Đường về xa lắc
Cơn mưa bụi cuối năm kèm theo giá rét giăng kín các vùng dân cư lớn dọc khu công nghiệp (KCN) VSIP và Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi). Ngày cuối tuần nhưng công nhân ở đây vẫn tăng ca, tranh thủ hoàn thành đơn hàng cuối năm. Đã 2 năm làm việc trong dịch Covid-19 nên hầu hết công nhân quen với việc sống và làm việc khép kín.
Theo điều tra sơ bộ của ngành lao động tỉnh Quảng Ngãi, có 40% số công nhân ở Dung Quất và VSIP là người ngoài tỉnh, từ mạn Tây Bắc, khu vực lân cận TP Hà Nội và các tỉnh Bắc Trung bộ, Tây Nguyên…
Anh Đỗ Hưng (30 tuổi, quê Lào Cai) làm việc cho một công ty may giày dép ở KCN VSIP được 3 năm qua. Hai năm rồi, Hưng lấy vợ sinh con tại Quảng Ngãi cũng chỉ liên lạc với gia đình qua điện thoại. “Từ khi em có gia đình, ông bà nội rất mong con cháu về thăm, nhưng do đường về quá xa (gần 1.200km), rồi dịch bệnh xảy ra, cách ly, xét nghiệm tốn kém, nên không thể đi được. Năm nay, công ty khó khăn, lương và chế độ của tụi em giảm sâu, chắc phải lỡ hẹn với ba mẹ, quê nhà thêm một năm nữa”.
Anh Lê Văn Sự (35 tuổi, quê Quảng Nam) làm việc tại Nhà máy thép Hòa Phát - Dung Quất, chia sẻ, 10 ngày nữa vợ sinh con, nhưng anh về không kịp để cùng vợ “vượt cạn”. Qua điện thoại, anh Sự động viên vợ cố gắng vượt qua khó khăn, đến 25 Tết anh về.
Ghé những khu nhà trọ công nhân ở phường Hòa Khánh Bắc (Liên Chiểu, Đà Nẵng), nhiều công nhân xa quê nơi đây cũng chia sẻ nhiều nỗi niềm khó khăn mùa dịch và đắn đo chuyện tết này về quê hay ở lại. Đa số công nhân lên kế hoạch về quê, nhưng vẫn lo lắng vì quy định chống dịch mỗi tỉnh một kiểu, khiến đường về quê thêm gian truân.
Đã gần 5 năm làm việc tại Đà Nẵng nhưng đây là cái tết đầu tiên Ngọc Hương (quê Quảng Trị, làm tại Công ty TNHH Điện tử Việt Hoa) dự định không về. Theo chị, chỉ cách 200 cây số nhưng một phần vì quy định chống dịch và cách ly của tỉnh khó khăn, phần còn lại do muốn ở lại làm tăng ca kiếm thêm tiền phụ giúp gia đình nên quyết định ở lại. “Ở lại buồn lắm, nhớ ba mạ ngoài quê. Nhưng về nghỉ tết được hơn 10 ngày mà phải cách ly 14 ngày, về sao được?”, chị bộc bạch.
Chị Thu Thúy (32 tuổi, quê Quảng Nam, ở trọ tại quận Liên Chiểu) đang trong chế độ thai sản, mọi chi phí trang trải gia đình, cuộc sống đều trông cậy vào ông chồng. Những tháng sống chung với dịch giã khiến chị cảm thấy trân quý những ngày tháng quê nhà trước kia.
“Năm nay mình đặt quyết tâm về quê ăn tết cùng ba mẹ, anh em, được ngồi bên bếp lửa lúc giao thừa, gác lại một năm đầy gian truân”, Thu Thúy tâm sự. Gánh nặng dồn lên vai chồng - anh đang chạy đua với thời gian để kiếm tiền chi trả phòng trọ, xe đò về quê ăn tết cùng gia đình…
Ấm lòng công nhân ngày tết
Công nhân ở KCN Phú Tài (Bình Định) ngoài người bản địa thì số ít đến từ bên kia đèo Cù Mông, đèo An Khê, hoặc Bắc Trung bộ và các tỉnh phía Bắc. Ông Đặng Thành Hổ, Chủ tịch UBND phường Trần Quang Diệu (TP Quy Nhơn, Bình Định), cho biết các công nhân đến KCN Phú Tài làm việc đều thuê trọ giá khá thấp. Họ gặp nhiều khó khăn khi có thời điểm địa phương phải “ngăn sông, cấm chợ” trong giai đoạn đầu bùng dịch. Vừa qua, quy định chống dịch nới lỏng nên nhiều công nhân tăng ca làm việc để có thu nhập ăn tết. Năm nào cũng vậy, đa số công nhân về quê ăn tết, số ít ở lại sẽ được địa phương phối hợp Ban quản lý KCN Phú Tài tặng quà, chúc tết…
Bà Vũ Thị Nhu (72 tuổi), Tổ trưởng Tổ công nhân tự quản số 2 (phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng), đang có 40 phòng trọ cho công nhân thuê với giá phải chăng. Theo bà Nhu, chưa bao giờ số lượng lao động đăng ký ở lại làm việc, ăn tết ngay tại dãy trọ nhà bà đông như năm nay, với 30 gia đình. Bà chuẩn bị quà, bánh chưng để đến từng phòng trọ thăm hỏi, chúc tết từng phòng trọ.
Ông Nguyễn Duy Minh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Đà Nẵng cho biết, đơn vị sẽ hỗ trợ 14.800 đoàn viên với mức 500 ngàn - 1 triệu đồng/người. Các cấp công đoàn sẽ tặng quà hơn 1.600 công nhân ở lại ăn tết tại các nhà trọ; thăm hỏi, động viên 351 gia đình công nhân ở KCN Hòa Cầm và khu nhà ở xã hội của KCN Hòa Khánh.
LĐLĐ TP Đà Nẵng sẽ theo dõi sâu sát việc chi trả lương, thưởng tết cho công nhân trên địa bàn, vận động doanh nghiệp, đơn vị có chương trình tổ chức đưa công nhân về quê ăn tết, hỗ trợ vé tàu xe cho công nhân và phát động phong trào ăn tết an toàn… Tương tự, ông Trần Quang Tòa, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Ngãi cho biết, đang rà soát để kịp thời hỗ trợ vé tàu, xe, phương tiện đưa đón công nhân ngoài tỉnh về quê ăn tết.
Ông Phan Xuân Quang, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Nam cho biết, tỉnh có 70.000 công nhân, trong đó khoảng 2.000 công nhân ngoài tỉnh. Từ ngày 10-1, đơn vị phát động các chương trình “Tết sum vầy, Xuân bình an” cho các công nhân, dự kiến kinh phí 20 tỷ đồng. Ngoài ra, đơn vị sẽ tổ chức các gian hàng 0 đồng, tặng quà công nhân có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ tiền mua vé tàu xe tết.
Hà Tĩnh: Sẽ thu hồi văn bản yêu cầu về sớm để cách ly |