1. “Tưởng đâu qua Australia làm một show chụp hình và áo cưới cho cô dâu chú rể là về đón tết, ai dè kẹt dịch tới giờ luôn. Hai năm ăn tết xa nhà rồi chứ ít gì, cứ trông chờ đặt vé về thì bên này rồi tới thành phố mình bùng dịch Covid-19, vé về năm nay có đắt bao nhiêu cũng ráng, tết mà được về nhà thì còn gì hơn”, chị Shelly Trương (Trương Thị Hải Quỳnh, ngụ phường Tân Định, quận 1, TPHCM) chia sẻ.
Mùa xuân năm nay của chị Quỳnh là những ngày thật “lạ” và cũng thật “quen” bởi hơn 2 năm rồi chị mới dạo đường hoa, đường sách, mặc áo dài và cắt đòn bánh tét… Chị Quỳnh kể: “Bên Australia, cộng đồng người Việt mình cũng kết nối với nhau những dịp lễ tết, nhưng khi bùng dịch mọi người ở yên trong nhà thôi, đâu có dịp ngồi với nhau gói bánh chưng, bánh tét gì. Năm nay về nhà đón tết, không kịp mua sắm gì nhưng vui hơn.
2. Cái tết “lạ” năm nay còn là những câu chuyện sum vầy theo một cách khác, khi mùa xuân vẫn còn vướng bận bởi dịch bệnh và đường về nhà còn nhọc nhằn gánh nặng mưu sinh của người lao động khó khăn.
Trong cuộc điện kết nối chiều mùng 5 tết, từ TP Osaka, Nhật Bản, chị Đỗ Thị An Yên (28 tuổi, tu nghiệp chương trình thạc sĩ tại TP Osaka, Nhật Bản) nhắc nhiều về chương trình sân khấu kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa mà chị hay ra trung tâm thành phố xem mỗi dịp tết. Cũng phải cái tết thứ 3 rồi, chị xa nhà vì công việc và kẹt lại bởi dịch Covid-19.
“Tết năm nào tôi cũng đi đường hoa, đường sách, mùng 5 xem ca nhạc rồi Hội Hoa xuân Tao Đàn, nói chung là đi khắp thành phố. Bây giờ, đành chịu vì bên này đang bùng dịch trong cộng đồng, mọi người hạn chế đi lại”, chị An Yên chia sẻ.
“Cái tết thứ 3 rồi tôi ở lại Nhật Bản vì kẹt dịch, cảm giác cũng lạ nhưng không buồn, vì dịch này cũng có nhiều người chịu ảnh hưởng”, chị An Yên bộc bạch.
Nhóm bạn của chị An Yên hơn 10 người, không ai về nhà đón tết, một vài người bạn ở thành phố khác cũng không dám đặt vé về. “Nếu về thì mọi người phải xong hẳn chương trình học tập và công việc, còn không thì ai cũng chọn ở lại vì giá vé máy bay hiện rất cao. Nhóm du học sinh ở Tokyo và Kyoto mà tôi quen có lịch nghỉ dài nhưng cũng không về, vì sợ dịch bệnh không sang được thì trễ lịch học”, chị An Yên cho biết. |
3. Và khi hỏi về nỗi buồn của cái tết xa nhà, đâu đó sẽ có những phút lắng đọng trong lòng mỗi người xa quê. Nhưng 2 năm dịch Covid-19 hoành hành trên toàn cầu lại là một ngoại lực đủ mạnh để người ta tập quen với những điều “lạ”. “Xa nhà thì phải nhớ rồi, nhưng đang dịch bệnh thì mình chịu thôi. Năm đầu đón tết xa nhà cảm giác lạ lắm, nhưng giờ là năm thứ 2, tôi không còn thấy buồn nhiều nữa. Mỗi ngày tôi và ông xã đều theo dõi tình hình các chuyến bay để đặt vé về nhà sau tết”, chị Nguyễn Thị Hồng Lạc (39 tuổi, người Việt sống tại Singapore) tâm sự.
Không riêng TPHCM, tết năm này ở những đô thị lớn cả nước, ước tính hơn 50% người lao động xa quê không về nhà đón tết vì dịch Covid-19. Áp lực mưu sinh buộc người ta chọn sum vầy theo một cách khác.
Nhẩm tính lại số tiền làm thêm trong mấy ngày tết, chị Nguyễn Thị Hoài (34 tuổi, thợ làm tóc, quê ở Bạc Liêu, ngụ quận 8, TPHCM) mừng thấy rõ: “Tiệm nghỉ dịch mấy tháng trời, nên tết này chị chủ quyết định làm xuyên tết, khách làm rồi lì xì nên nhân viên nào cũng kiếm thêm được một ít. Hôm qua, tôi mới gọi điện về nhà, tính mùng 9 về nhà đón tết, phụ ba mẹ cúng đất vào mùng 10.
Những điều “là lạ” lại trở thành một phần gì đó quen thuộc trong mùa xuân này. Cuộc sống đôi khi buộc người ta thích nghi với hoàn cảnh, “lạ” cũng không hẳn là buồn, chỉ là mình biết cách tìm một góc nhìn khác đi thì mùa xuân vẫn còn bên cạnh.