Tôi cũng vừa dự Tết Quý Mão với Tổng hội người Việt tại Bỉ, mới vui tiệc tết cùng Hội phụ nữ Việt ở Ghent, lại nhận thông báo 11-2 này tiếp tục ăn tết với sinh viên Việt xa nhà ở Bỉ.
Ngay sau đợt nghỉ năm mới, sinh viên ở Bỉ, Pháp và nhiều nước tại châu Âu thường phải bước vào thi học kỳ căng thẳng. “Thi xong mới yên tâm ăn tết!”. Chắc chắn cha mẹ, người thân ở nhà cũng ấm lòng khi biết con em mình du học phương trời xa luôn ý thức đặt việc học lên trước. Bởi vậy, qua rằm tháng Giêng mới là lúc “Tết tết tết tết đến thật rồi” với du học sinh. Hội Sinh viên Việt Nam tại Bỉ sẽ tổ chức sự kiện “Tết Quý Mão SIVIBI x VinaKUL 2023” vào thứ bảy 11-2 tại hội trường lớn, ký túc xá Holleberg, Schapenstraat 37, TP Leuven. Không chỉ dành cho sinh viên, các gia đình người Việt ở Bỉ, bạn bè yêu Việt Nam và thích ăn tết cũng được mời tham gia để tạo nên không khí sum họp ấm áp, lan tỏa văn hóa Việt ở nước ngoài. Vừa nhận tin này của tôi, chị Toh Lai Moon, một người bạn Singapore yêu Việt Nam, hỏi luôn: “Có thể đăng ký cho cả gia đình tôi được không? Không thể bỏ qua cơ hội được ăn món ngon Việt, xem không khí người Việt vui tết ngay tại Bỉ như thế này”. Sau đó, chị lại nhắn hỏi “một gia đình gốc Á khác cũng muốn chung vui có được không? Không biết sinh viên có lo nổi tiệc to cho cả những gia đình gốc Á khác đến vui tết?”. Tuấn Nghĩa, đại diện Hội Sinh viên Việt Nam tại Bỉ, vui vẻ nhắn: “Hội trường thoải mái chứa tới 200 người cơ ạ, xin mời các cô chú anh chị đăng ký tiếp”. Đây cũng là dịp để sinh viên rèn luyện khả năng tổ chức sự kiện, từ thuê hội trường tới liên hệ hỗ trợ nấu món ăn từ các nhà hàng Việt hoặc gia đình gốc Việt ở Bỉ. Những kinh nghiệm này sẽ là điểm cộng cho du học sinh Việt khi muốn tìm việc làm thêm hoặc xin việc chính thức.
Cứ tưởng “tháng Giêng là tháng ăn chơi” chỉ đúng ở quê mình, hóa ra bên này cũng thế. Ngay cả trong trường học, Carnaval cũng là một truyền thống. Thầy cô, học trò thoải mái mặc đồ ngủ ra đường. Những đứa trẻ mơ trở thành bác sĩ, lính cứu hỏa, ca sĩ, muốn hóa thân công chúa, hoàng tử, hiệp sĩ, ong, bướm... đều được. Người mê lễ hội Carnaval ở Bỉ đã rủ nhau đặt phòng khách sạn tại Aalst để năm nay mãn nhãn một lễ hội sống động và châm biếm đã hơn 600 năm tuổi được UNESCO công nhận về giá trị phi vật thể. Lễ hội Carnaval tại Aalst kéo dài 3 ngày trước mùa chay (thường đến vào mùa xuân - mùa của vạn vật sinh sôi nảy nở) diễn ra từ 19 đến 21-2, sẽ đông vui hơn bởi sau đại dịch Covid-19, người ta thực sự có tâm trạng thoải mái để dự hội ngoài trời.
Vậy đấy, không khí xuân vẫn ngập tràn. Người Bỉ bắt đầu có tâm trạng thoải mái tổ chức và dự lễ hội Carnaval; người Việt ở Bỉ cũng vui vẻ tận hưởng tết cổ truyền theo nhiều cách phù hợp, ấm áp