Nói là cao điểm vì kể từ lúc cái cối đá xanh để góc nhà ấy được chùi rửa, phơi phóng sạch sẽ thì tết đã bắt đầu đến cửa nhà.
Với tôi, quả thực lúc bé nhìn cái cối đá xay ấy vừa là sự thú vị háo hức, vừa là cả sự ám ảnh. Thú vị vì cái thời ấy, mỗi lần chiếc cối đá xay ấy được chùi rửa sạch sẽ thì tức sẽ lại được ăn một thức bánh ngon nào đấy. Nhưng cũng ám ảnh vì mỗi lần mà ngoại tính làm một món bánh gì đó, thì quay cái cối to vật vã bằng đá xanh ấy để ra được thứ bột nước trắng ngần ấy thì thực sự sợ đến ngủ mơ ở cái tuổi ham chơi ấy.
Nếu trên đời có danh xưng "bà chúa bánh", tôi thầm nghĩ chắc không ai qua ngoại. Ngoại biết đủ thứ bánh trên đời, bánh Bắc, bánh Nam, bánh Huế, bánh Thái, bánh Lào, bánh của người Hoa. Cứ có bột ắt có bánh. Mà cái thời mà sức người thay máy móc ấy, máy xay xát hiếm thì cái cối đá xanh ấy quả thật là một thứ vi diệu trong mắt bọn trẻ con như chúng tôi, thứ có thể biến những hạt gạo, hạt nếp bình thường thành trăm thứ bánh. Đặc biệt là dịp tết.
Gần tết, bà ngoại và các dì lại cứ như con thoi liên tục từ nhà ra chợ. Mà tết thì không thiếu các loại bánh từ bột nước xay ra từ chiếc cối đá ấy. Bánh ít mặn nhân tôm thịt mộc nhĩ thơm lừng phải mua được mớ tôm sông vừa lên, còn nhảy tanh tách óng ánh.
Bánh ít ngọt nhân đậu xanh nước dừa phải là thứ đậu xanh phơi vài nắng, hạt tròn mẩy, cán vỡ rồi ngâm qua đêm lược sạch vỏ, nấu vừa chín tới rồi xào với nước cốt dừa nạo. Nhân dừa đậu phộng béo bùi mà cơm dừa phải là lớp cơm dừa nạo đầu tiên, trên bề mặt mới đủ độ ngon, không bị xác, xào với đậu phộng rang vàng mà phải là thứ đậu đặc trưng của vùng Nghệ Tĩnh, hạt to mẩy, vỏ đỏ au vì phơi đủ nắng.
Rồi bánh phồng giòn thơm, bánh chuối chiên nức mũi, bánh da lợn lớp xanh lớp trắng ngọt bùi béo, bánh bèo chén trắng ngần có lớp tôm đỏ au trên mặt, bánh trôi nhân đậu thơm dẻo, nhân mỡ béo bùi, nhân đường phổi ngọt tê đầu lưỡi. Chỉ riêng bánh đúc thôi đã đủ loại đậu phộng béo bùi, bánh đúc ngô giòn sần sật, bánh đúc lá dứa thơm lừng. Bánh xèo vàng ươm giòn tan hay thứ kẹo bột thơm ngọt vị mật mía, vị gừng ấm trong cái lạnh của miền Trung se sắt dịp tết.
Đại gia đình tôi đông người lại ở quây quần kiểu nhà này sát nhà nọ. Thế nên mỗi lần rửa cối, nổi lửa làm bánh thì dăm cân gạo cũng chưa hẳn đã đủ. Ngoại chọn gạo ngon, pha tỷ lệ khác nhau cho từng loại bánh, rồi vo sạch, ngâm qua một đêm rồi mới xay bột. Cái cối đá cứ từng vòng xoay là mỗi thìa gạo được đổ vào và cho ra từng dòng nước trắng ngần theo rãnh chảy xuống thau. Mà để ra được thứ bột mịn làm bánh, phải xay ít nhất ba lần thì bột mới mịn, sờ tay vào không còn nhám mới đạt chuẩn.
Rồi tùy từng thứ bánh để phải lọc hay để nước. Bánh ít, bánh trôi thì dùng gạo nếp. Bánh đúc, bánh giò, bánh cuốn, bánh lọt, bánh da lợn thì dùng gạo tẻ. Bánh rán, bánh ram, bánh chuối thì phải pha hai loại vào nhau theo tỷ lệ “bí truyền” để vừa dẻo lại vừa giòn mà không bị hút mỡ.
Mà nghĩ cũng lạ, bột khô thì chợ bán sẵn nhưng bà ngoại nếu đã bắt tay làm bánh thì không bao giờ dùng bột khô, vì với ngoại, chỉ bột ướt, phải ngâm, phải xay kỹ thì mới chuẩn. Chắc có lẽ vì thế mà các thức bánh của ngoại trong ký ức thời thơ bé là một điều gì đó vi diệu và mỗi lần tết đến lại cứ háo hức để được mò tay vào từng thức bột đó và với sự hướng dẫn của ngoại, biến chúng thành những món ngon để đến giờ vẫn còn nhớ như in cả hương lẫn vị.
Dù giờ ngoại đã đi xa, mỗi dịp về thăm quê, cái cối đá xưa vẫn còn đó, nằm chỏng chơ ở góc sân nhà. Giờ hẳn cũng chẳng còn ai mất công mất sức đi xay bột với cái cối đá ấy nữa vì muốn bột ướt, bột khô gì thì ra chợ, siêu thị có đủ cả. Vậy nhưng, cứ mỗi lần tết đến, cứ lại lẩn thẩn nhớ cái nhịp quay của chiếc cối đá, nhớ cái không khí rộn ràng của những dịp tết, của hương vị của đủ thứ bánh mà ngoại đã làm.
Bất giác lại rưng rưng…
LÊ HOÀNG HIỆP
hoangbaolam@gmail.com