Gạt vội dòng nước mắt sau khi gọi điện cho con gái hỏi thăm tình hình chuẩn bị tết như thế nào qua chiếc điện thoại cũ kỹ, bà Phạm Thị Hồng Thủy (55 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) cho biết, đây là cái tết đầu tiên xa mẹ của các con bà, chúng đã trưởng thành và chuẩn bị một cái tết tươm tất, đủ đầy. Xúc động nhớ lại ngày xưa, bà Thủy cho biết, giờ này năm ngoái, là lúc gia đình bà quây quần bên nhau, cùng nhau làm mâm cơm cúng tất niên, cúng giao thừa rồi đi chùa, thăm họ hàng, người thân. Năm nay, sau khi từ sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) trở về TPHCM, bà đã thực hiện khai báo y tế và cách ly. “Vì sức khỏe của bản thân và gia đình, tôi vào đây cách ly theo quy định. Đây sẽ là kỷ niệm thật khó quên”, bà Thủy tâm sự.
Còn tại khu cách ly Trường Quân sự TPHCM, ngay từ chiều 30 Tết, các chiến sĩ đã chuẩn bị hệ thống đèn, kéo dây điện để lắp đặt màn hình chiếu ở giữa sân, mở những ca khúc xuân vui tươi, rộn ràng, giúp những người cách ly thưởng thức trọn vẹn hương vị tết qua các chương trình truyền hình ngày tết. Thậm chí, không gian tết cũng được tái hiện một cách sinh động với các tiểu cảnh cây đào, cành mai, người cách ly giữ khoảng cách an toàn, chụp cho nhau những bức hình kỷ niệm khó quên trong cuộc đời của mình khi đón tết ở một nơi thật đặc biệt. Phía bên trong khu nhà hành chính, mâm lễ cúng giao thừa được các bác sĩ trong khu cách ly chuẩn bị từ chiều để mọi người thắp nhang, cầu khấn cho năm mới bình an.
Tại Bệnh viện Bệnh lý hô hấp cấp tính Củ Chi đang thực hiện điều trị cho 43 bệnh nhân và thực hiện cách ly cho 29 trường hợp tiếp xúc gần. Bệnh viện hoạt động xuyên suốt với hơn 40 cán bộ công nhân viên với quy mô 300 giường, các kíp trực được luân phiên thay đổi sau 5 tuần (trong đó có 1 tuần bàn giao).
Khoảng hơn 23 giờ 30 phút đêm 30 Tết, các bác sĩ, điều dưỡng tại bệnh viện quây quần tại sảnh tòa nhà hành chính, bật tivi kết nối qua hệ thống trực tuyến để đón giao thừa cùng Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long và 17 đơn vị điều trị bệnh nhân mắc Covid-19. Khi công tác chuẩn bị đón giao thừa đã hoàn tất thì bất chợt, 2 nhân viên y tế và cán bộ hậu cần hối hả đạp xe ra cổng bệnh viện thông báo: một trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 mới vừa được chuyển xuống. Gạt bỏ hết công tác đón giao thừa, các bác sĩ vội vã tiếp nhận hồ sơ bệnh án, xịt khử trùng toàn bộ xe cấp cứu và đường đi của ca dương tính...
Không chỉ những người thực hiện cách ly mà cả các nhân viên y tế ở đây cũng phải đón tết xa nhà. Tại Bệnh viện Bệnh lý hô hấp cấp tính Củ Chi, công việc hàng ngày của nhân viên y tế là kiểm tra sức khỏe của mọi người, đo thân nhiệt và phục vụ các hoạt động của người cách ly, tiếp nhận hàng hóa từ bên ngoài gửi vào theo đúng quy định. Họ cũng không được về nhà ăn tết. Sau đợt phục vụ cách ly, họ sẽ tiếp tục tự cách ly tại nhà 14 ngày. Chị Nguyễn Thị Phương Trang, công tác ở Bệnh viện Ung bướu TPHCM, cho biết, cảm giác đón tết ở một nơi xa lạ, xa gia đình tuy có buồn nhưng vì nhiệm vụ phải cố gắng. “Đón tết xa nhà, buồn lắm chứ, người ở lại buồn, người ra đi cũng rưng rưng nước mắt. Khi chị nói, tết này không về, đứa con gái của chị nó khóc đòi mẹ, nhưng vì công việc, chị cũng ráng động viên bé. Để bé luôn có cảm giác mẹ bên cạnh, hàng ngày chị đều gọi điện về hỏi thăm con. Tết ở đây thật đặc biệt, nhưng sẽ thật đáng nhớ, khi về chị sẽ kể cho con gái mình nghe về những ngày khó quên nơi đây”, chị Trang tâm sự.
Còn đối với Lê Trương Đạt, công tác ở Bệnh viện Nhi đồng 2, tết năm nay sẽ không thể quên. Là con một trong gia đình, ba mẹ tuổi cũng đã cao, Đạt dự định 24 Tết sẽ về quê Quảng Ngãi đón tết cùng gia đình, nhưng vì dịch Đạt lại ở lại chi viện cho “tuyến đầu chống dịch”. Tại đây, Đạt làm các công việc hành chính, đi xuống các khu khám bệnh để đo huyết áp, phụ bác sĩ phết họng. “Ba mẹ rất ủng hộ và động viên em nhiều. Có những lúc thức trắng đêm làm việc vì người nhập cảnh rất đông nhưng ba mẹ, bạn bè động viên là mệt mỏi tan biến”, Đạt cho hay.
Đúng 16 giờ 30 chiều 15-2, những tiếng vỗ tay và hò reo đồng loạt vang lên khi những thanh chắn rào chắn khu vực phong tỏa tại hẻm 245 Nguyễn Trãi, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1 được dỡ bỏ. Một người dân trong khu vực phong tỏa vui mừng nói: “Khoảnh khắc này hạnh phúc quá. Từ bây giờ, tôi và hàng xóm có được cái tết rồi. Tôi tới nhà Tổ để mừng tuổi ba mẹ, lì xì tết cho đàn cháu được rồi, được chơi xuân rồi các anh ạ. Cảm ơn các anh nhiều lắm, các anh đã vất vả trực phong tỏa cả mùa tết”. Bên cạnh tôi lúc đó là nhóm đông người dân đang cầm quốc kỳ đồng thanh hô: “Việt Nam sẽ chiến thắng đại dịch!”.
Ngay từ đêm 11-2 (tức 30 Tết), TPHCM đã khởi động việc lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 trên diện rộng đối với những khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao như nhà trọ, nơi lưu trú của công nhân, bến xe lớn, các chợ đầu mối, chợ địa phương… Đây là những điểm có nguy cơ lây truyền bệnh cao, có mật độ giao thương lớn, lưu lượng tiếp xúc cao và tập trung đông người.
Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), cho biết, việc lấy mẫu trên diện rộng là hoạt động giám sát nằm trong kế hoạch nâng cao mức cảnh báo về dịch trên địa bàn. Ngoài ra, kết quả xét nghiệm sẽ giúp ngành y có đánh giá tổng thể tình hình dịch và có bức tranh hoàn thiện về dịch Covid-19 tại thành phố. Trong đợt này, thành phố tiếp tục thực hiện lấy mẫu gộp, mẫu sẽ được xét nghiệm Realtime RT-PCR ngay sau khi thu thập. Cụ thể, đêm 30 Tết, các cán bộ y tế thuộc Trung tâm Y tế quận Bình Thạnh đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm đối với hàng trăm người là nhân viên xếp dỡ, nhân viên bán vé, bảo vệ, tài xế và hành khách có mặt tại thời điểm lấy mẫu tại Bến xe Miền Đông (cũ). Tại Bến xe Miền Tây, việc thực hiện lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 do các bác sĩ khoa xét nghiệm của Bệnh viện Nguyễn Tri Phương đảm trách. Cũng ngay trong đêm 30 Tết, tại nhà lưu trú ga Sài Gòn, lực lượng y tế của Trung tâm Y tế quận 3 đã có mặt và lấy được 29 mẫu gộp của 142 nhân viên làm việc tại ga.
Ngày 12-2 (tức mùng 1 Tết), lực lượng y tế của Trung tâm Y tế quận 6 đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại chợ Minh Phụng và chợ Bình Tiên. Trong chiều mùng 1 tết, tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, lực lượng y tế của Trung tâm Y tế quận Thủ Đức đã tiến hành lấy mẫu cho các tiểu thương đang buôn bán ở đây tại thời điểm lấy mẫu với khoảng 200 mẫu. Tại quận Phú Nhuận, lực lượng y tế của Trung tâm Y tế quận Phú Nhuận cũng tiến hành lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại Cư xá Nguyễn Đình Chiểu và Hẻm 96 Phan Đình Phùng. Lực lượng y tế của Trung tâm Y tế quận Gò Vấp cũng đã có mặt tại các khu nhà trọ trên địa bàn và tiến hành lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân sống ở đây.
“Gần 40.000 mẫu xét nghiệm đã được thực hiện với kết quả xét nghiệm phải có trong vòng 24 giờ để đáp ứng kịp với tốc độ truy vết, giám sát diện rộng. Với các kết quả xét nghiệm cùng với việc từ ngày 10-2 đến nay, thành phố không ghi nhận thêm trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng, thành phố đã cơ bản kiểm soát được chuỗi lây nhiễm và tình hình dịch tại thành phố”, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng thông tin.
Đêm giao thừa là dịp để mọi người, mọi nhà sum họp đoàn viên, nhưng đối với các y, bác sĩ và bệnh nhân tại Bệnh viện Dã chiến số 2 (ở Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương) là một thời khắc rất khó phai. Các y, bác sĩ trong những bộ đồ bảo hộ trắng tinh luôn động viên nhau về niềm hạnh phúc lớn lao nhất, đó là sự an toàn của bệnh nhân đang được điều trị.
Cùng đón tết xa nhà với các đồng nghiệp, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) và nhiều y, bác sĩ được tăng cường của Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương đã tới thăm hỏi và chúc tết các bệnh nhân đang điều trị tại đây, đặc biệt là các bệnh nhi nhỏ tuổi để các bé vơi đi nỗi nhớ nhà.
Một nữ điều dưỡng tại Bệnh viện Dã chiến số 2 bày tỏ: “Chúng tôi từng đón nhiều cái tết trong bệnh viện nhưng với Tết Tân Sửu năm nay lại là dịp rất đặc biệt khó quên. Vì nhiệm vụ chống dịch, chúng tôi luôn tự nhủ sẽ nỗ lực hết sức để cùng với toàn dân và đất nước có một năm mới bình an và sẽ sớm chiến thắng đại dịch”.
Tại điểm cách ly tập trung ở Trường Mầm non xã Bạch Đằng (thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương), các phòng trong khu cách ly vẫn rực rỡ sắc thắm của đào, quất và không thể thiếu bánh chưng xanh, mâm ngũ quả.
Chia sẻ với chúng tôi, nhiều người dân xã Bạch Đằng vui vẻ cho biết, dù đang phải cách ly nhưng chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng đã chăm lo rất chu đáo cho mọi người có được tết đầm ấm và đầy đủ. Tại tâm dịch TP Chí Linh, có hơn 6.000 người dân cũng đón tết trong các khu cách ly tập trung. Chính quyền địa phương đã chuẩn bị đầy đủ đào, quất, bánh chưng, thực phẩm tươi để người dân vui xuân, đón tết. Một số điểm cách ly bố trí lắp đặt màn hình lớn ở sân để người dân cùng xem chương trình Táo quân tối 30 Tết, đảm bảo giãn cách và các quy định phòng chống dịch.
Chị Lê Thị Hương, một công nhân tại khu công nghiệp Cộng Hòa đang cách ly tại Trường Tiểu học Cộng Hòa (ở TP Chí Linh) cho biết, những ngày tết, ban quản lý khu cách ly rất quan tâm, vì thế, dù nhớ nhà, nhưng mọi người đều cảm thấy yên tâm cách ly. Ngoài mức hỗ trợ tiền ăn cho các khu cách ly trong những ngày tết theo quy định của Chính phủ, tỉnh Hải Dương hỗ trợ thêm 100.000 đồng/người/ngày.
Đến ngày 15-2, tỉnh Gia Lai đã ghi nhận 27 ca dương tính với SARS-CoV-2. Từ lúc phát hiện ra ca dương tính đầu tiên (ngày 30-1), ngành chức năng đã quyết liệt triển khai nhiều biện pháp để chống dịch như lập các chốt chặn, phong tỏa một số vùng dịch, khẩn trương truy vết, đưa đi cách ly tập trung các trường hợp có liên quan đến ca nhiễm. Nhờ đó, tình hình dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát. Tính đến hết ngày 14-2, có 1.245 công dân đang cách ly tại 19 điểm cách ly tập trung thuộc 12 Ban Chỉ huy quân sự huyện, thị xã, thành phố và Trung tâm Huấn luyện, Bồi dưỡng kiến thức quốc phòng an ninh Trung đoàn Bộ binh 991 (thuộc Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh quản lý).
Riêng điểm cách ly ở Trung tâm Huấn luyện, Bồi dưỡng kiến thức quốc phòng an ninh đang quản lý, theo dõi và chăm sóc 40 công dân. Những ngày tết, cây mai tại trung tâm nở bông chi chít, mùi hương tỏa ra ngào ngạt.
Đại úy Phạm Duy Đông, Bệnh xá - Phòng Hậu cần (Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Gia Lai, trực tiếp làm việc tại trung tâm) cho biết, cây mai do một người vừa hoàn thành cách ly tặng cho trung tâm và những người ở lại hưởng không khí tết. Đại úy Đông chia sẻ, tết trong khu cách ly, anh em chuẩn bị bàn thờ Bác; sắp xếp đủ các món ăn truyền thống như bánh chưng, củ kiệu, bánh mứt, hạt dưa...
Anh Nguyễn Phúc Lộc (TP Pleiku, tỉnh Gia Lai, đang cách ly tại trung tâm) cho biết, ban đầu, anh cũng có chút hoang mang. Tuy nhiên, khi vào trung tâm, anh khá yên tâm bởi sự sạch sẽ, hiện đại nơi đây. Trung tâm trang bị đầy đủ khẩu trang, nước sát khuẩn. Khẩu phần ăn đảm bảo chất dinh dưỡng. Khuôn viên rộng, thuận lợi cho việc tập thể dục. Đặc biệt, cán bộ, chiến sĩ rất nhiệt tình đón tiếp, chăm sóc chu đáo nên sự lo lắng lúc ban đầu đã tan biến, thay vào đó, anh cảm thấy trung tâm ấm áp như ngôi nhà.
Tỉnh Đồng Nai hiện có hơn 20 khu cách ly tập trung cả dân sự và quân đội với hơn 600 trường hợp đang được cách ly. Dịp tết, khu cách ly Trường Cao đẳng Y tế Đồng Nai (phường Tân Biên, TP Biên Hòa) có 22 người đang thực hiện cách ly tại đây. Trong đó, có 6 người được xác định là F1, còn lại là những người F2 và những người từ các vùng dịch về.
Anh Phương, một trong những người đang thực hiện cách ly tại khu cách ly tập trung Trường Cao đẳng Y tế Đồng Nai cho biết, thời gian đầu mới vào khu cách ly, ai cũng rất buồn do phải xa nhà, xa quê. Nhưng sau đó, những người trong khu cách ly cũng động viên nhau vì cộng đồng, vì xã hội nên tự nhủ mình phải cố gắng và vui vẻ tuân thủ nghiêm túc các quy định của việc cách ly.
Mặc dù trong khu cách ly ít người nhưng ai cũng háo hức đón tết, đón chào năm mới và hy vọng sang năm mới, Việt Nam sẽ sớm khống chế, vượt qua đại dịch và phát triển hơn. Đặc biệt, UBND tỉnh Đồng Nai phát cho mỗi người một túi quà, trong đó có cả bánh chưng, giúp cho những người trong khu cách ly có hương vị và không khí của ngày tết cổ truyền.
Những ngày mọi người đón tết tại khu cách ly, điều khiến Đại úy Huỳnh Ngọc Trung (35 tuổi, trợ lý quân sự Ban chỉ huy quân sự quận Liên Chiểu) nhớ nhất là một gia đình đến thăm công dân cách ly tập trung vào mùng 3 tết.
Đứng ở vòng ngoài xa tít, đứa con nhỏ mới được vài tuổi gào khóc gọi: “Cha ơi!”. Phía bên kia, đứng ở phía trong dây chắn, anh Đấu Phi Hoàng (38 tuổi) cố rướn người ra ngoài mà trả lời. Nghe thấy ai nấy cũng xót cả lòng. Tuy vậy, việc phòng chống dịch Covid-19 luôn được đặt ở mức độ cao nhất.
“Làm cha, ai lại không muốn được gặp vợ con trong những ngày tết nhưng vì lợi ích chung, mình tạm gác lại niềm vui riêng của bản thân, bảo vệ mình, gia đình mà còn có cả cộng đồng”, Đại úy Trung chia sẻ.
Nhớ lại giờ phút nhận quyết định cấp tốc chi viện cho Hải Dương vào những ngày năm hết, tết đến, chị Dung bồi hồi: "Sáng 28-1, trong lúc chồng tôi đang làm nhiệm vụ phục vụ Đại hội Đảng lần thứ XIII, chỉ có 2 mẹ con ở nhà, nhận được lệnh công tác gấp, tôi chỉ kịp đưa cháu tới trường sau tới bệnh viện để cùng các đồng nghiệp lên đường xuống Hải Dương ngay. Sau khi xuống Hải Dương, chúng tôi nhanh chóng bắt tay vào triển khai các công việc để giúp cho địa phương xây dựng bệnh viện dã chiến. Do địa phương còn nhiều khó khăn, người bệnh và nghi nhiễm đông nên công việc vô cùng bận rộn, tới đêm khuya vẫn chưa được nghỉ".
Những ngày đầu năm mới, bữa cơm nơi tuyến đầu chống dịch dù có đủ hương vị ngày tết, nhưng chị Dung và các đồng nghiệp không cảm thấy ngon miệng vì nỗi nhớ nhà, nhớ chồng con.
“Mọi người trong nhà hay hỏi tôi khi nào thì về, mỗi lần như vậy tôi chỉ biết cố gắng kìm nén cảm xúc trả lời, em sẽ về sớm nhất có thể…”, chị Dung nghẹn ngào, nhưng cũng không giấu niềm hy vọng và lạc quan sẽ cùng với các đồng nghiệp chiến thắng được dịch bệnh.
Bác sĩ Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Bệnh viện số 2 Quảng Ninh, chia sẻ: “Nếu nói không nhớ nhà thì không đúng, chúng ta có những thời khắc bên gia đình, đặc biệt là trong khoảnh khắc giao thừa, nhưng vì sức khoẻ của người dân nên chúng ta ở đây. Chúng tôi quyết tâm, nỗ lực điều trị để mọi người bệnh đều khoẻ mạnh”, bác sĩ Hùng khẳng định.
Khu dân cư Nhà máy Z153 (ở thị trấn Đông Anh, Hà Nội) có hơn 1.200 nhân khẩu, phần lớn là cán bộ, công nhân viên quốc phòng. Cả khu ghi nhận 5 trường hợp F0, 97 trường hợp F1 đang cách ly ở Xuân Mai và các trường hợp F2 cách ly tại khu phố.
Khu dân cư ngày thường vốn ấm áp, rộn tiếng cười mỗi khi chiều xuống bỗng trở nên trầm lắng khi người dân hạn chế ra khỏi nhà vì dịch Covid-19. Nhiều gia đình chỉ còn người già và trẻ em, bởi cha mẹ đang đi cách ly tập trung, không thể về ăn tết.
Đúng vào chiều 30 Tết, cả khu phố đang trầm lặng bỗng rộn ràng và ấm áp hơn khi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng đoàn cán bộ quân đội tới thăm, chúc tết, động viên bà con trong khu dân cư.
Tại các gia đình Phó Thủ tướng đến thăm, mọi người đều rất bất ngờ, xúc động và chân thành cảm ơn Phó Thủ tướng, lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Nhà máy Z153 đã quan tâm, động viên các gia đình. Phó Thủ tướng bày tỏ: “Chúng tôi, những người làm công tác chống dịch phải cảm ơn bà con. Chúng ta có được ngày hôm nay là nhờ bà con có ý thức. Mỗi người dân, từ cháu nhỏ tới các bậc ông bà, cha mẹ cùng nhau đoàn kết, mỗi người một việc, đất nước mới chống được đại dịch”.