Tuy nhiên là người con sinh ra ở thế kỉ hai mươi mốt, tôi không thể tự cảm nhận để có thể hiểu hết được cái không khí “xưa” mà mọi người thường hay hoài niệm đó. Tôi từng nghĩ chúng khác nhau vì thời đại, điều này đúng nhưng chưa đủ. Cá nhân tôi cho rằng “tết xưa - tết nay” được định nghĩa theo hướng “tết của trẻ con - tết của người trưởng thành”.
Chẳng đứa trẻ nào mà không thích tết, tết vừa được nghỉ học, vừa được ăn ngon, mặc quần áo đẹp lại còn được rất nhiều lì xì. Ngược lại, mỗi dịp tết đến xuân về, người lớn trong nhà lại phải loay hoay với không biết bao nhiêu là việc, từ dọn dẹp đến sắm sửa, và vì tết năm nào cũng có nên sống càng nhiều năm trên đời người ta lại cảm thấy tết càng vô vị và nhàm chán.
Tết không còn như xưa là bởi vì chúng ta không còn là những đứa trẻ vô ưu vô lo của ngày xưa nữa. Ngày nhỏ tôi thích phụ cha dọn nhà đón tết nhưng càng lớn lại càng ghét việc này, đó là vì lúc nhỏ thì chẳng làm được việc gì tử tế, thích bày ra nghịch nước cho vui rồi cha cũng sẽ dọn dẹp lại giúp, còn bây giờ phải tự chịu trách nhiệm cho việc mình làm, đâu thể làm bừa làm qua loa, thích thì làm không thích thì bỏ như ngày trước được. Ngày nhỏ nhất định phải sắm được bộ váy thật đẹp và lộng lẫy mới cảm thấy vui, nhưng hiện tại một bộ quần áo đơn giản, phù hợp và thoải mái là ưu tiên hàng đầu, vì đâu còn được ngồi một chỗ ăn bánh, nhận lì xì như trước nữa. Cả năm làm lụng đến tết để quà cáp biếu trên tặng dưới, lì xì cho xấp nhỏ hết một lượt đột nhiên cảm thấy “tết chỉ mệt và tốn kém!”.
Nhưng nếu nói vậy thì tại sao vẫn có những đứa trẻ bật khóc vì tủi thân trong đêm giao thừa hay những người lớn cả năm chỉ mong đến tết để được đón con cái họ trở về? Đôi khi chúng ta quên mất rằng giá trị của ngày tết không nằm ở thời đại, thời gian, không gian mà tết luôn mang giá trị vô hình là đoàn viên, còn được trở về nhà ăn tết cùng gia đình là còn hạnh phúc.
Có thể cuộc sống ở thời đại này đầy đủ hơn thời đại trước, một năm không cần đợi đến tết mới có được quần áo mới, và vì bận rộn lo cho cuộc sống nên chúng ta quên mất một vài nét truyền thống như tự tay gói bánh cho ngày tết hay tự tay trang trí nhà cửa... Nhưng tôi tin, chỉ cần thấy những cành mai vàng nở rộ, nghe những điệu nhạc xuân du dương cất lên thì chúng ta chỉ muốn lập tức quay trở về nhà, nơi có những người yêu thương đang mong chúng ta trở về. Dù là ngày xưa hay ngày nay, về nhà ăn tết là một điều chưa từng bị ai lãng quên.
Thuở bé tôi từng ao ước được đón tết ở thành phố tấp nập, được hòa mình vào những sự kiện năm mới hoành tráng mà chỉ ở thành phố mới được tổ chức. Hay những suy nghĩ sẽ dành khoảng thời gian nghỉ tết thật dài để du lịch nghỉ dưỡng. Lớn lên rồi, cả năm sống trong sự xô bồ tấp nập của cuộc sống thành phố, lại chỉ mong đến ngày được trở về nơi bình yên lúc nhỏ, đón một cái tết thật đơn giản và ấm áp.
Nhưng còn vì hoàn cảnh khó khăn, vì mưu sinh nên không phải người con xa xứ nào cũng có thể may mắn được về nhà đón tết như tôi, hoặc cũng có người vì không còn gia đình để trở về nữa. Dù là người lớn hay trẻ nhỏ, ngày tết không có nơi để về, không có ông bà, cha mẹ, anh chị em để thăm nom thì tết cũng chỉ là một ngày trong năm và bản thân cũng chỉ như một đứa trẻ bơ vơ. Vì vậy dù bạn đang sống cùng gia đình hay sống xa gia đình, mong rằng bạn cũng sẽ nhận ra được ý nghĩa quan trọng nhất của ngày tết để trân trọng khoảnh khắc sum vầy của mâm cơm đầu năm thay vì luôn tỏ ra nhàm chán hay cảm thấy tết đến thật phiền phức.
Tết vẫn nguyên vẹn như vậy, chỉ có chúng ta là thay đổi, nhưng “tết xưa” của chính chúng ta sẽ mãi tồn tại nếu chúng ta đón nhận theo cách nhìn đơn sơ nhất, một mâm cơm, một mẩu chuyện, một chén trà, một nhà hạnh phúc! Cầu chúc cho mọi nhà, mọi người có một mùa Xuân Nhâm Thìn 2024 ngập tràn ấm no, an lành và một năm mới với nhiều điều tốt đẹp đang chờ phía trước.
NGUYỄN THỊ HỒNG PHƯỢNG
Quận Gò Vấp, TP.HCM