1. Nhớ ngày còn bé cứ gần Tết lại thấy bố mẹ tất bật tới lui, mẹ tính tính toán toán thậm chí nhiều lần mẹ than sợ Tết, tôi thấy lạ lắm. Tết vui thế, được mặc áo mới, được ăn nhiều món ngon, vậy phải thích chứ sao lại sợ. Nhưng lớn rồi mới hiểu hơn vì sao Tết đôi khi khiến người ta thấy mệt, nhất là với những gia đình thích đón cái Tết đậm tính truyền thống. Cái sự tất bật ngày Tết đến với tôi từ khi chính thức chia tay đời độc thân vui tính.
Đến nay cũng đã mười mấy mùa xuân. Nhiều người cứ bảo hiện đại rồi sao Tết cứ lo trước lo sau quà cáp làm gì. Nhưng chắc đã thành thói quen, đã là nếp nhà nên cứ giữ và duy trì. Năm nào cũng vậy tầm đầu tháng 12 Âm lịch là tôi lên danh sách chọn quà biếu bố mẹ, họ hàng hai bên. Tùy vào sở thích, mức độ thân thiết của từng người để chọn món quà cho phù hợp. Rồi quà năm sau không nên giống năm trước. Và quan trọng nhất phải vừa túi tiền của mình.
Tôi hay dành những ngày cuối tuần lượn khắp phố phường cảm nhận không khí Tết đang về trên các ngả đường, rồi ghé các cửa hàng bán quà Tết, nâng lên đặt xuống cân nhắc cẩn thận mới chọn mua, gói bọc, ghi lời chúc năm mới. Những năm gần đây việc bán hàng online thịnh hành, công việc chuẩn bị quà Tết của tôi cũng đỡ vất vả hơn. Trước tiên tôi lên mạng tham khảo, áng chừng chọn món này món kia, sau đó đến tận nơi kiểm tra hàng rồi mới chốt mua. Cũng chẳng phải tự nhiên tôi lại kỹ tính như vậy. Có một năm vì tin người bạn đồng nghiệp cũ tôi đặt mua bánh chưng “nhà làm” biếu người quen. Chủ quan, 28 Tết đến lấy rồi mang đi biếu ngay. Đến chiều nhận được điện thoại hỏi biếu bánh gì mà dẹp lép vậy (do người làm không có kinh nghiệm ép bánh sau khi luộc mà giao ngay) tôi mới tá hỏa. Cũng chẳng dám trách người bạn đồng nghiệp, chỉ biết coi đó là kinh nghiệm mua hàng online cho bản thân.
Không chỉ tất bật với chọn quà, biếu quà, vì có bà chị làm ngân hàng nên năm nào tôi cũng nhận thêm nhiệm vụ đổi tiền mới cho họ hàng. Cũng chỉ bởi lỡ miệng khoe một lần mà những năm sau khó nói lời từ chối. Có năm không nhờ được nhiều phải tự bỏ tiền túi đi đổi qua dịch vụ. Ngẫm lại thấy “thân làm tội đời” nhưng chẳng dứt được. Tết người ta mới nhờ, Tết mới cần mừng tuổi chứ ngày thường có ai nhờ đổi tiền mới. Rồi biếu quà Tết là biểu hiện sự trân quý, không có quà của mình người ta vẫn đón Tết đủ đầy… Biếu quà xong lại lo mua sắm trang hoàng nhà cửa , tìm mua những món đặc sản để đãi khách với mong muốn ai cũng vui khi đến thăm nhà mình.
2. Nhưng năm nay mọi thứ quá khác. Mỗi lần gọi điện cho nhau, câu đầu tiên mọi người hỏi nhau là vẫn ổn chứ và dặn dò thận trọng giữ sức khỏe cho cả gia đình. Những ngày giáp Tết này tôi cũng không còn tất bật lo quà vì bố mẹ, ông bà cô chú đều dặn năm nay dịch bệnh khó khăn phải tiết kiệm, Tết nhất cũng đơn giản đừng quà cáp làm gì. Thậm chí chúng tôi còn được dặn không ghé nhà người thân lớn tuổi chúc Tết để đảm bảo an toàn. Thế nên tiền mới năm nay không mấy ai nhờ đổi. Việc sắm Tết cho gia đình cũng hạn chế hơn. Tết tự nhiên nhẹ tênh. Có lẽ nhiều gia đình cũng chọn cái Tết đơn giản khi con virus corona vẫn lảng vảng quanh ta. Thế nên, Tết năm nay hẳn sẽ là dịp để người ta gửi cho nhau nhiều hơn những câu chúc sức khỏe, bình an trong năm mới.
Nghe chuyện Tết không tặng quà hẳn sẽ có người nói ai cũng không tặng quà thì mấy người kinh doanh làm ăn thế nào. Có chứ, sẽ vẫn có những người cần mua quà, cần tặng, cần biếu nhưng phần nhiều là vì công việc. Còn với riêng tôi xin giữ lại chút riêng thảnh thơi cho mùa Tết mới. Tất nhiên cái Tết “bình thường mới” này tuy nhẹ tênh thật nhưng cũng chỉ mong một lần như vậy. Mong những Tết sau tôi lại có thể tất bật với những lo toan của mình. Bởi chỉ có như vậy cuộc sống quanh tôi mới thực sự trở lại. Mọi người có thể thoải mái bắt tay, ôm hôn, thoải mái chuyện trò, thoải mái du xuân ngắm cảnh và thoải mái cùng nhau bên những mâm cơm đầm ấm ngày Tết. Chẳng ai còn phải lo về số ca bệnh về những biến chủng mới rồi khả năng lây lan. Ai cũng có thể đến nơi mình thích, làm việc mình muốn.
Tết nhẹ tênh thật hiếm nhưng Tết tất bật chính là cái thú cả năm mới có một lần. Đón cái Tết nhẹ tênh để trân quý những tất bật trước đó. Tôi vẫn yêu hương vị của cái Tết truyền thống, có tất bật có lo toan, nhưng cũng có những niềm vui mà ngày thường ít khi có được.