Về nhà xem hội quê ta
Những ngày vui Tết Độc lập, đi trên đôi bờ Kiến Giang, vùng Lệ Thủy nhà nào cũng tưng bừng cờ hoa. Người Lệ Thủy, cứ đến ngày 1-9 hễ làm ăn xa ngái đều về quê báo công với tổ tiên, ông bà. Rồi nhà nào cũng bày biện mâm cơm mới đón cháu con về ôn lại những tháng năm đã qua và cùng động viên nhau hướng đến tương lai. Người ở xa tít trời Tây cũng gọi nhờ người thân dâng lên trang thờ Tổ quốc, tiên tổ tấm lòng thành của con cháu nơi xa. Ở Hà Nội hoặc TP Hồ Chí Minh, con cháu vùng gốc Lệ Thủy cũng tìm về với nhau để được vui mừng bữa cơm sum họp.
Ông Nguyễn Đặng Phong (Lộc Thủy) vui cười nói: “Năm nào tôi cũng làm lại cái hàng chè tàu để chuẩn bị đón con trong Nam ra. Mấy năm trước có đứa về, có đứa bận quá, hai năm nay cả ba đứa về, có thêm 6 đứa cháu nữa, quây quần vui lắm”. Người Lệ Thủy chuẩn bị chu toàn để đón cả khách khứa con cái. Dường như nhà nào cũng nấu bữa cơm ngon từ cá đồng chiêm trũng kho cay, chuẩn bị rượu nấu từ rơm rạ đồng quê.
Những làng quê dọc hai bờ Kiến Giang, thường ngày vốn yên tĩnh, nhưng đến mùa lễ Độc lập ngõ xóm đông tiếng nói cười. Đêm chong đèn trò chuyện rộn ràng đến khuya, bởi người đi xa gặp lại bạn cũ, người ở nhà đón chào người thân, những món ngon nếp mới đều đưa ra đãi đằng cháu con, khách khứa. Bởi thế mà người Lệ Thủy có câu ca truyền tụng lâu nay: “Dù ai đi Tây, về Đông/ Mồng Hai tháng Chín cũng mong về nhà/ Về nhà xem hội quê ta/ Dưới sông bơi trải, nhà nhà cờ bay...”.
Cao trào ngày vui
Với người Lệ Thủy Tết Độc lập vui hơn Tết Nguyên đán, bởi đó là niềm vui của ngày hội non sông, của ngày hội gấm vóc tề tựu, thoát cảnh lầm than.
Và cao trào cho ngày vui Tết Độc lập, người dân nơi đây không thể bỏ qua hội đua thuyền vào ngày mùng 2-9. Đây là lễ đua thuyền thuyền thống có từ 600 năm trước khi những bậc khai canh nhận được báo mộng tiên chỉ, rằng để vùng đất quanh năm trù mật tốt tươi, cần làm lễ cầu đảo khuấy động thanh rửa sông nước. Khi ấy, người Lệ Thủy đã tổ chức thường niên hội đua thuyền vào lúc mùa xuân kéo về.
Nhưng từ ngày 2-9-1945, lần đầu tiên trong lịch sử, hội đua thuyền được tổ chức mừng Tết Độc lập, từ đó đến nay, năm nào đến ngày Quốc khánh, hội đua thuyền cũng được tổ chức. Ngay cả trong những năm chiến tranh bom đạn ngút trời, chưa một lần Kiến Giang lỗi hẹn với hội bơi mừng Tết Độc lập.
Cụ Võ An Hồng ở An Thủy nói: “Đua thuyền ở Kiến Giang có sức hút kỳ lạ. Tôi đã 75 tuổi, nhiều chục năm được tắm trong không khí bơi đò này mà mỗi lần xem là mỗi lần được phấn khích kỳ lạ, huống chi con trẻ mới lớn, đều lao xuống nước mát mẻ để cổ vũ cho các đội bơi”.
Những chiếc thuyền đua đến từ các xã trong huyện, từng chiếc chầm chèo chắc nịch thớ gỗ được đẽo gọt công phu. Tất cả đều tính bằng thước mộc và đòn thuyền dài ngắn được đóng bằng các bản vẽ “truyền ngôn” từ xa xưa để lại, nghĩa là mẫu hình của đò bơi hội ở Kiến Giang đã được lý tưởng từ hàng trăm năm trước.
Mỗi đội đua có 30 đà công, tay chầm và một tay mõ phía trước. Tay gõ mõ sừng trâu đều phách để hướng sức mạnh của hệ thống chầm chèo về một nhịp. Đội đua là những người từ tuổi 18 đến 35, lứa tuổi tinh hoa của làng quê chiêm trũng. Những nam thanh nữ tú là thợ cày, thợ cấy được chọn bởi nết ăn, nết ở thuận hòa, bởi tính tình cương trực, bởi sức vóc dẻo dai, bởi hồn hậu thô mộc, bởi siêng năng cần cù. Cơm cho đội ăn là cơm trắng, cá kho khô cho gân cốt chắc nịch nhằm trường kỳ được với đường đua lên đến 25km với vòng đua nam và 15km với vòng đua nữ, ngày xuống hội thi, bữa ăn của họ là món cơm rang khô, không chút canh để lấy sức vượt nước.
Cả một tháng trời, dòng Kiến Giang vọng tiếng gõ mõ đưa nhịp luyện chèo. Càng đến gần ngày đua, không khí xóm làng càng vui bội phần, bởi các xã đã bắt đầu cùng nhau đua thử để lấy khí thế và rút kinh nghiệm làm sao cho thuyền đua được nhanh hơn.
Khi bình minh chưa ló rạng, từ các ngả làng, người người ùn về phía dòng sông, chật kín mọi ngả đường. Bến sông không còn một chỗ đứng. Hiếm có con sông nào được chiêm ngưỡng một màu tự hào rộn vui vang trời như dòng Kiến Giang vào ngày 2-9 với đủ thứ khẩu hiệu nhuộm thắm dòng nước trong xanh. Có người còn đặt thơ: “Những trai đua gân guốc lực điền/Vào hội đò đua như vào mùa lúa mới/Những nữ bơi khoát chèo lao thuyền tới/Cứ điệu đàng thắt đáy lưng ong/Tiếng reo hò xao động mấy triền sông/Hội thuyền đua hay vũ điệu dòng sông Kiến?/Người dưới thuyền gồng mình lên xốc tiến/Người trên bờ nón vẫy gẫy vành…”.
Khi hiệu lệnh xuất phát, cả hàng chục vạn người cùng hò reo không ngớt, suốt 25 cây số dọc con sông, tạo ra cảnh tượng ngoạn mục mà có lẽ, khó có tình cảm nào có thể mô tả được xác thực không khí đó. Tất cả đều cổ động, đàn ông, đàn bà, người lớn, trẻ em đều phất cờ phất áo dậy cả vùng sông nước. Dưới sông, hàng trăm con đò nhỏ của người dân từ thượng nguồn kéo về, hạ nguồn bơi đến, tạo ra một không khí hùng vĩ chào mừng đất nước vào mùa Độc lập.