Tết còn một khóm vạn thọ

Khi cây mai ngoài hiên trổ lá, hoa rụng lả tả đầy gốc, 3 ngày tết cũng trôi qua vội vàng. Mai, đào như biểu tượng hoa tết cho hai miền Bắc-Nam, nhưng xuân phương Nam dễ nhận biết và đi đâu cũng gặp là khóm vạn thọ sắc vàng, sắc cam.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc
Bông vạn thọ quen thuộc khắp nẻo mùa xuân phương Nam. Ảnh: ĐỖ TÌNH
Bông vạn thọ quen thuộc khắp nẻo mùa xuân phương Nam. Ảnh: ĐỖ TÌNH

Cây mai xong nhiệm vụ 3 ngày tết, thì chỉ còn cành lá xanh um. Vạn thọ lại khác, loại bông trưng bình nhỏ cũng vừa, mà độc bình lớn trên bàn thờ gia tiên thì cũng có ngay loại vạn thọ thân cao. “Tháng Giêng là tháng ăn chơi” đâu chỉ có 3 ngày tết, còn “mùng 7 vía Trời, mùng 8 sao hội”… Cúng lễ, cúng vía đầu năm người ta cũng mua cây vạn thọ vừa đẹp vừa nhanh, không cần phải bày trí trưng bông cầu kỳ.

Kéo dài đến hết rằm tháng Giêng, vạn thọ vẫn có mặt khắp nẻo đường xuân Nam bộ. Để trang trí, làm tiểu cảnh chụp hình thì người ta gói ghém vạn thọ trong chậu, quấn giấy hồng đơn bên ngoài. Tự nhiên vậy thôi mà cũng đủ nổi bật, giấy hồng đơn màu đỏ như lẽ tự nhiên để tôn cái bông vàng thêm nhuận sắc. Còn bông vạn thọ chưng cúng thì làm sạch gốc, tùy vào kích cỡ độc bình mà ướm cắt cho vừa vặn, kiểu nào vạn thọ cũng “biến hóa” nhanh lẹ.

Với nhiều người, khoảng thời gian vui nhất có lẽ là những ngày giáp tết, trong cái se lạnh của tiết trời cuối năm, cơn gió phảng phất đem mùi vạn thọ từ vườn vào nhà… Dễ làm người ta nôn nao tới 3 ngày xuân. Vạn thọ là giống cây ngắn ngày, gần tới tết thì nhà vườn mới bắt đầu trồng, trồng nhanh và thu hoạch cũng lẹ, không mất năm dài tháng rộng vừa chăm cây vừa uốn cành tạo dáng như mai.

Nhiều người thích vạn thọ bởi cái tên nghe vừa hiền lành vừa may mắn, lời chúc “vạn thọ” trong ngày đầu năm mới gửi tới ông bà nội, ngoại trong nhà thì ý nghĩa biết chừng nào. Cũng có người thích vạn thọ bởi cái bông bao đời nay mộc mạc một kiểu quê nhà, cánh hoa mỏng xếp khít vào nhau; không cầu kỳ nhưng hương sắc thì có lẽ nhiều loại hoa lạ, hoa nhập khẩu đôi khi còn chưa sánh kịp. Vạn thọ thơm, thơm cả bông lẫn lá, lá non hay già vò vò trong tay một lúc thì cũng khử hết mùi cá, tôm lúc nấu nướng.

Và khi sắc mai vàng ánh lả tả cuốn theo từng đợt gió xuân, thì bông vạn thọ tròn, cánh xếp thật khít nên cứng cáp mà nhởn nhơ trước gió. Nhà chịu khó chăm một chút, có chậu vạn thọ ngoài hiên vẫn tươi màu qua hết tháng Giêng cũng không chừng. Má tôi hay kể, mai thì khó mà canh chừng, có năm chưa tết đã trụi bông, có năm tới rằm tháng Giêng mới chịu nở, nhưng vạn thọ thì tươi sắc kịp tết mà muốn kéo dài cũng được. Chậu vạn thọ ngoài hiên vẫn được má chăm tưới mỗi ngày, bởi năm đó anh Hai tôi đi học xa nhà không về kịp tết, má biểu sắp nhỏ trông chừng đám vạn thọ ngoài hiên rồi căn dặn: “Tết nhứt thằng Hai về trễ, ngoài hiên cũng còn chậu bông vàng vàng, để nó về còn thấy không khí tết quê nhà”.

Không chỉ má tôi, với nhiều gia đình cũng thế, một trong những định nghĩa về tết là phải có vài chậu bông vàng vàng, đỏ đỏ ngoài hiên nhà. Năm tháng dài rộng, sẽ có những mùa xuân với đủ lý do để người trẻ xa nhà, tết là trở về hay sum vầy, nó còn phụ thuộc vào nhiều điều kiện để phù hợp với mỗi người, mỗi cảnh… Nhưng sâu thẳm của mùa xuân phương Nam, tết vẫn còn khi khóm vạn thọ vẫn đong đưa ngoài hiên để chờ đợi ai đó còn xa quê.

Tin cùng chuyên mục