Tết này về hay ở? - Sẽ ở lại!

Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An quy tụ nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất. Giống như TPHCM, các tỉnh này cũng bị bệnh dịch Covid-19 “càn quét” nặng nề. Do vậy, thay vì về quê đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, hàng chục ngàn công nhân đã chọn ở lại!
Đại diện Tập đoàn Phong Thái tặng quà tết cho hộ khó khăn trong ký túc xá của công ty
Đại diện Tập đoàn Phong Thái tặng quà tết cho hộ khó khăn trong ký túc xá của công ty

Nhà máy cần lao động

Anh Nguyễn Văn Tầm (quê Hưng Yên, làm việc cho một doanh nghiệp tại tỉnh Bình Dương) chia sẻ, năm 2021 là một năm đáng nhớ với gia đình anh, vì phải ở trong khu cách ly tập trung gần một tháng. Sau khi hết cách ly thì cả nhà lại mắc Covid-19, may mắn vượt qua an toàn. “Ngoài quê, ông bà nội ngoại già yếu và đứa con đầu lòng đã về quê gần một năm. Nhưng tết này, nguồn tài chính tích lũy đã cạn, tiền thưởng tết vẫn chưa công bố nhưng chắc cũng không nhiều, vì năm qua công ty cũng bị ảnh hưởng nặng. Thế nên, hai vợ chồng quyết định ở lại vừa đỡ phần chi phí, vừa làm việc để tăng thu nhập, vì công ty đang cần lao động làm việc cho những ngày giáp tết và ngay sau tết”, anh Tầm chia sẻ.

Hòa trong dòng người đông đúc lúc tan tầm, chị Lê Phương Thanh (quê Thanh Hóa, làm việc tại khu công nghiệp Sóng Thần, Bình Dương) ghé một xe bán hàng rong bên đường để mua bó rau muống. Ánh mắt nhìn xa xăm, chị nói: “Dù rất nhớ nhà, mong muốn được đón tết cùng gia đình, nhưng với thu nhập eo hẹp trong năm qua khiến tôi phải đắn đo”. Đã làm việc xa nhà hơn 10 năm và năm nào cũng về quê đón tết, nhưng năm 2021 vừa qua phải nghỉ làm nhiều tháng, kinh tế gia đình rất khó khăn, nên khi công ty kêu gọi ở lại để đi làm sớm sau tết, vợ chồng chị Thanh quyết định ở lại.

Không chỉ ở Bình Dương, tại các khu công nghiệp ở Đồng Nai, chúng tôi cũng ghi nhận những tâm sự giống như chị Tầm, chị Thanh. “Ở lại chớ”, câu trả lời của chị Phan Thị Hương gọn lỏn nhưng ẩn chứa tâm trạng khi chúng tôi bắt chuyện.

Quê Nghệ An, hiện đang làm việc tại Khu công nghiệp Biên Hòa 2 (Đồng Nai), chị Hương cho biết: “Công ty phải ngưng sản xuất 3 tháng để phòng chống dịch nên thu nhập của công nhân cũng rất eo hẹp, nhiều người không đủ tiền để về quê đón tết. Theo lịch của công ty, công nhân sẽ làm đến ngày 29 Tết mới nghỉ và tiếp đó đến ngày 4 Tết sẽ đi làm lại. Làm việc vào những ngày này sẽ được tính lương tăng ca gấp 3 so với ngày thường. Tôi ở lại tiếp tục làm việc chứ không về quê”, chị Hương nói.

Chăm lo chu đáo cho người ở lại

Nắm bắt tâm lý công nhân ở lại nhiều, đồng thời đáp ứng đơn hàng sản xuất gia tăng, nhiều doanh nghiệp đã có chính sách hỗ trợ kịp thời. Một số doanh nghiệp tại Bình Dương đã chi thưởng, phúc lợi cao, thậm chí cho công nhân ứng trước tiền lương để khuyến khích làm việc trong dịp tết. Điển hình như Công ty CP Giày Thái Bình (hơn 14.000 công nhân), Công ty TNHH Yazaki Eds (6.500 công nhân) cho ứng trước 50% lương; Công ty TNHH Right Rich ứng trước 70% lương; Công ty TNHH Hài Mỹ (6.487 công nhân) ứng 100% lương; Công ty TNHH Shyang Hung Cheng (8.000 công nhân), Tổng Công ty Sản xuất - XNK Bình Dương cho ứng trước 100% lương…

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng “mạnh tay” chi thưởng tết cao để giữ chân người lao động. Ngoài hỗ trợ tết của từng doanh nghiệp, Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương đã trao cho công đoàn viên có người thân mất do Covid-19 khó khăn, không về quê ăn tết, mỗi hộ 5 triệu đồng; hỗ trợ sửa chữa, mua sắm vật dụng tại phòng trọ cho các gia đình đặc biệt khó khăn, cao nhất 5 triệu đồng. Theo cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương, thống kê sơ bộ có khoảng 23.950 người lao động gặp hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không về quê đón Tết Nguyên đán năm nay. 

Tại Đồng Nai, Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Phong Thái Lê Quốc Thanh chia sẻ, công ty đang có 67.000 công nhân, mặc dù gặp nhiều khó khăn vì dịch, nhưng đã cố gắng chi thưởng tết một tháng lương cho toàn bộ công nhân. Không dừng lại đó, công ty đã xây dựng 2 trường mẫu giáo dành cho con công nhân với 1.800 em; xây dựng khu nhà ở để công nhân yên tâm ở lại làm việc. Theo bà Nguyễn Thị Như Ý, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Đồng Nai, năm nay, tỉnh sẽ chi 260 tỷ đồng để tập trung nguồn lực chăm lo, hỗ trợ công đoàn viên đón tết xa quê, nhất là những hoàn cảnh khó khăn, bị bệnh hiểm nghèo, tai nạn lao động, mất việc đột ngột. Các phần quà sẽ được trao tại các khu nhà trọ có công nhân ở lại đón tết. 

***

“Tết này về hay ở?”, mỗi người xa quê sẽ có cách giải đáp phù hợp với hoàn cảnh của mình, trong bối cảnh đại dịch vẫn còn tiếp diễn. Sau khi từng bài viết đăng tải trên Báo SGGP, những địa phương vẫn còn cách phòng chống dịch cứng nhắc đã tiếp thu và sửa đổi kịp thời, không còn “ngăn sông cấm chợ”, tuân thủ Nghị quyết 128 của Chính phủ.

Qua loạt bài này, chúng tôi cũng cung cấp cho bạn đọc thêm góc nhìn, cho dù hết sức khó khăn, nhưng nhiều công ty, từng địa phương đã rất nỗ lực chăm lo Tết Nhâm Dần 2022 ấm áp cho người lao động. Đặc biệt, việc chọn ở lại đón tết của người lao động để song hành cùng hoạt động sản xuất của doanh nghiệp cho đến ngày giáp tết, xuyên tết hay ngay sau tết là hết sức trân quý! Hy vọng, với sự nỗ lực của tất cả, chúng ta sẽ đón một cái tết cổ truyền ấm áp, an toàn giữa đại dịch, góp phần sớm phục hồi sản xuất kinh doanh, phục hồi kinh tế.

Long An nỗ lực thu hút người lao động ở lại

Nhằm thu hút người lao động ở lại tiếp tục làm việc, không về quê ăn tết, nhiều doanh nghiệp tại Long An có chính sách riêng. Công ty Sản xuất thương mại nhựa Cẩm Thành (huyện Cần Đước) ngoài việc xây dựng 30 phòng trọ cho công nhân ở miễn phí, sẽ có thêm tháng lương 13, trao phần quà 300.000 đồng/người, phát phiếu giảm giá mua sắm hàng tết…

Công ty TNHH Giày Viễn Thịnh (KCN Long Hậu) chi tháng lương thứ 13 cho công nhân, dành 25 tỷ đồng thưởng tết người lao động. Qua thống kê, tỉnh Long An đã có hơn 20 doanh nghiệp thưởng tết một tháng lương; một số doanh nghiệp thưởng tháng 13 bằng 10% tổng thu nhập năm 2021.

NGỌC PHÚC

Tin cùng chuyên mục