Tết, nhớ về!

Những sáng sương mù còn đọng ngoài hiên, cùng tiết trời se lạnh của tháng cuối năm chớm làm người ta bồi hồi. Dịp này, lại được nghe nhiều lời than thở rằng tết nay không còn vui nữa, vì thứ gánh nặng vật chất chồng lên tầng tầng lớp lớp các giá trị truyền thống.

Thế là hai luận đề “Tết xưa - Tết nay” liên tục được mang lên bàn cân xét soi cẩn trọng. Chúng ta cũng lần lượt thay nhau sắm vai của những nhà kiến tạo các giá trị cần có cho một mùa tết (được cho là) đong đầy. Văn hóa đại chúng tái khẳng định những niềm tin ấy bằng các TVC quảng cáo, các bản nhạc, các gameshow… Những chuyến “đi thật xa để trở về” được khoác lên mình vẻ diễm lệ đầy tự hào để khuất lấp bao nỗi bẽ bàng của những lao động tha hương. Dần dà, chúng ta nghĩ về tết một cách đầy lo toan và áp lực, để bằng cách nào đó, hành lý của những cuộc trở về phải ngập tràn thành tựu.

Nhớ một năm nào đó ngồi bên gốc mai già trước cửa, tôi thấy nhớ da nhớ diết những lời chúc tết, mừng tuổi được trau chuốt tỉ mẩn, đám trẻ khoanh tròn tay, nói thật thành tâm. Tôi nhớ những món quà tết tặng nhau là cân mứt dừa thơm phức, là xâu bánh ú tro được gói bằng loại nếp trong veo, là xấp vải, là đôi giày được chọn lựa hết sức kĩ lưỡng. Tôi nhớ những bữa cơm đoàn viên đầm ấm, những câu chuyện liên tục được tiếp lời bên bếp lửa nồng đượm nấu bánh tét, bánh chưng, ngóng đợi tiếng pháo giao thừa… Cho đến khi mọi giá trị tinh thần được “vật chất hóa”, những đứa con từ phương xa phải khoác lên mình bộ giáp - được bọc bằng tiền giấy hoặc xấp thẻ nhiều số bóng loáng, mới có thể tránh khỏi những sát thương từ cuộc trở về (vốn dĩ là để nghỉ ngơi, để chữa lành và “sạc lại” năng lượng).

hinh-minh-hoa-anh-tu-chup-giau-duong-tet-nho-ve-1-7191.jpg

Chúng ta sẽ chẳng nhận ra mùi vị của tết hấp dẫn hơn nhiều những lắng lo tủn mủn về vật chất và hư danh, cho đến khi phải ở đâu đó quá xa, hoặc bất đắc dĩ chẳng thể trở về, lặng ngắm nhìn tết quê nhà qua màn hình điện thoại. Chúng ta sẽ chẳng nhận ra tiếng gọi “vào bàn ăn cơm nè, con” đáng để lưu tâm hơn nhiều những câu hỏi trớ trêu của hàng xóm cho đến khi đứng lẻ loi giữa đường phố vắng lặng, thoáng nghe được mùi củ kiệu, dưa hành. Chúng ta sẽ chẳng nhận ra có những sự góp mặt đã là vỗ về cho đến khi phải nghe “xuân, xuân ơi xuân đã về” được phát trong bệnh viện, ngước nhìn ánh điện trên trần nhà, tựa hồ không hề có bóng…

Ấy vậy nên, tôi mong chúng ta hãy yên lòng vì tết vẫn ở đó, trong những dưỡng chất vô hình được vun vén bởi đôi tay thoăn thoắt của bà, của mẹ. Tết vẫn ở đó, trong những nhánh mai, cành đào được ông, được bố cắt tỉa gọn gàng. Tết vẫn ở đó, trong từng tia nắng thơm, trong mơn man tươi mới của thời khắc chuyển giao mà đất trời mang tới, trong cả những thanh âm bình dị nhất của đời sống thường ngày. Tết vẫn ở đó, trong những ánh mắt tràn ngập yêu thương ngóng đợi chúng ta về.

hinh-minh-hoa-anh-tu-chup-giau-duong-tet-nho-ve-2-1941.jpg

Hãy cùng gác lại mọi đắn đo, về với nơi mà ta cảm thấy thuộc về. Đó không nhất thiết là một không gian vật lý cố định (như nhà), đó có thể là nơi có người bạn thương, hoặc bất kỳ đâu mà bạn cảm thấy được gắn kết, thậm chí là về lại chính bên trong bạn. “Mái ấm” của mỗi người có thể sang trọng hay đơn sơ, có thể hạnh phúc hay đổ vỡ, chỉ cần nó còn khiến bạn cảm thấy an lòng, hãy trân trọng nhiều thêm một chút và bắt đầu nghĩ về những hàn gắn, những thứ tha.

Dẫu có thế nào đi nữa, thì tết, nhớ về!

GIÀU DƯƠNG

Thủ Dầu Một, Bình Dương

Tin cùng chuyên mục