Tết về miền quê

Trong tiết trời se lạnh của buổi sáng sớm, không cần xem lịch cũng dễ nhận ra thời gian đang ở những ngày cuối cùng của tháng Chạp - một năm sắp hết, ngày tết cận kề.

Sắc hoa vàng báo hiệu mùa xuân phương Nam thật gần. Ảnh: ĐỖ TÌNH
Sắc hoa vàng báo hiệu mùa xuân phương Nam thật gần. Ảnh: ĐỖ TÌNH

Tết với mỗi miền có những hương sắc đặc trưng trong ngày đất trời vào xuân, miền Bắc trải qua những ngày mùa đông lạnh, hoa kiểng cũng trân mình chịu cái rét rồi bung tỏa sắc hương vào dịp tết. Phương Nam nắng ấm nhiều hơn, hoa lá như gom hết cái nắng của đất trời mà bung cánh thật rực sắc vào mùa xuân… Nhưng đôi khi chẳng cần phải đợi hoa này, cây kiểng nọ, với nhiều người tết là về nhà!

Hai mùa mưa nắng trong năm, làm sờn vai áo tía má, bạc thêm mái đầu lam lũ, nhưng ngày tết đến xuân về, người lớn trong nhà không ai mong áo đỏ, khăn hồng mà hơn hết chính là trông sắp nhỏ kịp về nhà đón giao thừa, ăn tết sum vầy. Lối rằm tháng Chạp nhà nào cũng tất bật tuốt lá mai, để ba ngày tết còn có cành bông vàng lấy hên cho năm mới.

Đất Nam bộ ngày nắng nhiều hơn mưa, người ta chịu nóng cũng giỏi hơn chịu lạnh, có lẽ thế mà hương sắc tết quê nhà cũng chuộng các loại bông sắc vàng ấm áp. Bông vạn thọ, một loại hoa đủ hương sắc đặc trưng của ngày tết ở miền Nam, muốn có hoa kịp tết thì gieo cây con từ 2-3 tháng trước. Cây con xanh mơn mởn, lớn từng ngày cũng là từng ngày tía má nhẩm tính để trông đứa con, đứa cháu xa nhà. Đám vạn thọ xanh um, bắt đầu có nụ rồi hé bông vàng, tết đã cận kề lắm rồi, đám nhỏ cũng thu xếp dần công việc, chuyện học hành.

Vạn thọ - cái tên mang nghĩa dài nhưng là giống cây kiểng ngắn ngày, hết tết thì vạn thọ cũng tàn, giống bông dễ trồng, dễ chăm nhưng người ta chỉ chuộng vào dịp tết, ngày thường đất trống thì cũng bỏ không, không ai trồng vạn thọ làm chi. Bởi theo lời tía, mỗi nhà mỗi cảnh, có năm mần ăn được thì tết nhất mới vui, năm nào bết bát quá thì đâu có ai nôn tết, thấy vạn thọ nở bông mà trong lòng vui không đặng. Nên người ta chỉ trồng dịp tết, có chút màu vàng chút hương đượm lại ba ngày xuân, ngày thường lo cày cuốc, ai đâu mà trồng bông trông tết.

Đâu đó, trên những nẻo đường quê hương, mỗi người lớn lên lại mang cho mình một định nghĩa, một hoài niệm khác nhau về tết. Nhiều năm nay, sự thay đổi của nhịp sống, khác biệt của thế hệ, tết với nhiều người là thời gian để nghỉ ngơi tuyệt đối, vi vu những chuyến đi đây đó. Có những người làm việc từ xa tới nửa vòng trái đất, lịch nghỉ lễ phải tuỳ vào đơn vị quản lý, ngày Tết Cổ truyền vẫn bận rộn với công việc như thường ngày.

Tết ở nơi xa, hay tết về nhà nó tuỳ thuộc vào điều kiện và hoàn cảnh mỗi người. Đâu đó trong cuộc sống, càng giáp tết người ta càng dễ nghe tiếng thở dài rằng tết ngày càng nhạt, tết nay đã bớt vui hơn xưa… Ai cũng đúng trong góc nhìn của riêng mình, tết đơn thuần là những ngày bắt đầu của một năm mới, hay tết để sum vầy, để về nhà cũng là một lựa chọn trong muôn vàn lựa chọn.

Nhưng có đi thật xa thì cũng để trở về, bận rộn rồi cũng cần nghỉ ngơi và xê dịch qua nhiều miền đất để rồi thấy nơi khao khát là nơi đã từng, quê nhà hiền dịu một miền ấu thơ. Có người về trước tết, có người trở về sau tết và có người tận hưởng những ngày xuân với gia đình. Lựa chọn nào hẳn cũng mang lý do đằng sau, nhưng tết trở về nhà đâu chỉ để ăn bữa cơm, ngắm chậu vạn thọ hay vài câu thăm hỏi họ hàng... Không phải ngẫu nhiên, mà những ngày đầu năm, những tờ lịch mới nhất để bắt đầu 365 ngày, người ta lại muốn về nhà, đó cũng là cách để cúi đầu tưởng nhớ tổ tiên, ông bà, đất quê che chở phận người… Trong vạn sự bắt đầu, bắt đầu bằng tình thương và lòng biết ơn hẳn là đạo lý muôn đời để người ta có lớn và có khôn.

Tin cùng chuyên mục