Tết về bên mâm chuối phơi khô

Tháng Chạp càng về cuối, không khí tết càng chộn rộn. Chờ nắng hửng dần sau cái mờ sương muối, làng trên xóm dưới lại rủ nhau đem đồ đạc ra sân phơi. Nhà thì phơi chăn màn. Nhà lại phơi mấy ràng bánh tráng. Riêng mẹ tôi thì năm nào cũng làm mấy mâm chuối phơi khô đặng có cái ăn tết.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc

Ngày xưa, bánh kẹo mua sẵn là những mặt hàng xa xỉ, chuối phơi khô trở thành thức quà quen thuộc trong mâm cỗ tết ở nhà. Cứ đầu tháng Chạp, mẹ lại ra vườn ngó mấy buồng chuối, cắt thật khéo thành từng nải để đặt bàn thờ. Nhang khói vờn quanh làm chuối nhanh chín, nên chỉ mấy hôm sau là chúng đã vàng ươm. Ăn mãi cũng ngán, mà để lâu thì chuối bị hư, thành ra mẹ hay cắt chuối làm hai, làm ba lát theo chiều dọc rồi bỏ lên mâm thiếc phơi khô.

nhung-mam-chuoi-phoi-kho-duoi-nang-gion-4027.jpg
Những mâm chuối phơi khô dưới nắng giòn

Chuối để mẹ phơi khô thường là chuối sứ (hay theo quê tôi thì gọi là chuối mốc, vì khi chín vỏ ngoài của nó thường hơi mốc, nhìn không đẹp mắt nhưng ăn lại ngọt thanh). Thật ra loại nào cũng phơi được, xong cái vị ngọt vừa đủ khi nắng vắt cạn nước trong chuối mốc lại ưng bụng đám trẻ chúng tôi nhất.

Mẹ hay giao cho bọn tôi việc lột vỏ chuối, bỏ vào thau. Mẹ nói công việc này cần sự cẩn thận, do chuối mốc chín thì khá mềm, khi lột vỏ vừa phải nhẹ tay để không làm dập chuối, vừa phải khéo léo để không làm chuối bị gãy đôi. Thành ra, mẹ muốn chúng tôi rèn sự tỉ mỉ và tính nhẫn nại từ cái công việc tưởng đơn giản ấy. Đám trẻ lúc đầu cũng nhao nhao muốn thử, nhưng ngồi được một hồi là nhấp nha nhấp nhổm không yên. Cứ qua mấy mùa chuối phơi khô như thế, ấy vậy mà chúng tôi cũng bớt đi cái hấp tấp nóng nảy hồi nào chẳng hay.

Chuối sau khi lột vỏ được mẹ cắt thành các lát vừa phải dọc theo chiều dài, xếp đều trên mâm thiếc tròn. Lát nào cắt dày quá, mẹ sẽ ép dẹp bớt cho mau khô, nhưng hai đầu lát chuối không được quá mỏng để tránh bị dính lên mâm rồi khó gỡ. Mẹ đặt mâm chuối lên cái ghế gỗ cao cách đất để đảm bảo vệ sinh, tránh côn trùng, rồi đem phơi ở nơi nắng giòn, khô ráo. Cứ hết một nắng thì mẹ sẽ trở mặt chuối để hai bên khô đều.

Hồi ấy, bọn trẻ chúng tôi thường hay chạy ra ngó chừng mâm chuối, lúc thấy miếng nào hơi khô héo là lén ăn vài lát. Không hiểu sao mà ăn lúc đó lại ngon hơn khi đã phơi xong. Chắc đúng kiểu ăn “chực” dưới bếp thì ngon hơn lúc bày lên bàn. Thế nên, lúc mẹ ra đảo mặt, thấy mâm chuối trống đôi chỗ là biết ngay có mấy “con mèo nhỏ” ăn vụng. La vài câu cho có lệ, rồi mẹ cũng mắt nhắm mắt mở mặc kệ bọn tôi.

me-ngoi-canh-gieng-cat-nhung-lat-chuoi-1029.jpg
Mẹ ngồi cạnh giếng cắt những lát chuối

Phơi tầm 4-5 ngày nắng to là món chuối khô hoàn thành. Mẹ sẽ bỏ vào túi zip hoặc lọ thủy tinh đậy kín, rồi đặt nơi thoáng mát để dành ăn dần. Tết đến, mẹ sẽ xếp chuối phơi khô ra các hộp đựng bánh mứt, rồi dọn lên bàn trước để đãi khách đến chúc xuân. Pha một tách trà móc câu nóng, nhâm nhi miếng chuối phơi khô dẻo ngọt, kể nhau nghe những câu chuyện đầu năm, vậy là tết đã tròn đầy.

Năm rồi khó khăn, ngày 29 Tết mà tôi vẫn còn ngược xuôi trong cuộc mưu sinh nơi phố thị. Mẹ ở nhà lụi cụi phơi chuối, đóng hộp rồi gửi xe vào thành phố. Lúc mở thùng xốp nhận từ bến xe, ngoài bó rau, cái ớt, hay chục quả trứng gà, thì hộp chuối khô nằm lẳng lặng trong góc làm tôi rơi nước mắt. Ăn một miếng chuối khô, miệng nghèn nghẹn nỗi niềm nhớ quê, còn dạ dâng lên cái ngọt ngào khó tả của những ngày xưa cũ.

Mẹ gói ghém tết gửi vào thị thành, nhưng thực ra nơi có mẹ mới thực sự là tết...

THANH TRÚC

Email: thanhtruclps@gmail.com

Huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định

Tin cùng chuyên mục