Tết đơn sơ ở làng chài
3 ngày tết bình lặng vừa trôi qua trên xóm chài còn lại duy nhất tại TPHCM, nằm lọt thỏm dưới chân cầu Bình Lợi (thuộc phường 13 quận Bình Thạnh). Nơi đây có chừng 5 chiếc ghe cũ, là nơi ăn chốn ở của 3 gia đình.
Ghé thăm làng chài những ngày đầu năm, khói bếp bay lên nghi ngút từ những chiếc ghe chưa kịp sửa sang ngày tết. Mấy chục năm qua, tết ở xóm chài vẫn vậy, bởi dù có là ngày tết họ vẫn phải đi đánh cá, vẫn mưu sinh như ngày thường.
Chú Nguyễn Ngọc Ái (65 tuổi, còn gọi là chú Năm) cho biết: “Tết của dân xóm chài giản dị lắm. Mọi người trong gia đình ngồi ăn với nhau bữa cơm thân mật ngày đầu năm trên chính chiếc ghe của mình. Rồi sau đó lại như ngày thường, ra sông đánh bắt cá. Tui vẫn đi đánh cá từ 7 giờ tối đến 5 - 6 giờ sáng ngày hôm sau thì về. Hồi trước đi bắt được cả chục ký mỗi đêm, chứ hồi này chỉ được vài ba ký. Tui gắn bó cả đời rồi nên không ngày nào là không đi, trừ khi mưa gió, ốm đau quá...”.
Vừa loay hoay nấu ăn cho bữa tối, chú Năm kể tết này được mấy nữ tu làm từ thiện đến cho quà, cho gạo. Những phần quà tết nhỏ thôi nhưng là sự chia sẻ ấm áp ngày tết.
Mẹ chú Năm là cụ Ngô Thị Liêm (85 tuổi), cư dân lớn tuổi nhất xóm chài. Cụ có đến gần 80 năm lênh đênh sông nước.
“Khi chỉ mới 7 tuổi thì cha mẹ mất, tôi phải xuống ghe ở với người ta và hành nghề đan lưới, đánh cá. Từ đó đến nay, cuộc đời gắn suốt với ghe thuyền, sông nước. Có lên bờ chỉ là lên bán cá ở một cái chợ nhỏ gần xóm chài rồi về thôi”, cụ Liêm tâm sự.
Hôm mùng 2 tết vừa rồi, cụ Liêm rất vui vì được mặc đồ đẹp đi thăm con ở cách làng chài chừng 25km. Đây có lẽ là một trong những lần hiếm hoi cụ Liêm bước chân ra khỏi làng chài nhỏ xa đến vậy.
Ghe của chú Nguyễn Văn Chúc (còn gọi là chú Ba Chúc, người chuyên cứu những người nhảy sông, vớt xác gần Bình Lợi) năm nay đã được trang trí đàng hoàng hơn, thậm chí còn dựng được cái chòi nhỏ để các con, các cháu về thăm có chỗ ra vào.
Chỉ vào mấy chậu mào gà hồng tươi đặt trước ghe, chòi, dì Nguyễn Thị Hinh (vợ chú Ba Chúc) cho biết là do mấy đứa con mua về tặng cha mẹ. Bà Hinh kể: “Những năm trước, tết buồn lắm. Mình nghèo, chỉ biết ngồi dưới ghe nhìn lên thấy nhà người ta đón tết, rồi nhìn lên cầu người ta đi chơi tết hà rầm... Tết năm nay vui hơn chút đỉnh vì cũng có được cái chòi nhỏ bên cạnh ghe để ra vô. 5 đứa con và 6 đứa cháu ở khắp nơi cũng về ăn tết, quây quần với cha mẹ. Ăn bữa cơm thân mật với con cháu trên chính chiếc ghe, chòi của mình, nhiêu đó là đủ hạnh phúc”.
Ngày tết, chú Ba Chúc vẫn tranh thủ chạy ghe thuê để kiếm thêm chút tiền. Như mùng 1 này, chú chạy 3 chuyến chở khách mang cá đi phóng sanh. Rồi mùng 2, chú cũng chạy 2 chuyến. Chú Ba Chúc cùng vợ và các em trai sống ở khúc sông này là những người đã không quản ngại quăng mình xuống dòng nước lạnh lẽo, từng vật lộn với tử thần không ít lần để cứu người nhiều năm qua. Nghèo khổ là vậy, nhưng họ sống thật thà, chất phác. Tết về, họ không cần mai vàng chưng tết như bao nhà, mà chỉ mong gia đình sum họp đầy đủ, có một bữa cơm ấm cúng.
Mưu sinh ngày tết
Xóm ghe dọc mé kênh đường Trần Xuân Soạn (phường Tân Thuận Đông, quận 7) vốn là một nơi tấp nập bán mua quanh năm, nhất là vào dịp cận tết. Đây cũng là nơi cư ngụ của hàng chục gia đình từ miền Tây Nam bộ lên đây sống tạm bợ trong nhiều năm. Vào các ngày tết này, các ghe vắng hẳn bóng người. Thế nhưng, trong xóm ghe ấy, có vài nhà không về quê, như chú Mười Tứ, dì Năm Hằng...
Lật đật sắp lại mấy chậu bông mào gà mua từ đợt cuối năm, chú Trung Văn Tứ (63 tuổi, còn gọi là chú Mười Tứ) khoe: “Nhiêu đây là thấy đủ xuân, đủ tết, cần chi mai đào. Nhà mình nghèo, biết đủ là đủ”.
Nói đoạn, chú Mười Tứ mời vào chiếc ghe nhỏ uống ly nước trà, ăn mứt gừng. Chiếc ghe của chú Mười ngày tết cũng như ngày thường, chỉ khác là có thêm mấy chậu hoa sắp đặt trước đầu ghe và trên mái ghe. Vậy đó, mà rực rỡ một góc sông.
“Người dân ở đây là người lao động nghèo, đến từ các tỉnh miền Tây. Tụi tui chủ yếu lấy ghe làm tổ ấm, chỗ ngủ ban đêm, còn ban ngày đi làm lao động tự do, công nhân, mua bán lặt vặt, thu lượm ve chai trên bờ. Mọi năm, tới tết không về quê là bà con chung nhau ngâm vài hũ củ kiệu, mần nồi bánh chưng bánh tét, may ra sắm được bộ đồ mới để sắp nhỏ biết thế nào là tết. Năm nay, người dân kéo nhau về quê ăn tết nhiều lắm, nên giờ ghe dọc sông này có mấy ai đâu. Hết tết họ lại lên. Cũng có vài người ở lại, tranh thủ ngày tết bán buôn kiếm thêm chút đỉnh. Như tui nè, hôm 30 tết tranh thủ chạy về quê cúng kiếng chút, rồi mùng 1 lên lại trông ghe. Có ai kêu xe ôm gì trên bờ, tui cũng chạy kiếm thêm được đồng nào hay đồng ấy”, chú Mười Tứ kể.
Lật đật bán dừa cho khách, dì Năm Hằng (62 tuổi, quê huyện Giồng Trôm, Bến Tre) cho biết ngày tết cũng chịu khó ở lại xóm ghe để buôn bán kiếm thêm chút tiền dành dụm. Quầy bán dừa của vợ chồng dì Hằng cũng nằm ngay trước ghe.
Dì bảo: “Ngày tết bán được nhiều hơn vì khách qua lại đông mà ít nơi bán. Tui mua lại dừa ở quê rồi chở lên đây bán lại kiếm sống qua ngày”.
Cũng hơn 20 năm rồi bám víu bến ghe này để mưu sinh, ngày tết cũng là những ngày hai vợ chồng dì Hằng tất bật làm việc hơn. Có tết về quê, có tết không, có khi dì về, chú ở lại coi ghe và ngược lại. Ăn tết trên ghe cũng có lúc buồn, nhưng đã nhiều năm và cuộc sống bắt buộc phải vậy nên hai vợ chồng dì quá quen cảm giác này. Nhà nghèo, ngày tết, nhà dì Hằng không trang trí gì nhiều cho ghe, chỉ đôi ba chậu bông cúc hoặc vạn thọ để trên ghe cho có không khí. Rồi dì mua chút thịt về kho, cúng mâm cơm đơn giản trong ghe.
“Tết đến chỉ cần trái cây cúng, mâm cơm gọn gọn là đủ làm nên hương vị tết. Chỉ mong có sức khỏe, cuộc sống vui vẻ, tiền bạc dư dôi chút đỉnh để năm sau về quê là cũng đủ vui rồi”, dì Hằng tâm sự.
Nắng đã tắt hẳn nơi khúc sông những xóm ghe này neo đậu. Ánh đèn điện từ những ngôi nhà cao tầng cũng sáng lên. Và dù, vẫn còn có khoảng cách rất xa với những tiện nghi vật chất, nhưng tết vẫn len lỏi đâu đó trong mỗi góc ghe nghèo. Dù chỉ là một hai chậu bông vạn thọ vàng ươm, vài chậu bông mào gà đặt vắt vẻo trên ghe, hay một dĩa mứt gừng, một mâm cơm giản dị cúng ông bà, thì tết vẫn cứ thoang thoảng hương như thế, bên cạnh những tất bật mưu sinh không bao giờ dừng lại.