Tết về làng quốc sư

Tết về làng quốc sư

Quảng Bình có danh làng Quảng Xá (Tân Ninh, Quảng Ninh) nức tiếng cả vùng bởi khai sinh vị quốc sư dạy vua. Tết về mảnh làng bên dòng sông Kiến Giang thấy đất làng nườm nượp đông vui, đờn ca xướng hát rộn rã đêm ngày, bao trò chơi nơi nơi quần hội từ xóm trên ngõ dưới. Nhưng đặc sản của làng đang lưu truyền hơn mười ngàn câu thơ ca, hò vè… mọi người đều ngâm nga làm cho ngày xuân thêm tươi thắm.

Đầu năm dạy làm người

Dân khắp vùng Quảng Bình không làng nào không biết đến hương làng Quảng Xá bởi làng có vị quốc sư khác người. Vị quốc sư ấy tên Nguyễn Nhuận được vua Tự Đức mời ông vào cung dạy hoàng tử Ưng Lịch, sau là vua Hàm Nghi. Thầy đồ Nguyễn Nhuận làm quốc sư, không luồn cúi, bài vỡ lòng dạy hoàng tử là nhân cách làm người.

Ông dạy rằng: “Ta vốn con nhà nghèo, theo lễ nghĩa, trí đức mà nên người. Con vua muốn thành người, cũng lấy lễ nghĩa, trí đức rèn mài mới thương dân trăm họ. Quyền quý bao nhiêu thì phải càng mài giũa bấy nhiêu mới trở thành quân tử”. Vua Tự Đức nghe vậy giận lắm, bởi dám nói con vua cũng phải khuôn phép. Nhưng ông giải thích cặn kẽ, muốn yêu dân, con vua cũng phải học. Có tôi trung mới có vua minh. Tự Đức nghe thuận, để ông dạy hoàng tử theo hồn cốt nên người của Nguyễn Nhuận và Hàm Nghi đã trở thành một ông vua yêu nước.

Đầu năm con trẻ đến sân làng nghe học làm người.

Đầu năm con trẻ đến sân làng nghe học làm người.

Làng Quảng Xá thấm đẫm lời truyền ấy, mỗi đầu năm, giữa sân làng, các cụ phụ lão ôn cố lại lời ông, muốn làm việc đời phải học làm người. Các xóm cắt cử người uy tín, giảng giải việc học là để làm người, thành tài mới phụng sự việc khác; không rèn được cốt cách con người, tâm tính lệch lạc, cuộc sống vô vị. Người giáo già Dương Viết Thủ khẳng định: “Làng Quảng Xá nổi tiếng có người dạy vua, nhưng dạy ai, làm gì cũng phải dạy cách làm người, đó là cách con dân của làng lớn lên theo năm tháng. Bởi vậy, vào đầu năm, nhà nào, xóm nào cũng bảo con cái cách ứng xử đối đãi lấy thương yêu làm trọng”.

Thú vị Hương sử ca

Hương thôn Quảng Xá sáng ngời hơn khi truyền khẩu 450 năm nay bản lịch sử làng bằng bài Hương sử ca qua các câu thơ theo thể song thất lục bát trứ danh. Thể thơ bác học ấy được người làng mềm mại hóa bằng những giai âm dễ nghe, dễ nhớ. Nó đi vào lòng người như “Cung oán ngâm khúc” của Nguyễn Gia Thiều hay “Chinh phụ ngâm” của Đoàn Thị Điểm. Tết về làng, gặp mười người, đã có bảy tám người bàn về Hương sử ca.

Nói về Hương sử ca làng Quảng Xá, cây đại thụ nghiên cứu văn hóa dân gian Quảng Bình, cụ Nguyễn Tú từng nói mấy năm trước rằng: “Đây là bản Hương sử ca duy nhất của một làng đầy chất văn học, đọc lên như thấy được truyền thống làng Việt của miền Bắc giữa vùng cát chang chang. Bản Hương sử ca này có một không hai, không làng nào làm được bản thứ hai. Câu từ trong đó tuy chỉ về một làng nhưng tính bác học hết sức trau chuốt, chứng tỏ những người làm Hương sử ca thông tuệ chữ nghĩa và thể loại văn chương cổ”.

Chúng tôi cầm trên tay bản Hương sử ca từ những bậc cao niên của làng như cầm vật quý. Nâng niu giữa nghi ngút khói hương ngày tết. 164 câu song thất lục bát đối nhau nhịp điệu, đọc lên thắm thiết rộn ràng. Mở đầu bằng hai câu giới thiệu hết sức kiêu hãnh: “Làng Quảng Xá là làng trù mật/Cách phong lưu văn vật ai tày”. Họ tự hào làng có nhiều nghề như: “Tuy muôn dặm nước non cách trở/Đã thu lời khắc cả Tây Đông/Bốn nghề nhất sĩ nhì nông/Tam công tứ cổ đủ trong làng này”. Vui nhất là ngày tết, người làng ngâm ngợi: “Những ngày xuân, tiết, tất niên/Con sau cháu trước mọi miền về thăm/ Đu thường lệ mỗi năm một nhún/Ba ngày xuân ăn uống vui vầy/Bài chòi, bài ghế, lôi dây/Bỏ công vất vả những ngày nắng mưa”. Đọc hết bản Hương sử ca bên hương án ngày tết giữa không khí làng vui chơi mới thấy làng quả là đất của “cách phong lưu văn vật ai tày”.

Di sản vô giá khác

Nhưng càng du xuân với làng càng khám phá thú vị rằng, mảnh đất của chưa đầy một ngàn nhân khẩu này còn một di sản thơ ca, hò, vè, hát đối độc đáo vô cùng với hơn mười ngàn câu đang truyền tụng nơi đây. Người Quảng Xá ai cũng thích hát, thích sáng tác thơ ca, hò vè, thành ra làng lúc nào cũng vui. Họ sáng tác từ nhà ra đồng, từ đồng về chợ, ngoài đình, sân làng. Lúc hứng chí họ sáng tác và truyền khẩu nhau. Không kể già trẻ, gái trai, thông minh, dang dở, ai ai cũng có quyền đặt thơ làm vè để truyền thống làng ngày thêm bồi đắp, cho con cháu lớn lên nhân văn.

Một nhà sử học ở Huế từng nói rằng: “Một làng có bản Hương sử ca, một làng có di sản thơ ca, hò vè, đa dạng như cuộc sống, một làng đầy đủ nếp phong lưu cất giữ đời đời mấy trăm năm như Quảng Xá, chắc chắn làng đó nổi tiếng khắp nơi, con người ở đó sống thuận hòa, xóm trên ngõ dưới đồng tâm hiệp lực xây dựng làng mới tươi”.

Thầy giáo Dương Viết Thủ, người dày công chép lại những thơ, những vè, những câu hát ru qua từng quyển tập đã xúc động rằng: “Mảnh làng tui đây, mỗi năm đến tết, nhiều người ngâm ngợi thơ ca. Không sáng tác được thì đọc đồng dao, đọc lối nói râm ran từng xóm ngõ. Vậy nên làng nổi tiếng trong vùng là thế”.

Người làng đi xa thường đọc bài thơ của làng làm ra với nỗi nhớ: “Đi mô cũng nhớ làng miềng (mình)/Nhớ Lùm, nhớ Ếc, nhớ Kêng, nhớ Nà/Nhớ mả Họ, nhớ mả Ca/Nhớ Đôồng, nhớ Trôổng, nhớ qua Nương Bòn/Nhớ trường, nhớ chợ chiều hôm/Nhớ đình, nhớ điện, nhớ luôn mái chùa/Nhớ khoai, nhớ rạm, nhớ dưa/Nhớ nơm, nhớ rớ, nhớ cừa, nhớ đa”. Người làng cũng lãng mạn với bao đêm: “Nhớ đêm trăng, nhớ hát hò/Nhớ chày giã gạo, nhớ o nhân tình”.

Với khuôn khổ bài báo nhỏ này, không thể kể hết thơ ca, hò vè tài hoa của người làng, xin chép một bài thơ nhỏ kiểu cách Quảng Xá để thấy cái hay chữ ở đây: “Ra về răng được mà về/Anh nắm vạt áo anh đề câu thơ/Câu thơ ba chữ rành rành/Chữ trung, chữ hiếu, chữ tình là ba/Chữ trung anh để phần cha/Chữ hiếu phần mẹ, đôi ta chữ tình”.

Và đúng là mảnh làng nhỏ bé rơm rạ ấy đã có ngót nghét cả ngàn giáo viên qua nhiều thế hệ, và cũng sinh ra đến 5 nhạc sĩ nổi tiếng cả nước… Và đây là mảnh làng đầu tiên của Quảng Bình được phong tặng làng văn hóa cấp tỉnh từ nhiều năm qua. Một lần du xuân về làng này mới thấy truyền thống làng quyện chặt với khí thế xây dựng nông thôn mới đang bừng bừng ở đây.

MINH PHONG

Tin cùng chuyên mục