Gian bếp có từ lúc ba má ra ở riêng đến giờ và đã trải qua mấy đợt “trùng tu”. Gia đình tôi vẫn giữ thói quen đưa ông Táo về trời bên gian bếp củi, vẫn giữ gìn nếp cũ như là giữ gìn kí ức của một thuở hàn vi nhưng êm đềm, hạnh phúc. Tôi phụ ba chẻ củi, phơi củi và lén nhìn cái dáng người khắc khổ, lam lũ của ba mà thấy thân thương đến lạ.
Nhớ hồi còn nhỏ ở chung với nội, cứ 20 tháng Chạp, bà nội lại làm "thèo lèo cứt chuột" để cúng ông Táo. Chị em tôi thèm thuồng, háo hức, chờ đến giây phút ông Táo về trời, ông nội hạ thèo lèo xuống mới được ăn. Sau này bà nội “truyền nghề” làm "thèo lèo cứt chuột" lại cho má tôi. Hồi ấy tôi không quan tâm lắm về tên gọi, chỉ thấy những miếng kẹo đậu phộng, mè đen ăn giòn, ngọt, thơm ngon!
Lúc xưa trong vườn mai vàng nhà nội, có một cây mai trắng cổ thụ trước sân, gọi là Bạch mai. Cứ đúng giao thừa, ông bà nội lại ra soi đèn để hái những bông mai trắng vừa nở còn ướt sương đêm. Ông hái 19 bông để nấu nước trà, bà hái 19 bông để nấu món canh bạch mai thanh mát (hồi nhỏ tôi cũng không hỏi nội sao lại là con số 19). Mai hái vào được bà rửa qua nước mưa trữ sẵn và chừa lại một bông đặt vào cái chén, số còn lại nội ngâm vào tô nước mưa đến năm giờ sáng và dùng nước này hầm canh với sườn heo, khoai tây, cải đỏ. Tôi nôn nao đến tết để được ăn ngon nên thường dậy sớm ngồi cạnh bếp lửa coi nội nấu món canh mai trắng và hít hà mùi khói bếp thơm thơm. Nội chăm chút nồi canh rất kĩ lưỡng, hầm đến khi sườn heo mềm thì các cánh mai cũng tan biến đi. Sau khi nêm nếm, nội múc ra tô, rắc chút hành ngò xắc nhuyễn, trên cùng nội đặt lên đóa mai trắng. Hơi nóng trong tô canh bốc lên, tạo thành những vệt sương, lớp khói mờ ảo quyện trên đóa mai với mùi thơm dịu nhẹ.
Mâm cơm cúng tổ tiên luôn có tô canh bạch mai đặt chính giữa trang trọng, ngụ ý cho sự phú quý, sự tốt lành. Cả nhà đầm ấm, quây quần ăn bữa cơm đầu năm. Múc muỗng canh bạch mai vào chén, húp một cái, vị ngọt của xương, cải đỏ, khoai tây hòa quyện với vị ngọt nhân nhẫn của bông mai, có cảm giác lâng lâng, như nuốt trôi đi những gian khó đời thường.
Trong khi bà nội rửa mai thì ông nội nấu nước pha trà. Ông cho 6 bông vào 3 cái chum nhỏ rồi chế nước vừa sôi vào, những bông mai trắng toả mùi thơm tinh khiết, nhẹ nhàng xoay xoay trong làn nước, nội đặt lên bàn thờ tổ tiên cạnh dĩa thèo lèo cúng trong đêm giao thừa, số còn lại nội cho vào bình đất, chế nước sôi vào, đậy lại. Nước trà bạch mai có vị hơi nhân nhẫn một chút nơi đầu lưỡi nhưng ngọt lâu sau khi nhấp một ngụm dài. Cả nhà cùng ngồi thưởng thức trà bạch mai cùng dĩa "thèo lèo cứt chuột" trong đêm trừ tịch, hàn huyên những câu chuyện cũ và những ước mong trong năm mới.
Rồi ông bà nội mất, đã mười mấy cái tết trôi qua, dĩa "thèo lèo cứt chuột" luôn có mặt nhưng món canh và trà bạch mai đã không còn hiện diện trong đêm giao thừa, trong mâm cơm cúng ngày đầu năm vì cây mai trắng của nội đã được người ta bán đi trong đợt tranh gia tài khi nội mất. Không còn cây mai trắng, má tôi từng nấu thử món canh bằng mai vàng, ba cũng nhiều lần pha trà bằng mai vàng vừa hái đêm giao thừa nhưng mùi vị không thanh, không thuần khiết như mai trắng.
Bây giờ cứ vào đêm giao thừa theo lệ cũ, gia đình tôi vẫn ra những cây mai vàng trong vườn, hái đủ 38 bông mai vừa nở, xem như hái lộc đầu năm. Mặc dù trong nhà đã cắm sẵn một bình mai vàng rực từ sáng 30 tết nhưng ba vẫn đem tất cả bông mai vừa hái để vào trong dĩa, đặt lên bàn thờ gia tiên thay cho món trà bạch mai của nội.
Căn bếp củi vẫn đỏ lửa, chị em tôi vẫn dậy sớm nấu cơm, làm các món ăn cúng đầu năm. Khói bếp vẫn bốc lên tỏa hương lùa qua mái lá, hơi ấm từ củi lửa vẫn như xưa, nhưng hơi ấm tình thân tỏa ra từ nội tôi không còn nữa. Nhìn mâm cơm ngày tết đầy đủ món ngon nhưng lại thiếu món canh bạch mai, tôi ngậm ngùi nhớ ông bà nội, luyến tiếc không biết cây mai trắng cổ thụ của nội đã đi đâu, món canh, món trà mai trắng của nội chỉ còn trong tiềm thức. Bộ ấm đất nhỏ xíu dùng để pha trà bạch mai của nội giờ nằm im trong tủ kính. Riêng món "thèo lèo cứt chuột" tuy không nhiều người ăn nhưng má tôi hàng năm vẫn phải làm, để giữ lại không khí gia đình ấm áp thuở xưa.
NGUYỄN THỊ MAI TRÂM
Huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu