Tết bên ông

Năm ấy, tết đến sát rạt mà mình vẫn cứ lo lo. Nhà cửa thì ổn hết rồi, sắm sanh cũng tàm tạm. Duy chỉ còn một nỗi băn khoăn là ông cụ cùng xóm.

Cái ngõ sâu và nhiều ngách mà mình ở hồi đó lại hiện lên rộn rã trong ký ức. Cũng hơn hai chục năm rồi và ông thì đã không còn nhưng mình luôn nhớ về ngày ấy, về cái tết khó quên năm ấy.

Ông ở một mình trong căn phòng nhỏ, hằng ngày tự giác làm những công việc vác tù và hàng tổng. Ông đi phát tuyên truyền về vệ sinh phòng dịch, về kế hoạch hóa gia đình, lại còn chăm quét dọn ngõ chung. Ông làm tự nguyện giúp đỡ mấy anh chị tổ dân phố với nụ cười tươi và nếp nhăn hằn trên khóe mắt.

Hỏi ông ăn sáng chưa, ông lắc đầu rồi tự nhiên nhắc mình "sắp đến tết rồi đấy, anh đã chuẩn bị đến đâu rồi". Mình chỉ trả lời là tạm ổn, mời ông đi ăn sáng. Ông cứ cảm ơn mãi dù chỉ là bữa phở bình thường.

Tết cứ thế mà đến rất gần. Hai tám tết rồi. Tiếng ai vang vang ngoài kia? Là ông. Trời đã sáng từ lâu, cũng là lúc ông đi các nhà xung quanh để nhắc mọi người đề phòng mất trộm. Ừ thì tháng củ mật, hở ra là mất, nhưng cũng không đến nỗi phải đi từng nhà để nhắc nhở trong cái rét thấu xương, lâm thâm mưa phùn như vậy. Nhưng ông mà, tính ông ai cũng biết từ lâu. Nhờ có sự cảnh giác của ông mà xóm này tránh được mấy vụ trộm, làm mọi người có tinh thần cảnh giác hơn.

Ông quay đi thật nhanh sau mấy câu nhắc nhở. Mình vội chạy theo níu tay ông lại mời vào nhà uống nước. Nắm bàn tay ông mà thấy gờn gợn cảm xúc không tên. Tay ông lạnh quá. Nhìn ông thì vẫn cái áo bộ đội mỏng tang thường thấy và mũ cối đội đầu. Mình hỏi sao ông không mặc áo khoác vào cho ấm, ông đáp nhanh gọn "tôi quen rồi anh ạ, lăn lộn bao năm rồi, lạnh thế này có thấm gì. Với cả áo bông dày đắt tiền lắm". Mình chạy vào nhà, lần tìm chiếc áo khoác cũ đưa ông mặc tạm, ông chối mãi rồi ngần ngừ đón lấy với bàn tay run run khi mình cố ép.

Trời mưa xuân lất phất, không quá to nhưng vẫn đủ ướt áo quần. Tự nhiên mình muốn ngó xem nhà ông thế nào nên lấy cớ cầm ô che cho ông đỡ ướt. Nhà ông nằm sâu tít tận cuối ngách, nhà cấp bốn bé xíu, phía trước một khoảnh đất trồng mấy luống rau. Nhà bé nhưng sạch, chắc ngày nào ông cũng dọn dẹp. Nhìn quanh nhà chỉ có chiếc tivi đời cũ là đáng giá. Bằng khen, giấy khen treo kín tường, nhưng cuốn lịch cũng chẳng có. Ông ở một mình. Bà mất lâu rồi, con gái thì ở với nhà chồng tận trong Nam. Nghe nói cô có mời ông về ở cùng nhưng ông ngần ngừ chưa đi vì "quen sống ở đây rồi".

Cũng định sẽ vào đó với con nhưng mỗi lần đi quanh xóm này, trò chuyện với những khuôn mặt thân quen, được đóng góp chút gì đó cho tổ dân phố là ông lại thấy vui trong lòng. Ông còn bảo tiền con gái gửi cho ông cũng chẳng tiêu, để dành cho cháu ngoại, rồi tự nhận có "bệnh tiết kiệm" của người già. Nhìn ông cười mà mình ứa nước mắt trong lòng.

Tết của ông chỉ lủi thủi một mình, tìm kiếm niềm vui bằng những câu chuyện với xóm giềng mà thôi. Ông tự làm đồ cúng, rồi tự dọn xuống ăn.

Ông lại đi khắp ngõ hẻm, đến từng nhà để nhắc nhở ngày tết cẩn thận nhà cửa. Đến nhà ai ông cũng chúc mừng năm mới mạnh khỏe và thành công. Mặt ông cười rạng rỡ khác hẳn với lúc buồn thui thủi ở nhà. Tạm biệt ông, mình cứ mãi trằn trọc hình ảnh ấy. Một ông lão ăn tết một mình. Một ông lão chỉ mặc độc chiếc áo giữa trời rét căm căm. Một ông lão đến chúc Tết người khác chỉ để đỡ cô đơn.

Năm ấy, nhà mình có thêm một người ăn tết cùng. Một cái tết đoàn viên của ông trước khi xa nơi thân thuộc.

ĐINH THÀNH TRUNG

Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội

Tin cùng chuyên mục