“Đời vừa xinh cho những ân cần...”
Trong mỗi bài viết gửi về cuộc thi đều thấy rõ ngày tết vẫn rất thiêng liêng với biết bao người Việt Nam. Tết là dịp để trở về sum họp, là khoảnh khắc để nhận ra cuộc đời này vốn dĩ vẫn luôn ân cần khi có gia đình, tình thân. Những ký ức về tết dẫu cho bao năm tháng vẫn không thể xóa nhòa.
Đọc Xuân về có manh áo mới của tác giả Nga Nga Cao (quận Đống Đa, Hà Nội), người đọc tìm thấy đâu đó ký ức tuổi thơ của mình qua câu chuyện giản dị về những chiếc áo ngày tết được mẹ may năm xưa: “Chiếc áo được may chắp vá khéo léo từ những mảnh vải vụn mà mẹ gom nhặt, để dành từ lâu. Chiếc áo đẹp không phải vì chất vải hay màu sắc mà vì có tình yêu thương và sự hy sinh của mẹ trong từng đường kim, mũi chỉ”.
Nhớ tết xưa, tác giả quay về với thực tại, với những mùa tết đủ đầy của hôm nay. Bây giờ, người ta có thể may sắm quần áo quanh năm chứ không cần phải chờ đến tết và “trẻ con dường như cũng hờ hững hơn với những thứ mà với chúng tôi ngày xưa là cả một niềm mơ ước”. Thế nên, chiếc áo mẹ may vào tết xưa mãi là một món quà quý giá mà tác giả muốn mang theo suốt cuộc đời.
Bao mùa tết đi qua, đứa trẻ nào rồi cũng phải lớn lên và dẫu có bay xa đến đâu cũng cần biết đường tìm về nguồn cội.
Với Tết về trong tâm tưởng của tác giả Trần Thủy (từ tiểu bang Hessen, CHLB Đức), người đọc không khỏi xúc động trước những dòng chữ mộc mạc nhưng tha thiết vô cùng của một người con xa xứ đã 15 năm: “Con luôn giữ cho mình thói quen đi chợ phiên dịp cuối tháng Chạp. Dù ở châu Âu, tiết trời âm u, lạnh lẽo, nhưng con vẫn thấy rộn ràng như thể cùng mẹ phiêu du chợ tết quê nhà. Con tập gói bánh chưng bằng lá chuối đông đá, tập làm giò lụa, chả quế, chè kho... Con muốn mang không khí tết ấm nồng về trong ngôi nhà nhỏ của con, như một cách để giữ gìn những điều quý giá”.
Khi trở về, lòng người vui như một đứa trẻ. Khi xa quê, thoáng nghe lòng hụt hẫng như vừa bước sang một thế giới khác, bởi quê nhà đã ở lại phía xa. Thế nên, cái tết nào không được về quê cũng khiến người tha phương tần ngần. Ở tuổi nào cũng vậy, ở đâu có mẹ, có cha là ở đó có nắng ấm, có mùa xuân.
Trao nhau hơi ấm, trao nhau nụ cười
Vào những ngày tháng Giêng còn xuân như thế này vẫn cảm nhận rõ hơi ấm tết qua những giá trị của gia đình, của tình thân trong từng bài viết mà bạn đọc gửi gắm.
Đọc Nhớ thương vách đất quê nhà của tác giả Nguyễn Văn Hòa (huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên) lại gợi ký ức về bức vách đất được “mặc áo hoa ngày tết”. Ngôi nhà năm xưa có hơi ấm, có nụ cười, có dáng mẹ tảo tần sớm hôm để cho con có cái tết ấm áp.
“Những tờ báo cũ với đủ sắc màu, hình ảnh và con chữ là cả một kho tàng đối với những đứa trẻ nhà quê, bởi quanh năm chỉ biết đến sách giáo khoa trường làng và những buổi chăn bò trên cánh đồng thoai thoải gió. Trước khi mẹ bắt đầu dán lên vách, đêm nào lũ bạn trong xóm cũng tập trung lại nhà tôi, chia nhau từng tờ báo để xem. Thế nhưng, đã gọi là gom góp nên khi đang đọc ở trang này nhưng lại thiếu mất trang kia, thành ra cả bọn vẫn cứ ngẩn ngơ tiếc nuối. Khi đã gom đủ báo, mẹ lấy ít bột sắn khuấy thành thứ hồ dẻo mịn. Xong, anh em chúng tôi chia nhau lấy từng tờ, phết hồ vào một mặt báo để mẹ dán lên bức vách bạc màu”, tác giả Nguyễn Văn Hòa chia sẻ trong bài viết của mình.
Để rồi hôm nay, mỗi khi trở về nhà vào ngày tết, tác giả “nhìn bốn bức tường gạch quét vôi xanh vững vàng hơn, càng thương những tảo tần, lam lũ của cha mẹ. Trong từng giấc mơ len đầy gió núi, vẫn vẹn nguyên cảm giác được hít hà mùi giấy báo, được nhìn ngắm những “bức vách hoa” đón tết thuở nào”.
Ngày tết, được về nhà là ấm êm. Chẳng cần sơn hào hải vị, chỉ cần bánh chưng, thịt muối, mứt gừng… được làm bởi tay bà, tay mẹ đã đủ thỏa lòng mong nhớ sau những ngày xa quê. Rất nhiều bài viết đã bày tỏ nỗi niềm dù bao cái tết đi qua, những món ăn ngày tết cũ vẫn theo mãi trong ký ức người Việt, dù nhịp sống hiện đại với vô vàn tiện nghi.
Có những bài viết lại gợi chút buồn man mác, xốn xang về cái tết nhuốm màu chia ly nhưng vẫn mang màu sắc tích cực, giúp người đọc sống chậm lại với những hoài niệm, cho lòng dịu dàng hơn và cũng để “sạc” lại pin cho năm mới đầy năng lượng.
Những bài viết dự thi Tết nay – Tết xưa làm người đọc cảm nhận rõ rệt một mùa gọi là mùa của sự hồi sinh, mùa của hy vọng. Tết luôn chứa đựng những ký ức đẹp, những điểm khởi đầu và bất ngờ thú vị phía không xa…