Như bà con chòm xóm hay kháo nhau, dù nội đã bước qua cái tuổi thất thập cổ lai hy những mười lăm năm nhưng nhìn nội vẫn trẻ nhiều so với độ tuổi ấy. Nhiều người thắc mắc hỏi nội bí quyết gì để giữ sự tươi tắn, hồng hào, mướt rượt như thế, nội cười hiền từ, móm mém nói: “Cứ sống thật với cái tâm của mình trước đã, sau là chuyện lớn hóa nhỏ, chuyện nhỏ hóa không. Sống là phải cảm nhận và chia sẻ, vì cuộc đời luôn có rất nhiều điều tốt đẹp, nhiều niềm vui…”.
Nội của nó là thế, chẳng bao giờ nó thấy nội ủ rũ hay rầu rĩ. Ngay cả những lúc nằm trên giường bệnh, thân thể phải gánh chịu nhiều cơn đau, nhưng tinh thần yêu đời, yêu người của nội luôn khiến mọi người nể phục.
Nhớ trước tết năm kia, nội đột quỵ phải nhập viện, nằm hơn nửa tháng trời. May mắn là cơn đột quỵ nhẹ, chỉ khiến nội khó khăn trong việc đi đứng, nhưng vì tuổi cao nên các bác sĩ bắt phải nằm lại, chẳng cho về. Thế là cả nhà cùng nội đón một cái tết lạ so với mọi năm. Đón tết với nội còn có mấy bác nằm cùng phòng, có bác ở tận Đồng Tháp, An Giang, bác thì quê quán tận Đắc Lắc, Bình Thuận...
Gọi đón tết nghe cho xôm, dù cũng có bánh mứt, trái cây, mọi người chúc tết nhau với nụ cười trao gửi bao tâm tình, sự chia sẻ đồng cảnh ngộ… Nhưng thực sự, mấy ngày tết trong bệnh viện thật rất buồn chán. Tâm tư, tình cảm của người bệnh, lẫn người thân đều nao nao nỗi nhớ nhà, nhớ không khí tết rộn ràng đang diễn ra tưng bừng trên khắp phố phường.
Mấy ngày tết ở bệnh viện, nội khác hẳn. Đó cũng là lần đầu tiên nó thấy ở nội man mác nỗi trầm buồn, ánh mắt hay ưu tư nơi xa xôi. Dù nội chẳng than vãn, bộc lộ ra mặt hay chia sẻ tâm tư cùng con cháu, nhưng nó cảm nhận được trong lòng nội có nhiều điều u uẩn…
Sau tết mươi bữa, cả nhà mừng rỡ khi nội được bác sĩ ký giấy cho xuất viện về nhà nghỉ dưỡng. Từ khi hay tin, nội cười suốt, nói chuyện rộn ràng, tinh thần phấn chấn hẳn. Khi đã về đến nhà, nội thở phào, thả mình trên chiếc ghế quen thuộc rồi bảo với con cháu: “Từ nay trở đi, nội sẽ giữ gìn sức khỏe kỹ hơn và hứa hổng thèm ăn tết trong bệnh viện nữa!”. Cả nhà cùng lắng nghe, ngộ ra và nụ cười cứ thế dòn tan trong không khí tình cảm gia đình đầm ấm.
Lời hứa đó, nội giữ rịt bên mình. Tết năm trước, nội trở bệnh, chỉ kịp dặn vài lời với con cháu rồi ra đi. Nội đi đúng vào ngày 30 Tết, sau khi đã hoàn tất lễ cúng ông bà. Thời gian tiếp nối thời gian, nỗi buồn vẫn tràn ngập trong căn nhà nhỏ. Hình ảnh những hoạt động thường nhật của nội cứ phảng phất, quanh quẩn, như nội chưa hề đi xa.
Dù đã qua ngày cúng giáp năm, nay lại chuẩn bị đón thêm một cái tết mới, thế nhưng, nó vẫn cứ ngỡ chuyện mới xảy ra hôm qua thôi. Tết mới năm nay lại không có ngày 30 – cái ngày đã để lại dấu ấn không thể phai mờ trong tâm trí nó cũng như những người thân trong gia đình.
Hôm rồi mẹ nó bảo sẽ cúng nội và cúng ông bà vào ngày 29 âm lịch. Điều này khiến lòng dạ nó thêm thắt thỏm, cuống cuồng, quay quắt, day dứt… Nó chỉ ước có được ngày 30 Tết, để nó nhớ, nó quay chậm lại cuộn phim ký ức trong tâm trí, để nó được cảm nhận lại bao tình cảm thân thương đã vuột mất vĩnh viễn vào cái ngày cuối cùng của năm cũ – 30 Tết! Nhưng, nó cũng hiểu đó là ước muốn của nó không thể là hiện thực. Xót xa thay biết bao.
…Theo quy luật của thiên nhiên, không khí tết đang tràn về trên từng khu chợ, góc phố, xóm nhỏ. Ngồi bên hiên nhà, nó ngẩng đầu nhìn những đám mây đang cố bay về tận cuối chân trời, để chợt thấy chạnh lòng, cảm nhận, dường như nơi xa xôi ấy vẫn còn đọng lại ánh mắt nhìn xa xăm của nội hôm nào. Nó buộc miệng gọi: Nội ơi!
Thúy Bình