Và trong rất nhiều những màu áo cóm troòng ấy, cứ hễ bắt gặp cái màu xanh lơ, lòng tôi lại nghẹn lên một niềm xúc động, nhớ thương chiếc áo tết năm xưa từng làm tôi phải khóc.
Hồi ấy, áo mới cho trẻ con dịp tết là thứ gần như không thể thiếu được. Bởi vậy, những gánh hàng chợ của mẹ lo tết vơi tết đầy gì thì cũng phải sắm kì được quần áo mới cho bọn trẻ con trước. Làm sao đó, tối hai mươi tư tháng chạp, bầy trẻ con trong nhà đã phải có đủ áo mới để mặc vào sáng phiên chợ tết Hai Lăm.
Và đêm hai mươi tư giấc ngủ chập chờn, háo hức. Chỉ cần nghe tiếng gà gáy canh rạng, ngó ra cửa voóng thấy được một màn sang sáng là lũ trẻ sẽ bật dậy, quờ thật nhanh chiếc áo mới, mặc chồng lên đôi ba chiếc áo cũ bên trong. Chỉ cần trời sáng rõ mặt đường là bọn trẻ con chúng tôi chạy ào xuống thang.
Ai chợ giờ ấy đâu mà vội. Trẻ con cuống quýt lao ra khỏi nhà chỉ để khoe cùng nhau chiếc áo mới. Đứa nào cũng cố nói to hơn: Áo tao có màu vàng còn có cả màu xanh nữa, áo tao có bông hoa còn có cả con bướm, áo tao có sọc đỏ, có ô vuông còn có cả túi trên ngực, quần tao có hai túi như quần ngưới lớn....
Cứ thế, bọn trẻ chen lời nhau, chẳng đứa nào nghe đứa nào nói, chỉ trỏ áo mình lại sờ mó, ngó ngàng áo bạn… Và mùa xuân đến từ sáng ấy.
Sau phiên chợ Hai Lăm, những chiếc áo mới phải thay ra cho mẹ giặt, để còn cất đi, đợi đúng đêm 30 Tết mới được mặc lại để diện hết ba ngày tết.
Tôi nhớ năm đó, tôi đã lên mười ba mười bốn. Áo mới mẹ đem về cho tôi không còn rực rỡ hoa đỏ, hoa vàng mà chỉ có một màu xanh lơ nhè nhẹ, cái màu hơi cu cũ, nhàn nhạt giống như màu áo các cô, các chị bản tôi hay mặc. Tôi tỏ ý không thích thì mẹ nhẹ nhàng nói:
“Con sắp thành ợi mái (thiếu nữ) rồi đấy, phải mặc màu này mới hợp, chứ mặc xanh xanh, đỏ đỏ như các em trẻ nít thì xấu hổ lắm”.
Tôi tin lời mẹ nên lại thấy vui ngay và cũng thấy xao xuyến vì biết mình sắp thành ợi mái, cái tuổi bắt đầu có con trai nói lời trêu ghẹo ngoài đường ngoài chợ, đêm đêm gầm sàn có tiếng trai lạ rì rầm. Và vì thế tôi chợt thấy chiếc áo tết màu xanh lơ ấy đẹp hơn bao giờ.
Hồi đó, những người lớn không mấy khi được sắm quần áo hằng năm. Nhưng hầu như ai cũng có một bộ quần áo đẹp nhất cất trong rương, chỉ dành diện vào dịp lễ, tết. Bởi vậy, có khi cả chục năm, áo quần vẫn còn như mới.
Cũng cái năm tôi được mặc chiếc áo thiếu nữ ấy, tôi đã khóc vì thương mẹ. Tối ba mươi đó, khi ông nội khấn lởi tổ tiên xong, cũng là khi cả nhà đã tắm rửa xong, mặc lên mình bộ quần áo thơm mới, tươm tất nhất để chuẩn bị ra gian thờ, lạy chào ma cố tá trước khi ăn cơm tất niên, thì bỗng mẹ bị bà quát nhẹ:
“ Sao giờ này dâu chẻm chưa thay áo mới đi để còn chào lạy tổ tiên”.
Mẹ ngập ngừng, chưa kịp trả lời thì bố giục:
“Thay áo mới đi, mẹ ún có một chiếc áo vải loan màu xanh lơ mua hồi ta cưới, để trong rương đó”.
Mẹ bối rối, cả nhà nhìn mẹ. Bỗng tôi bắt gặp ánh mắt mẹ nhìn thoáng sang tôi, rồi lại quay nhanh đi, ấp úng. Tôi như chợt nhận ra điều gì, cúi xuống nhìn chiếc áo tết của mình có màu xanh lơ… Tim tôi nghèn nghẹt, một dòng nước mắt len ra….
Sau rồi tôi cũng biết, tết cái năm đói túng ấy, mẹ không xoay sở đủ tiền mua áo mới cho chúng tôi nên đã đem chiếc áo còn lành lặn, còn mới duy nhất của mình ra hiệu nhờ thợ cắt may lại cho vừa với tôi.
Và tết năm đó, mẹ không ra hội Mường vui cồng chiêng, múa Rặng. Mẹ thui thủi quanh nhà, thi thoảng có khách tới chơi chúc tết, mẹ nem nép từ góc xa trong bếp, ngại ngùng chào khách, chào vội lại lui nhanh. Hẳn mẹ thấy xấu hổ hay tủi thân khi để khách nhìn thấy miếng vá trên chiếc áo của mình ngày tết.
Bây giờ, dù không còn phải thời cả năm mới có áo mới mặc, nhưng mỗi lần tết đến, ở Mường tôi ai ai cũng sắm cho mình một bộ váy áo truyền thống của dân tộc mình để đi chơi xuân, vui hội. Trẻ con dù quanh năm mặc đồ lành đẹp, nhưng tết vẫn thích thú khoe cùng nhau chiếc áo tết.
Và tôi, mỗi lần nhìn thấy mẹ diện chiếc áo cóm troòng có màu xanh lơ lòng tôi lại trào dâng kí ức thân thương ấy.
PHẠM TÚ ANH
Quận Long Biên - Hà Nội