Làng Quảng Xá là quê hương của Vương sư Nguyễn Văn Nhuận, một nhà nho uyên thâm, được Vua Tự Đức mời vào triều dạy học cho Hoàng tử Ưng Lịch, sau này là Vua Hàm Nghi.
Sau khi Vua Hàm Nghi lên ngôi, cụ Nguyễn Văn Nhuận xin Vua đi làm quan tri huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình). Khi hồi hương, Vua ban cho đôi câu đối: "Thiên địa hữu sinh, thiên địa ngẫu. Đế vương chi hậu, đế vương sư".
Vậy nên người ta gọi làng Quảng Xá bằng cái tên kiêu hãnh: “Làng dạy vua”. Trưởng thôn Nguyễn Văn Phú cho biết: "Làng dạy vua có tên mấy trăm năm khi cụ Nguyễn Văn Nhuận dạy Vua Hàm Nghi, được phong vương sư. Làng lấy đó làm gương, con cháu hậu thế vì vậy tỏa đi làm thầy giáo không chỉ Quảng Bình mà cả miền Bắc, miền Nam, lên Tây Nguyên, rồi ở Đồng bằng sông Cửu Long giờ cũng có con em làng làm cô giáo, thầy giáo".
Cũng theo ông Phú, ngày nay, hậu thế dạy con cháu ở làng cách làm người, dạy để khiêm nhường, dạy để hiểu cái gốc của đời là nhân nghĩa, cái gốc của tết là trở về.
Ngày đầu năm của tết, hương khói quyện đầy sân đình, nơi Thành Hoàng làng lặng im lắng nghe những lời cầu khấn chân chất từ bao thế hệ người Quảng Xá. "Ai ra với Thành Hoàng bổn thổ đều muốn làng yên bề, chở che con dân trước ba đào dâu bể", Trưởng thôn Phú chia sẻ.
Mỗi mùa tết đến, điệu múa bông lại được gọi về từ ký ức. Những bàn chân nhỏ nhẹ, những cánh tay uyển chuyển, như thể làng đang hát một bài ca không lời cho mùa xuân.
"Múa bông chèo cạn Quảng Xá không phải là múa để vui, mà là múa để nhớ. Nhớ về thời làng chỉ có ánh đèn dầu, về những ông thầy đồ cặm cụi viết chữ, dạy trẻ con trong làng học điều nhân nghĩa để mai này đi xa không quên được cái gốc rễ hương quê", ông Phú tâm sự.
Tết ở Quảng Xá còn có những trò chơi dân gian ngộ nghĩnh, nơi trẻ thơ vui đùa, tiếng cười giòn tan vỡ vào từng nhành tre. Các cụ già ngồi bên chiếu cờ tướng, mắt lim dim kể về thời chiến, về những ngày Quảng Xá không chỉ là làng của thầy đồ, mà còn là làng của những người giữ đất.
Bao nhiêu xương máu đã đổ xuống dòng Kiến Giang, để hôm nay, con cháu có thể bình thản ngồi bên bếp lửa, canh nồi bánh tét cho mùa xuân sang.
Tết Quảng Xá không phải chỉ là tết của ngày tháng. Nó là tết của đất, của trời, của những điều không gọi thành tên nhưng ngấm vào từng hơi thở, từng nụ cười của người làng.
Trong từng bước chân chậm rãi đi qua sân đình, từng cái bắt tay mừng năm mới, là một niềm tin rằng nơi đây, dù đổi thay thế nào, cũng mãi mãi là một cõi đi về của những người con đi làm ăn xa.