Tết còn là gì khi chẳng còn trẻ thơ

Mẹ có bảo: “Tết nhất đến nơi, con bận gì thì bận nhưng cũng ráng về vài ba bữa, tết không có mấy đứa bây thì mẹ cũng không muốn bày vẽ gì cho mệt người”.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc

Nay 29 tết, đã đến cái thời điểm bận rộn nhất của những ngày cuối năm, khi nhà nhà đổ xô ra đường, người bận sắm sửa, người đã du xuân để không phải tiếc rẻ mùa tết ít ỏi chỉ vỏn vẹn trong ba ngày. Tôi lọt thỏm trong chuyến xe Hai Trâm về quê, mệt và lấm tấm mồ hôi bởi tay chẳng thể rảnh rang nổi với chiếc vali cao đến ngang bụng và cặp ba lô tôi đã cố nhét đủ thứ quà bánh mang về cho em tôi. Tết năm nay mẹ tôi vẫn gọi, như tiếng chuông báo kéo tôi ra khỏi đống bộn bề trên đất đô thị, để kịp nhớ về mảnh đất tôi lớn lên, nơi tôi gọi là nhà và nơi duy nhất tôi trở về sau những chuyến đi xa, để tôi phải thảng thốt: "Ô, đã tết rồi kia à"

Đã mấy năm tôi không còn mong chờ tết? Tôi không nhớ rõ, chỉ biết rằng đã rất lâu tôi chẳng còn đi chợ tết với mẹ, thăm thầy cô dịp đầu năm cùng bè bạn hay tìm mọi cách làm người mình tỉnh để ngắm nhìn làn pháo hoa nở sắc trên tầng thượng nhà. Có lẽ bởi vì tết không còn là nguyên do duy nhất để tôi dành hàng giờ đi mua đồ với mẹ, khi một cú nhấp chuột nhanh gọn cũng đã dễ dàng giải quyết những vấn đề chi tiêu, tết cũng không còn là dịp để bạn bè tề tựa với nhau khi mỗi đứa một ngả và chẳng biết khi nào có thể gặp lại trên con đường đời rộng thênh thang này. Tôi cũng không còn giữ được sự háo hức của một đêm 30 tết, khi con số 12 không còn là số giờ duy nhất tôi được phép thức khuya để ngắm nhìn khoảnh khắc chuyển giao của năm cũ sang năm mới.

Tết, đối với tôi, nhạt dần.

Tôi thường trách do tết đổi thay, do sự thay đổi của thời thế đã cuốn đi mất mùa tết quen thuộc của tôi, khi cả nhà quây quần bên một bếp lửa đúng nghĩa để canh nồi bánh chưng, sự háo hức của chị em tôi khi cùng mẹ sắm đồ tết và niềm vui của việc nhận lì xì lấy lộc đầu năm, dù chỉ vài chục thậm chí vài đồng, nhưng cũng đủ để đám trẻ trong nhà phấn khích cả một ngày dài.

Nhưng có lẽ, tết vẫn thế, chỉ là tôi đổi thay.

Ngồi trên chuyến xe chở tôi về, trên ngã đường đô thị ngập toàn hoa, tôi thấy tôi, cô bé của những năm về trước, loay hoay ngồi sau yên xe mẹ cố để chậu cúc vạn thọ mới mua ngay ngắn trong lòng mình, tôi cũng thấy tôi trong những sạp đồ, mân mê chiếc váy công chúa mẹ mới mua với đôi mắt sáng ngời của một con nhóc đã nghĩ tới viễn cảnh được diện bộ cánh mới vào sáng mồng một tết.

Người người vẫn tấp nập trên ngả đường về quê, trên các sạp bán hoa, bán đồ, trên cả vỉa hè hình ảnh gia đình cùng dắt tay nhau dạo xuân mùa Tết. Tôi không quen họ, thậm chí có lẽ cả đời cũng sẽ chỉ lướt qua nhau một lần trong khoảnh khắc chiếc xe buýt sáu bánh cố nhích thân mình từng chút trên ngả đường chật kín xe. Nhưng đâu đó ở những người cha đau đáu chọn hoa, người mẹ tất bật với đủ thứ quà cần mua, người con lẽo đẽo theo chân cha mẹ, tôi thấy tôi và cả gia đình tôi trong từng người, từng ngả đường và trong cả những hẻm phố lướt qua cách vội vàng.

Hóa ra, tết không bắt đầu bởi cái nắng mồng một, thấm đậm trong sáng mồng hai và nhẹ nhàng cuối buổi mồng ba. Tết đã bắt đầu khi những người con xa nhà gói gọn hành lí trở về nơi quê cha đất mẹ, quay về nơi gọi là nhà, khi cha bắt chiếc thang cao lêu khêu lặt mai hết cả một buổi chiều, khi mẹ mua củ kiệu về muối cho đậm đà ngày tết và trên ngã đường thân quen, đâu đó lại có hình ảnh của những chậu cúc, chậu mai, chậu đào… tưới mình dưới ánh nắng tươi mới của những ngày gần tết, là “cái nắng xuân kỳ lạ, không gay gắt đỏ, không nhàn nhạt như nắng chiều hè mà vàng thắm thiết như màu bông sao nhái” (Nguyễn Ngọc Tư) luôn khắc khoải trong tôi miên man về một miền ký ức của những màu tết cứ chất chồng lên nhau sau mỗi dịp xuân về. Tết đã ngấm khi nắng tháng Chạp bắt đầu buông dài trên từng nẻo đường, tụi nhỏ đòi kẹo tết khi thấp thoáng bóng mẹ sau phiên chợ chiều, là làn áo dài e ấp nét đẹp cổ truyền của nàng thơ Việt, cứ bay hoài trong gió, bay cả vào lòng tôi sự đẹp của một tết tôi lãng quên.

Hóa ra, tết vẫn đẹp, chỉ là tôi đã lớn, đã không còn vô tư để ngắm nhìn thấy những vẻ đẹp nhỏ nhoi xung quanh mình. Phải chăng chính cuộc sống bộn bề với những mối quan hệ, nỗi lo chuyện tiền bạc, gia đình và bạn bè đã tước đoạt khỏi tôi quyền được thấy những điều trẻ thơ? Tôi bỗng nhớ những niềm vui nhỏ bé từng làm tôi phát điên vì hạnh phúc, làm thế nào để tôi lấy lại nụ cười không câu nệ của con nhóc năm đó được mang chiếc áo dài đỏ mặc tết lần đầu tiên trong cuộc đời, tiếng cười khúc khích tôi dành cho cha khi cha cõng tôi chạy vòng trước hiên nhà thơm mùi nhang mẹ đốt?

Chuyến xe Hai Trâm vẫn lăn bánh trên nẻo đường về, còn lòng tôi thì lặng đi, còn vương vấn mùi nén nhang thơm đầu năm hay nhớ hoài một mùa tết cũ? Có lẽ, tết vẫn còn sống trong tôi, tràn lan từ những mảnh kí ức rụng rời, đính trên đầu mũi và hòa trong ánh mắt, hóa thành cả lời chúc tốt đẹp gởi trao từ người này đến người kia, dù thân quen hay xa lạ. Chỉ là tôi đã quên đi mất tết không chỉ là một mùa lễ, một nét đặc trưng, một vẻ cổ truyền mà tôi từng ngỡ chỉ còn tồn tại trong dáng vẻ gắng gượng của những gia đình không còn vị tết.

Tết, còn hơn cả những khuôn mẫu tầm thường, đó là mùa của mùi hoa cha trưng trước hiên nhà, khi cành mai vàng nở rộ kịp xuân, là cái ôm từ mẹ và bữa cơm gia đình đủ đầy đã lâu tôi chẳng thể nếm trọn.

Năm nay tôi về, không còn tiếc thương cho những ngày tết đã phai trong lòng mà để một lần tạo nên tết cho riêng tôi, tạo nên một tết có mẹ và tôi cùng ngồi gói bánh, có tôi trong chuyến đi chơi với những người bạn cũ và một tôi sẽ đắm chìm trong làn pháo bông quê nhà.

Tết năm nay tôi về, khởi đầu bằng tiếng mẹ tôi vang từ trong nhà ra tới cổng: "Về rồi à con".

NGUYỄN TRỌNG THIÊN Ý

Tổ 5, ấp Phú Thọ, xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc, Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Tin cùng chuyên mục