Tết và hương vị ngoại

- Alo...con có đó không?
- Dạ..., xin lỗi ai đó ạ?
- Trời! Con không nhận ra dì sao? Ừ, cũng phải mấy năm rồi dì có về Bắc được đâu. Từ đận về thăm má con đó.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc

Rồi dì thở dài. Tôi ngượng ngùng thấy mình thật tệ dù hiểu rằng như mẹ, dì rất bao dung.

Trong tích tắc tôi biện hộ tại dì không để Avarta, tại mình đâu có chủ động kết bạn với dì, tại lâu nay dì chỉ liên lạc qua anh cả, tại... Nhưng sự xấu hổ kịp ngăn tôi lại. Đúng, tại con đâu có đủ yêu thương phải không dì? Làm gì có chuyện ngược đời, dì gọi điện từ Sài Gòn ra chúc tết cô cháu gái? Trong khi cháu dì còn bận chúc tết, bận ca tụng biết bao người đẩu đâu trên Facebook, Zalo.

Tôi bẽ bàng nghĩ đến mẹ - người mẹ hiền từ bỏ chúng tôi về với mây trời đã bốn năm nay.

Có phải chúng tôi còn trẻ nên cứ viển viển vông vông? Tôi có tới năm ngàn bạn bè trên Facebook, chúng tôi nói nói cười cười, chúc tụng ngợi ca nhau, lắm khi thương vay khóc mướn, mà những người thân máu mủ ruột rà thì lãng quên, vứt bỏ? Có phải chúng tôi đang hoang hóa tình thân - thứ mà chỉ những người già gần đất xa trời mới đau đáu hướng về, nâng niu, gìn giữ? Và có phải vì mẹ tôi không còn nữa mà chúng tôi nhạt nhẽo ngay với máu mủ của mẹ mình? Không hẳn. Là tôi đang nghĩ đến mẹ tôi và những ngày tết ngoại, mẹ tôi và các bác, các cậu, các dì, ngay cả khi mẹ tôi còn đó.

Tôi chưa từng nghĩ mẹ tôi không có tết vẹn tròn. Điều giản đơn ấy lẽ ra tôi phải nhận ra sớm hơn, chứ không phải đợi đến năm nay, khi dì tôi gọi điện sụt sùi rằng mười anh chị em - mười khúc ruột trên, khúc ruột dưới mà giờ âm dương cách trở. Và giờ, dì muốn bay về ôm lấy người chị cả đang liệt giường nhớ nhớ quên quên mà đâu có dễ; hoặc về đấy, nhưng mấy hôm lại chân ướt chân ráo xa nhau, lúc nhắm mắt về với đất chắc gì có chị, có em nào bên cạnh được. Tôi nín lặng…

picture4-3993.png
Thân thương nhà ngoại

Năm mươi năm làm dâu xứ người, mẹ tôi về quê ngày Tết chưa kín được một bàn tay. Mà quãng đường đâu phải quá xa xôi - chưa đầy năm mươi cây số. Mẹ lụi cụi lo Tết cho nhà chồng, cho bầy con nheo nhóc suốt cả tháng trời. Cả một đời như thế. Đến mức, chúng tôi mặc nhiên không có khái niệm “ngoại”, “nhà ngoại” trong đầu. Chúng tôi ích kỉ nghĩ mẹ là của chúng tôi, mẹ thuộc về chúng tôi, mẹ sinh ra để cho chúng tôi, cho nhà nội. Thế giới của mẹ chỉ là chúng tôi, không còn ai khác.

Nếu ý nghĩ ấy của bọn con nít thì nó cũng thật bình thường. Nhưng chúng tôi, những đứa con của mẹ tóc đã hoa tiêu mới nhận ra điều ấy, chẳng phải là quá tệ?

Tôi lấy chồng không xa lắm. Vẫn thao thiết nhớ mẹ thương cha, nhớ anh em, nhớ tuổi thơ khi Tết vừa chạm ngõ. Lẽ nào, Tết đến, mẹ tôi không biết nhớ, không biết thương bố mẹ và các chị em mình?

Tại mẹ âm thầm hi sinh cho chúng tôi? Tại mẹ toàn tâm toàn ý với nhà chồng? Tại mẹ lành hiền, ngậm ngùi chịu đựng một mình? Tại nhà xa? Nghèo khó? Tôi không phủ nhận. Nhưng có một điều chắc chắn là tại chúng tôi không nghĩ gì đến mẹ, không mảy may quan tâm đến xúc cảm của mẹ khi Tết đến. Trong sâu thẳm trái tim, mẹ vẫn còn một nơi khác phải hướng về. Đó là hai tiếng “nhà ngoại” thiêng liêng, thân thương, gần gũi mà xa lăng lắc.

Tôi nhớ có năm các cậu, các dì từ miền Nam ra ăn Tết. Mẹ tôi cũng chẳng có ý về đón Tết với các em, dù rằng không biết bao nhiêu năm chị em mẹ mới có dịp hàn huyên như thế. Phải đến khi Tết đã nhạt màu, đâu chừng mùng bốn thì phải, mẹ tôi mới bảo anh cả chở mẹ về quê chơi một hai ngày với các em. Chúng tôi dửng dưng với điều đó. Cái ý nghĩ mẹ bỏ chồng con về quê chơi vẫn len lỏi trong đầu mấy đứa. Không nói ra, nhưng chúng tôi vẫn đọc được ý nghĩ của nhau qua thái độ không mấy thiết tha.

Mẹ vui lắm. Rối rít, cuống cuồng, chuẩn bị đồ như con nít sau khi cái bổn phận lo Tết cho chồng con, cho bầy cháu đông đúc đã vẹn toàn. Tôi lờ mờ nhận ra niềm vui òa vỡ ấy sau những ý tứ tận tụy với gia đình riêng của mẹ. Thương mẹ, tôi không khỏi xót xa. Nhưng ý nghĩ ấy vụt hiện, rồi cũng chóng vánh loãng tan trong tôi. Tôi lại mặc nhiên nghĩ mẹ là của gia đình, của bố và anh em chúng tôi. Dù tôi cũng là phận gái, cũng lấy chồng xa, cũng rất nhớ nhà, cũng khao khát về quê ngày Tết.

Cho đến ngày mẹ lâm trọng bệnh. Những ngày cận Tết, các dì tôi ở trong Nam bay ra thăm mẹ. Lúc này, mẹ đã nằm liệt giường hai tháng. Nhìn thấy các em, mẹ cười rồi khóc. Mẹ đã không nói được. Ú ớ, nắm tay từng người em như thể muốn dặn dò gì. Các em mẹ khóc, rồi cười động viên. Chúng tôi, cả đàn con của mẹ đứng xung quanh im lặng, ngậm ngùi.

Tết đó, mẹ không còn sức để chăm chút cho gia đình nữa. Tết đó, tôi tin, đó là cái Tết duy nhất, mẹ đau đáu ngóng về nhà ngoại. Nên các dì nói ruột gan như lửa đốt, rủ nhau bay ra Bắc thăm mẹ gấp kẻo không còn kịp nữa.

Ít ngày sau đó, mẹ đi. Tôi hiểu, mẹ đã chờ gặp bằng được máu mủ ruột rà của mình, gặp núm ruột trên, núm ruột dưới rồi mới chịu nhắm mắt mà đi như thế.

Từ ngày mất mẹ, chúng tôi đã chính thức không còn Tết theo đúng nghĩa. Nhưng hình như cũng vì thế mà hai tiếng “nhà ngoại” cứ mỗi lúc một thêm xa.

Cho đến hôm nay, mùng bốn Tết. Dì tôi gọi Messenger. Dì bảo, dì nhớ mẹ các con, nhớ quá nên gọi về. Dì nhớ, mùng bốn Tết, các dì được hàn huyên cùng mẹ, sau hai mươi năm chị em vắng xa nhau. Dì nhớ, những ngày áp Tết của bốn năm trước, dì về thăm mẹ, và đó cũng là lần gặp gỡ cuối cùng. Mười anh chị em, năm người đã về cùng tiên tổ, năm người còn lại ở hai đầu đất nước, chỉ biết ngậm ngùi, nhớ nhớ, thương thương.

Tôi ứa nước mắt, nhìn lên kệ nhà mình. Đúng là đào đã phai, dơn đã không còn thắm. Có những thứ tôi không thể nào níu kéo chúng ở lại với cuộc đời. Nhưng, có thứ trong tầm tay mà tôi giữ nổi, chắc chắn - tôi nghĩ thế. Chỉ là, tôi, trái tim tôi có thực sự muốn níu giữ hay không.

picture3-1223.png
Chúng tôi về quê ngày Tết

Tôi nhấc máy điện cho anh cả. Chúng tôi hẹn sẽ làm một chuyến xe, cho tất cả các cháu, các con về thăm quê ngoại. Có đứa lớn rồi mà đâu biết nhà bà ngoại ở đâu. Chúng có thể đã đi du lịch nhiều nơi, thậm chí du học nước ngoài, nhưng có một nơi chúng nên trở về, phải trở về. Để nghe cha mẹ, nghe cô chú nhắc chuyện xưa, rằng bà ngoại con đó, tạc hình, và lớn lên trên mảnh đất này. Để biết, rằng các cháu là anh em, họ hàng, chung giọt máu đào thì phải biết thương nhau…

AN NHIÊN

Yên Mỹ - Hưng Yên

Tin cùng chuyên mục