Họ Hồ của người Khùa
Người Khùa và Mày ở 2 xã Dân Hóa, Trọng Hóa, nơi cao nhất của cao nguyên Minh Hóa, lấy tên của Bác Hồ đặt cho họ của mình.
Ông Hồ Khiên ở xã Trọng Hóa nói: “Ngày xưa, thực dân bắt người trong vùng làm đường sắt trên cao, đi kéo cáp làm cáp treo qua Lào để khai thác thuộc địa, dân bản cực khổ không kể xiết, người chết trong rừng nhiều. Khi Việt Minh đến với dân bản, tuyên truyền những điều tốt đẹp về giành độc lập, phải chiến đấu cho nước nhà được tự do, dân bản liền đi theo. Chiến đấu ở đây là giữ đất của anh em trong vùng. Người Mày, Khùa đi theo, làm theo nên cũng góp sức giành độc lập. Những bậc già làng trong vùng nói với con cháu, người có công đưa Việt Nam độc lập là Bác Hồ, vậy thì chúng ta lấy tên Bác làm họ của chúng ta để tri ân con người vĩ đại ấy giữa núi rừng Giăng Màn. Từ đó mà người Mày, người Khùa mang họ Hồ của Bác Hồ là vậy”.
Cụ Hồ Phòm, một người Mày ở xã Dân Hóa, khẳng định, bản làng vui Tết Độc lập bên ché rượu. Các già làng kể chuyện bên bếp lửa. Từ chuyện lập đất lập bản thời xa xưa, rồi chuyện chiến đấu với bao nhiêu cuộc định hình cương vực, lãnh thổ miền biên viễn chưa nguôi thì căng mình chống lại bao cuộc ngoại xâm vô cùng gian khổ.
Bánh chưng ngày độc lập
Hàng vạn hộ gia đình người Nguồn của anh em Khùa và Mày ở các xã Minh Hóa, Hóa Sơn, Tân Hóa, Minh Hóa, Trung Hóa… ăn Tết Độc Lập đến 4 ngày. Bánh chưng của mùa lúa mới cuối tháng 8 được dâng lên trang thờ tổ tiên và áng thờ Bác Hồ.
Ông Đinh Xuân Định, ở thị trấn Quy Đạt, cho biết: “Ngày 2-9-1954, người Nguồn ở tổng Kim Linh gồm: Tân Hóa, Minh Hóa, Trung Hóa, Thượng Hóa và Hóa Sơn… đã tổ chức đón Tết Độc lập rất linh đình. Hàng ngàn người dân đã tập trung đến thôn Bình Minh, xã Trung Hóa dự lễ. Khu vực này diễn ra cuộc tổng duyệt binh của dân quân, du kích. Mấy trăm người tập hợp bắn loạt đạn bằng súng trường rền vang núi rừng. Tiếp đó, những bậc cao niên chọn ra người có uy tín nhất vùng đứng lên trước hàng vạn người đọc lại bản Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát động phong trào thi đua yêu nước. Lễ được tổ chức xong, dòng người kéo về xã Tân Hóa cỗ vũ cho giải đua thuyền, đánh đu, ném xoang, thổi khèn... Vào ban đêm, hàng ngàn người vây quanh đống lửa xem biểu diễn văn nghệ, múa võ, diễn xướng dân ca bản địa. Cũng từ năm đó, người Nguồn bắt đầu đón Tết Độc lập 4 ngày như Tết Nguyên đán. Hồi đó chiến tranh bom đạn tàn phá, gia cảnh ai cũng cực khổ, nhưng đến ngày Quốc khánh, nhà nào cũng tươm tất gói bánh chưng. Bánh chưng biểu tượng của sự trịnh trọng, thương quý để dâng lên ngày Tết Độc lập”.
Với đồng bào Rục, ăn Tết Độc lập mới mấy chục năm nay vì họ rời hang đá chưa đến 60 năm. Trưởng bản Ón (Thượng Hóa), ông Trần Văn Tư, kể: Đã 38 năm người Rục đều tổ chức ăn Tết Độc lập. Nhà nào có điều kiện thì gói bánh chưng, nhà nào không có điều kiện, nghèo khó cũng mua ít thịt làm mâm cơm nóng, nhà nghèo quá thì đi suối kiếm chút cá, măng rừng, ốc núi về nấu lên, đơm ra bát dĩa dâng cúng”. Một tộc người nhỏ bé như người Rục với chỉ 600 khẩu vừa thoát thai khỏi hang đá đã ý thức Tết Độc lập bằng máu thịt như thế đủ thấy niềm tự hào bên trong họ như thế nào. Trần Văn Tư kể thêm: “Ở đây hộ rất nghèo phủ khắp các bản, nên nhà ai có điều kiện gói bánh chưng thì gói nhiều một chút rồi đi tặng những nhà khó khăn để bà con cùng thưởng thức bánh chưng ngày Tết Độc lập, như thế thì cả bản mới vui, đồng bào cùng vui”.
Áng thờ Bác Hồ
Ông Đinh Xuân Định kể: “Năm 1969, khi người dân đang vui Tết Độc lập thì hay tin Bác Hồ mất. Để tỏ lòng tiếc thương, mọi làng quê, hợp tác xã, thôn xóm của người Nguồn đều lập áng thờ, toàn bộ người Nguồn đồng loạt để tang Bác Hồ trong 10 ngày đêm và thường xuyên khói hương. Từ đó mỗi dịp Quốc khánh 2-9, người Nguồn bày thêm mâm cơm giỗ Bác Hồ cạnh mâm cỗ mừng Tết Độc lập. Trên mâm cơm đó có đầy đủ bánh chưng, bánh rò, thịt lợn, hoa quả... Hồi thời bao cấp, nhà nào không đủ điều kiện, hợp tác xã sẽ cho mượn nếp gói bánh, sau đó làm ăn trả dần trong năm. Cũng thời gian đó, có nơi còn làm cả con trâu, vài con lợn cho dân về viếng lễ. Ngày nay nhiều gia đình người Nguồn cứ đến Tết Độc lập lại tìm mua ảnh Bác Hồ thật mới về thờ. Từ sau khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời, không ít nhà thỉnh hình Đại tướng về thờ chung”.
Theo Bí thư Huyện ủy Minh Hóa Đoàn Ngọc Lâm, trong ngày Tết Độc lập, nhà nhà nấu bánh chưng, nếu không có bánh chưng thì không phải là tết. Đây được coi là nét đặc trưng trong ngày Tết Độc lập của người dân nơi đây. Những cặp bánh chưng thơm dẻo được nấu từ thứ gạo nếp ngon nhất, cùng với nhiều món ăn ngon khác được được bày ra dĩa để thắp hương tổ tiên, Bác Hồ. Sau đó, các thành viên trong gia đình, bạn bè, làng xóm cùng nâng cốc chúc sức khỏe, thành công và mừng ngày Quốc khánh… Sau Tết Độc lập, khi trở lại nơi ở và công tác, mỗi người con xa quê đều ghi dấu kỷ niệm về ngày Tết Độc lập, nét đẹp văn hóa của quê hương, để rồi nhắc nhớ nhau, Tết Độc lập năm sau lại tìm về. Người ở lại thì cùng nhau phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp cho Tết Độc lập năm sau tổ chức lớn hơn, vui hơn. |