Ta miên man trong dòng chảy suy nghĩ trôi về miền ký ức tết xưa. Thèm không gian bình yên nơi ngôi nhà mái đỏ ngả màu rêu phong, mùi hương trầm bảng lảng quanh mâm ngũ quả, tiếng nói cười rộn rã trong mâm cơm chiều tất niên. Có thịt đông dưa hành, xôi gấc mẹ làm; giò thủ, bánh chưng cha gói và tô canh xương hầm, đĩa chả nem vàng giòn chị gái đem qua...
“Tết này, con được nghỉ học những 10 ngày. Mẹ cho con về quê với ông bà nhé?” Tiếng nói trong veo ẩn sau ánh mắt đầy vẻ háo hức của cậu bé được mẹ chở, dừng xe chờ đèn đỏ, đứng bên cạnh khiến tôi giật mình quay về thực tại. Bất giác người mẹ thở dài: “Trời ơi! Rồi biết gửi con cho ai đây”. Tiếng người mẹ vụt bay trong dòng xe hối hả...
Tôi bỗng thấy chùng lòng, chả biết tự bao giờ dư vị tết xa vời với lũ trẻ ngày nay. Phong vị tết nay có đôi phần khác xưa khi những phong tục, tập quán chuẩn bị cho ngày tết dần được cắt xén hoặc đơn giản được giải quyết trong 1 click chuột. Từ chuẩn bị mâm cơm cuối năm, mâm ngũ quả và ngay cả dọn nhà ngày tết đều được “đặt, giao, thuê” dịch vụ 1 cách nhanh chóng. Do cuộc sống hối hả hay lòng người ngày một vội vã hơn?
Cha mẹ bộn bề, lo toan với công việc cuối năm mà dường như quên đi thời gian dành cho gia đình, cho các con nhỏ. Để ngày tết đối với các con giờ đây chỉ là chuyến nghỉ dài ngày. Tết vốn đầy ắp niềm vui, tiếng cười nay trở nên nhạt nhòa trong dòng chảy cuộc sống hiện đại. Khoảnh khắc mong chờ đếm từng ngày tết đến dần trở nên lạ lẫm, xa vời với tụi nhỏ...
Nhớ tết xưa báo hiệu khi tụi tôi rục rịch được nghỉ học. Những ngày cận tết, ai cũng được giao việc nhà để chuẩn bị đón tết. Hối hả, vất vả, cực nhọc mà vui, đúng với tinh thần “vội như tết”. Tiếng cười âm vang dưới mỗi mái nhà, ngõ xóm. Dạo từ 28 tết, cả xóm chung nhau “đụng” lợn, thơm thảo tình làng nghĩa xóm, chia nhau từng cân thịt, ít xương hay cả chút nước “xuýt” để bữa cơm cuối năm thêm đủ đầy. Tụi tôi lấm lét coi mấy chú đánh vật với con lợn cỏ, chốc chốc lại sà vào lòng bà để sên mứt tết, ghé chỗ ông gói bánh chưng, rồi hì hục cọ rửa bộ bàn ghế, cùng cha quét vôi khoác tấm áo mới cho căn nhà...
Ngậm ngùi tết nay, tụi nhỏ cảm thấy bơ vơ trong chính ngôi nhà khi không được tận tay làm những món ngon ngày tết, cùng gắn kết gia đình trong những công việc: dọn nhà, nấu ăn, đi chợ tết... Chính hành trình chuẩn bị cho tết đó sẽ giúp tụi nhỏ hiểu giá trị văn hóa truyền thống, yêu thương chia sẻ, neo giữ lại nét đẹp trong tâm hồn, tuổi thơ.
Xã hội ngày một phát triển, những đứa trẻ có nhiều điều kiện giải trí với mạng xã hội, thiết bị công nghệ. AI giúp con người tăng năng suất lao động, vận hành nhiều hoạt động, nhưng cảm xúc từ trái tim đến trái tim thì AI khó có thể làm thay con người. Và chính cảm xúc đó là sợi dây liên kết văn hóa tết cổ truyền tồn tại từ bao đời nay.
“Mùng 1 tết cha, mùng 2 tết mẹ, mùng 3 tết thầy”. Mỗi dịp tết đến xuân về, cha mẹ nào cũng mòn mỏi chờ con cháu đoàn tụ, sum vầy. Ấy vậy nhưng, thay vì trở gót thiên di về gia đình thì các bạn trẻ lại phiêu du với chuyến du lịch xuyên tết, để những ánh mắt đợi chờ thêm khắc khoải nhớ mong. Nếu chúng ta còn trẻ, thanh xuân chúng ta đủ dài cho những dự định, chuyến đi đầu xuân. Nhưng liệu cha mẹ còn bao nhiêu thời gian để ngóng chờ những đứa con đoàn tụ trong không khí tết đoàn viên trong mái ấm gia đình. Có khi nào những chuyến đi đó lại là nỗi day dứt, hối hận muộn màng vì không còn ai ngóng trông ta dưới mái hiên nhà.
Miên man trong dòng suy nghĩ, khi bánh xe vừa đậu trước cửa nhà, thấy gia đình hàng xóm đang rục rịch đồ đạc để chuẩn bị về quê ăn tết. Nhìn nét mặt háo hức, nụ cười giòn tan của mấy đứa nhỏ, lòng tôi bỗng chộn rộn, xốn xang đến lạ thường.
Chạp chạm ngõ, tết đang về, tôi sẽ sắp xếp để về với yêu thương. Về dựng lại cây nêu, câu đối đỏ, tràng pháo trong miền ký ức đượm tình. Về hít hà mùi thơm nồng đượm, về để thỏa lòng bồi hồi nhớ, bồi hồi thương, về hong ấm lại tâm hồn của cánh chim thiên di đau đáu vấn vương quê nhà. Bởi “chỉ bên mẹ là mùa xuân thôi...”
Bạn hãy cùng tôi trở về, để tết nay ta kẻo lạc tết xưa.
TẶNG VŨ
Tp Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu