quê, bạn giới thiệu cho tôi tham gia Xuân tình nguyện tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng. Tham gia vào hoạt động này tôi biết thêm nhiều thứ như bánh chưng, bánh giầy, bánh tét và cách gói những thức ăn lạ lùng ấy, những hoạt động vì cộng đồng, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Hình như ở đây ngày tết là ngày gắn kết, là ngày đoàn viên.