Nếu như những ngày trước tết, trong ta luôn có cảm giác bồn chồn, xuyến xao về nơi chôn nhau cắt rốn, về nguồn cội, về những người thân yêu, mái nhà xưa của mình thì cảm giác bịn rịn, lưu luyến sẽ hiện diện trong ta suốt những ngày sau tết đó.
Cũng phải thôi, bởi một năm dài cách xa đằng đẳng, những thâm tình chỉ được gặp nhau vội vã mấy ngày tết. Ngồi bên nhau chưa được bao lâu, thâm tình ấm lại chưa được bao nhiêu, ngủ một đêm thức dậy đã thấy hết tết, ngủ một đêm thức dậy lại phải nói tiếng chia tay rồi. Như vậy hỏi ai mà không tâm tư, hỏi ai mà không nao lòng cho được.
Tôi luôn bị cái cảm giác những ngày sau tết ấy bủa vây, giành chỗ kể từ lúc tôi thốt lời “Thưa má con đi!”. Rồi suốt cuộc hành trình ngày hôm đó, mặc cho đại lộ đầy chật những dòng người, mặc nắng mặc gió, hình ảnh của má, của mấy đứa em thơ, bà con hàng xóm, hình ảnh của miền quê nghèo khó gắn bó suốt một thời tuổi thơ của tôi cứ lởn vởn không rời. Bao nhiêu năm, bao nhiêu lần tết về tết rồi vội vã ra đi là bấy nhiêu lần, tôi cứ thẫn thờ như thế.
Tôi nhớ hình ảnh của má vừa mới tiễn đưa chúng tôi đi, rồi lại chập chờn miên man nhớ về những cái tết năm nảo năm nào.
Năm nào cũng vậy, chúng tôi về ăn tết với gia đình, đến khoảng mùng 4 là chúng tôi đi. Đứa trở lại với công việc thường ngày, đứa trở về với gia đình riêng của mình. Má tôi lồm cồm trở dậy từ lúc mới 4 giờ sáng, trong khi chúng tôi đứa nào đứa nấy còn say giấc vì tối hôm trước thao thức bên nhau quá nửa khuya.
Má soạn đủ thứ. Bánh ít, bánh tét do má gói hôm mùng Hai để dành. Nồi thịt kho hột vịt, má chia ra từng phần vô bịch. Má nói để ở nhà không có đứa nào ăn. Bột ngọt, đường… bà con biếu tết, má cũng chia sớt ra hết. Rồi bánh trái, mứt kẹo chưng trên bàn thờ, má cũng gom hết xuống, cho vào bịch chia đều cho từng đứa con.
Khi chúng tôi thức dậy, má đã pha sẵn cho mỗi đứa một ly sữa ngũ cốc, dĩa bánh ít, bánh tét cắt ra sẵn từng khoanh để bên cạnh. Má kêu chúng tôi ăn dằn bụng đi đường xa cho chặt dạ.
Má đem ra dĩa bánh ít, kêu anh em tui ăn dằn bụng rồi đi. Má cứ kêu đi kêu lại mấy lần mà tôi ăn không nổi. Thế là tôi đi. Đến khi xa một đỗi, thằng bạn nhắc: “Sao nãy mày không ăn một miếng cho má vui”. Tôi ngẩn người. Ừ hén! Hèn gì lúc tôi lên xe, thấy má lo lắm. Sao tôi vô tâm quá, không chịu hiểu cho cảm giác của má vậy!
Chúng tôi ăn uống xong, má gánh đồ đạc đưa chúng tôi xuống lộ. Nhớ hồi đó, chưa có xe máy như bây giờ, từ nhà tôi phải đi một đoạn đường vắt qua một khoảng đồng trống mới ra tới lộ. Má gánh một gánh đầy hai đầu thúng như gánh cả tình mẹ cho chúng tôi. Con cháu, đứa chạy trước, đứa chạy theo sau má. Dưới ánh trăng non đầu tháng, tôi vừa xách vừa mang hành lý đi bên má mà nghe thương quá chừng. Rồi bỗng dưng nhớ giọng hát của nghệ sĩ Thanh Sang trong tuồng cải lương “Tuyệt tình ca” quá đỗi.
“Ầu ơi… Ví dầu cầu ván đóng đinh
Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi
Khó đi mẹ dắt con đi. Con đi trường học…. ơ….
Con đi trường học, mẹ đi trường đời….”
Mấy năm sau này, khi chúng tôi có xe máy hết rồi thì má không còn gánh đồ đạc mỗi lần đưa tiễn chúng tôi đi nữa. Nhưng má vẫn cứ lui cui, soạn lựa cái này, cái kia chia cho con cháu. Và lần nào, má cũng đứng nhìn theo cho đến khi không còn thấy bóng dáng chúng tôi.
Cái tết năm Nhâm Sửu (2021) là cái tết cuối cùng má còn đưa tiễn chúng tôi. Sau đó, dịch bùng phát. Má mất cùng tháng 8 năm đó trong một chuyến đi công việc xa. Giờ, má nằm ở đất khách quê người. Hai năm vừa rồi, chúng tôi đều ra viếng má vào dịp tết. Năm nay, chúng tôi chưa tổ chức thăm viếng má được vì có đứa bận việc. Không biết bao giờ chúng tôi mới rước được má về quê.
Út bây giờ giống má. Hôm tết vừa rồi, lúc chúng tôi đi, Út cũng loạn soạn, phân chia đồ đạc, bánh mứt đủ thứ gửi cho anh, chị. Nhìn Út mà tôi nhớ má. Rồi đây, Út sẽ thay má quán xuyến nhà cửa, chăm sóc vườn tược, nhang khói cho ba má. Rồi Út sẽ như má, làm nhịp cầu níu giữ truyền thống thâm tình, rồi lại đón, lại đưa những thương yêu mỗi bận tết về tết đi. Mãi mãi…
NGUYỄN THANH HẢI
Cái Bè – Tiền Giang