Rảo quanh phố thị đông người, thấy không khí những ngày đã Chạp cũng chẳng nô nức lắm, chỉ nhận ra được chút ít tết ghé qua nhờ vài chủ hàng đã bắt đầu bày hoa bán tết, nhạc xuân thoảng hoặc vang lên đâu đó gần xa.
Là một nhân viên văn phòng vùi đầu làm việc ngày tám tiếng, tính chất công việc lại không yêu cầu di chuyển nhiều nên khi tới công ty, tôi vừa kịp hí hoáy vào việc là hết ngày. Tiếng điều hòa rì rà, không khí phả ra mát dịu, ngày nắng cũng như ngày mưa.
Có lẽ vậy mà kể cả khi gió xuân về thì làn da mặt được chút ít ỏi hơi thở tự nhiên này ve vuốt lúc ban sớm chạy xe đưa con đi học. Ngoài ra, giọt nắng có nhảy múa hay giọt mưa thi nhau hợp xướng ngoài kia, tôi cũng chẳng mấy khi cảm nhận được sau tấm rèm.
Vì tha phương cầu thực nên những dịp này, cảm giác nhớ nhà lại càng quay quắt. Sự nôn nao vốn dĩ của một đứa trẻ chờ xuân lại trỗi dậy, nhưng có gì đó níu kéo làm ta chùng lại. Liệu tết nay đã khác hay do ta đã lớn?
Nhớ hồi còn bé, mỗi khi vào Chạp là tôi đếm như thể thuộc lòng còn bao ngày nữa tết đến. Nhà tôi có một cái rẫy lớn trên núi xa. Ba mẹ trồng rất nhiều loại cây ăn trái nhưng chủ yếu bán dịp tết vẫn là chuối. Buồng chuối nào to trái, đều răng và vỏ ngoài cứ gọi là xanh mượt mà thì được đưa vô tầm ngắm.
Ngày thu hoạch rơi độ khoảng 25 của Chạp. Rẫy nhà tôi ngay mạn sườn núi cao nên rất dốc. Đi đứng mà không cẩn thận thì dễ té lông lốc xuống va đầu vào khe đá như chơi. Chuối đốn xong, má nâng niu từng buồng như đứa trẻ, quấn kỹ bằng lá chuối rồi tập kết thành một khu rồi chở về nhà bằng xe máy có gắn giỏ cà xé phía sau, mỗi chuyến chở được cả chục buồng.
Chuối được người buôn lái tới mua xong, còn lại vài ba cái buồng chuối nhỏ dạt ra thì má với chị gái chở ra chợ bán. Ngày đó, trộm vía lúc nào má chở ra bán cũng hết nhanh, má nói giỡn tại má nhẹ vía nên bán gì cũng gọn lẹ.
Bánh mứt ngày tết đa số là tự làm, ngoại trừ hạt dưa hạt bí. Quê tôi đặc trưng bánh in, bánh thuẫn. Ngày đó, dì Út tôi độc thân nên năm nào dì với ngoại cũng đổ bánh thuẫn luôn phần dùm má. Cứ ngày 27 Tết, ngoại với dì lại vào bếp đổ bánh thuẫn. Bên bếp than hồng, mấy chị em ngồi quan sát chờ bánh chín, tay dì thoăn thoắt không ngưng. Bánh chín ra khuôn, hai chị em tôi chỉ chờ cái nào không nở đều là xin dì, vội vàng bốc lên vừa thổi vừa xuýt xoa, nóng phỏng tay.
Miền Trung quê tôi "muối mặn gừng cay", vậy nên món ăn nấu ra cũng phải đặc trưng đậm đà. Gừng thiệt già, đem ngào thiệt lâu cho khô cứng lại. Mứt gừng áo lớp đường giòn rụm bên ngoài. Nhai một miếng, gừng vỡ ra trong khoang miệng các gai vị giác ở lưỡi ngưng hoạt động, lúc này xúc giác giúp ta phản ứng lại sự cay nóng của gừng tạo ra.
***
Những cái tết nghèo mà đậm đà tình cảm gia đình, cuộc sống mộc mạc đó theo chúng tôi lớn dần lên. Chúng tôi rời xa quê nghèo, nơi "khỉ ho cò gáy" để đi vẫy vùng nơi biển cả tri thức, rồi lập nghiệp. Thoảng cái đã hơn hai mươi năm ròng, nhìn lại tết vẫn là tết.
Tết như vị cứu rỗi những tâm hồn lạnh lẽo nơi đất khách được dịp thao thức, mong ngóng và chờ đợi. Những kỷ niệm chợt đó ùa về, mềm như tơ mượt như nhung, rũ xuống trước mặt rồi khẽ khàng nhún nhảy trước gió. Đẹp và mộc mạc, thuần túy biết bao.
Rồi những ngày lập đông năm này, má đi xa khuất, nhận ra tết đã khác ngay đây.
Tết cận kề, sao chẳng thấy nôn nao? Sợ thời gian trôi nhanh để rồi tết về, khi nhìn cảnh nhà nhà sum vầy bên nhau, lặng lẽ ngồi gặm nhấm nỗi đau, sợ phải nhìn đâu cũng thấy má hiển hiện. Nồi thịt kho tàu má nấu, nồi bò kho má hầm thật kỹ, nồi canh măng ngập giò… món nào má cũng nói làm cho con lâu lâu về ăn đầy đủ. Má lo chu đáo hết cho cả nhà, má trọn trách nhiệm người mẹ hiền, người bà giàu tình thương.
Khi thời gian trôi, khi người ta lớn, suy nghĩ cảm xúc cũng lớn theo. Cảm xúc càng lớn càng dễ dàng trở thành một bức tường bí mật giúp người ta nương náu khi vỡ vụn, kịp ngồi yên đó thổn thức.
Bất giác, câu hát “Tết này con sẽ về, dẫu ở đâu con cũng sẽ về, về đem hết kể chuyện ba nghe…” làm tôi giật mình, má đi rồi thì ba vẫn còn đó. Có lẽ tết này khác, nhưng vẫn sẽ về vì vẫn còn người mong con, con hứa sẽ về.
Ai rồi cũng sẽ có một cái tết khác, khác đi vị tình thân tròn đầy khi hình ảnh gia đình đoàn viên thiếu vắng một ai đó. Nhưng sau cùng, nhà vẫn là nhà...
TRẦN THỊ SANG
sang.tran@kimlongcom.com