Từ nhà đến chợ huyện tầm 5km. Cha muốn chở mẹ đi bằng xe máy cho nhanh. Nhưng mẹ nói: “tôi thích đi xe đạp, chủ động, không phải lo ông đứng chờ lâu". Mấy ngày gần Tết mẹ bận rộn lắm. Cứ sáng một xe đầy ắp đồ đạc lỉnh kỉnh đưa về nhà xong mới đi chợ bán hàng, rồi chập tối cũng một chuyến đầy hơn thế. Đó là mẹ đang sắm Tết. Nhà có sáu đứa con mà bốn đứa ở xa nên ngày thường khó gặp nhau đầy đủ. Thế nên cứ nghe các con gọi điện nói cuối năm, cả nhà về ăn Tết là mẹ vui lắm. Mẹ còn vui hơn Tết ấy! Tranh thủ những ngày nắng hiếm hoi của mùa đông, mẹ cùng cha đưa chăn, màn, gối ra giặt phơi phóng thơm phức, xếp gọn cất vào tủ, chỉ để dành cho mấy đứa ở xa về có dùng. Rồi mẹ lên danh sách những thứ cần phải mua sắm để đón con cháu. Sáu đứa con với 3 dâu, 2 rể,mẹ hiểu sở thích ăn uống, sinh hoạt của từng đứa. Anh cả thích ăn cam bù, mẹ đạp xe đi thật sớm, chọn những quả cam căng mọng nhất. Chị hai thích ăn chay, mẹ sắm đủ rau củ quả. Chồng gái út thích món lòng kèm bánh mướt quê, mẹ dậy thật sớm đạp xe đến hàng quen. Các con ngủ dậy chỉ việc đánh răng rửa mặt và ngồi vào mâm cơm với mỗi người một món yêu thích.
Đại gia đình tôi, ngày tết, bên cạnh những món truyền thống, chẳng bao giờ thiếu món thịt bò rim. Mẹ dặn mấy hàng quen, chọn những miếng thịt ngon nhất. Mật mía Sơn Thọ loại đặc biệt đặc quánh như keo. Phải là thịt bắp để khi rim xong cắt ra miếng thịt có hình hoa thật đẹp. Tối đến, mẹ tỉ mẩn, chăm chú sơ chế nguyên liệu, ướp đủ gia vị, đủ thời gian rồi bắc lên bếp rim đến ngày hôm sau. Cha tôi thích ăn thịt bò, nhưng chỉ có thịt bò mẹ rim là đúng ý cha. Miếng thịt mềm, thơm, ngấm vị ngọt của mật mía, vị cay thơm của gừng, tiêu, hành. Bát nước kho thịt mà chấm kèm dưa chua thì đúng là nhức nách. Anh trai thứ hai và tôi thích nhất món đó. Những miếng dưa cải mẹ muối vàng ươm, thơm đặc trưng, có thêm gừng, hành tím đập dập giã nhỏ, quệt vào nước kho thịt bò, ăn với cơm nóng đúng là chuẩn vị mẹ làm. Cha và mấy anh em, rồi đến cả mấy đứa nhỏ cũng nghiện luôn món đó.
Mỗi năm, cứ tầm 27, 28 Tết là nhà cha mẹ tôi bắt đầu gói bánh chưng. Chính tay mẹ chọn nếp, đậu xanh, thịt ba chỉ , rồi lá dong, lạt giang. Đêm nấu bánh, mẹ tôi chập chờn thức ngủ, cứ lọ mọ dậy châm thêm nước trong nồi bánh và thêm củi dưới bếp lò. Tôi thì luôn chờ đợi lúc bánh chín để được ăn cái bánh dành riêng cho tôi và em gái. Đó là hai cái bánh đặc biệt, cái bánh nhỏ nhất nhưng nhân nhiều, nên rất ngon, mẹ tôi gọi là “ bánh rò”. Đối với tôi, đó là những cái bánh ngon nhất trần đời. Cứ mỗi năm một bánh, cho đến khi lấy chồng , có con, ngoài “ bánh rò” còn thêm tầm mười cái bánh nữa. Mẹ nói: “hai vợ chồng bận đi làm, cận Tết mới được nghỉ, thời gian đâu mà nấu bánh, để mẹ nấu cho luôn”. Mà đâu phải chỉ có bánh, nào thịt , nào rau củ quả, mẹ cũng sắm cho con gái một bịch to đưa về. Tôi cứ mặc nhiên nhận như một thói quen!
Năm nay đông đến muộn. Tháng 12 âm lịch mà đêm nằm vẫn còn bật quạt. Nhiều thanh niên hồ hởi vì một mùa đông không lạnh. Các ông bà có tuổi trầm ngâm: “khí trời năm nay độc lắm”. Thế mà, chỉ trong một đêm, nhiệt độ giảm xuống còn 10 độ C. Gió đông bắc rít từng đợt lạnh cóng. Mấy bụi thược dược nở sớm ngã rạp tan tác cả mấy bông hoa. Mẹ tôi trở bệnh cũ, đột ngột ra đi khiến chúng tôi ngơ ngác, thất thần. Nhà vắng hoe. Cha tôi buồn, ít nói hẳn.
Những ngày cuối đông dài lê thê vì tiết trời quá lạnh. Nhưng cuối cùng, đông chậm chạp cũng phải nhường chỗ cho mùa xuân. Trước sân, cây đào chi chít nụ đón gió xuân phơi phới. Chợ xuân vẫn tấp nập bán mua. Cha tôi thêm bệnh lãng tai, ông ngồi buồn không nói. Cuối tuần, tôi đi chợ, hết cả buổi, chẳng biết nên mua hay đã mua những gì. Về nhà, thấy có nếp, đậu xanh, lá dong, lạt giang. Chợt bần thần, vì mình đâu biết gói bánh chưng. Ngắm di ảnh mẹ qua làn khói hương, chẳng biết nước mắt đã chảy từ lúc nào! Mùa xuân có Tết. Mẹ là Tết, là mùa xuân của gia đình. Mẹ hóa thành làn mây trắng hòa cùng bầu trời xuân. Gia đình chẳng còn Tết. Chúng tôi hụt hẫng, đơn côi! Chợt thèm vô cùng cái “ bánh rò” của mẹ!
NGUYỄN THỊ HÀ
Hương Sơn, Hà Tĩnh