Khi ấy đường xá chưa thuận tiện như hiện nay nên xe cộ không qua lại nhiều. Dãy lò gạch nép mình bên dòng sông nhỏ uốn lượn, ghe xuồng tấp nập qua lại ngày đêm. Những chiếc xuồng nhỏ chở đầy hàng hóa từ thực phẩm đến đồ gia dụng được người bán cất tiếng rao thánh thót. Người trên bờ nghe thấy thứ mình cần thì chạy ra gọi lại mua. Bước vào những tháng cuối năm, cây vạn thọ con và cải làm dưa bán đắt nhất. Những chiếc xuồng chất đầy bánh tráng là được tụi con nít trông chờ hơn hết. Ngày đó, loại bánh tráng to bằng nắp lu nước là được ưa thích hơn. Nó có màu trắng, vị chẳng ngọt ngào và béo ngậy như bánh tráng dừa nhưng đứa nhỏ nào cũng mê, mè nheo xin mẹ mua cho bằng được. Mua xong, mẹ dặn cấm có được đem bánh tráng nhúng trực tiếp vào lu nước. Mà có đứa nào nghe, lén lút lấy bánh tráng rồi mở nắp nhấn nguyên cái bánh vào lu nước, làm như vậy bánh tráng mới thấm nước đều và nhanh mềm ăn mới đã. Đến lúc mẹ phát hiện lu nước có vài vụn bánh tráng chìm nổi thì phải đổ bỏ cả lu nước vì nước đã bốc mùi thum thủm. Bị đòn roi tét mông nhưng đứa nào cũng không bỏ được cái tật nhúng bánh tráng vào lu nước.
Ở xứ lò gạch thì đất sét là thứ dư dả nhất. Tôi và chúng bạn thường lấy đất sét thi nhau nặn hình 12 con giáp. Con trâu, con rắn là đứa nào cũng nặn đẹp phải biết, nhưng đến con rồng là đứa này lại thách thức đứa kia, đố đứa nào làm giống con rồng nhất. Nặn hì hục chăm chút mấy ngày rồi đem phơi nắng, sau đó lại nhờ mấy cô chú đem vào lò nung. Đủ ngày tháng đem ra khỏi lò, con trâu mất sừng, con chó cụt đuôi, con heo sứt mũi... mấy đứa nhỏ được trận vừa khóc vừa cười rồi lại hẹn nhau làm lại.
Lối hăm mấy tết, mấy chiếc ghe lớn chở đầy dưa hấu, hoa đủ loại. Người dân xóm lò gạch chỉ cần ra trước bến sông cũng ngắm được khung cảnh hoa tươi đủ màu sắc.
Xóm lò gạch ăn tết lúc nào cũng sung túc vui vẻ vì ban đêm lúc nào cũng sáng đèn. Mấy người làm công là vui nhất, ai nhận chụm lò được mấy mùng tết là được chủ lò lì xì lớn. Dù tết vẫn phải làm việc nhưng họ không buồn, mà lại vui tươi phấn khởi. Chủ lò ăn tết cái gì thì cũng chia cho họ một phần, xem như cũng đang ăn tết... ở lò.
Tết ngày xưa đối với tôi là cả một bầu trời kỷ niệm. Tết hôm nay đã không còn thấy hình ảnh đám trẻ ngồi trên bờ sông trông ngóng xuồng ghe chở hàng hóa tết, cũng làm gì có đứa nhỏ nào biết nhúng bánh tráng vào lu nước thì bánh mới ngon hơn.
Từ lúc lò gạch nhận được lệnh cấm không còn nghi ngút khói bay, xóm nhỏ náo nhiệt giờ đìu hiu vắng vẻ. Những ngày tháng cuối năm cũng không còn nhìn thấy đám trẻ nào chụm đầu quanh tảng đất sét nói cười rộn rã. Người trẻ bỏ xứ đi tha hương tìm kế sinh nhai, chỉ còn người già ở lại bám trụ quê nhà. Phải đến cận tết, cái xóm vắng lặng mới náo nhiệt hơn một chút, người đi làm xa trở về với gia đình đoàn viên sum họp. Nhưng dòng sông vẫn vắng lặng, con sóng buồn bã thôi vỗ vào bờ.