Năm nay, mặc dù kinh tế đất nước có phục hồi khá tốt sau đại dịch Covid-19 nhưng do nhiều biến cố tác động, trong đó có đơn hàng sản xuất bị cắt giảm và đầu ra của không ít hàng hóa gặp khó khăn khiến một bộ phận người lao động rơi vào hoàn cảnh mất việc, giãn việc, giảm thu nhập… Ngay tại TPHCM có hàng chục ngàn công nhân phải nghỉ việc, giảm giờ làm, có hàng ngàn người bị chấm dứt hợp đồng lao động. Nhiều người đã về quê sớm, có một bộ phận ở lại không về, sức mua cũng có chừng mức tại các siêu thị và chợ truyền thống.
Để tất cả mọi gia đình đều có tết, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể cùng các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, các tầng lớp nhân dân đã đẩy mạnh các hoạt động chăm lo tết một cách thiết thực cho các đối tượng chính sách, có công, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, công nhân, lao động thiếu việc làm, trẻ em mồ côi do đại dịch Covid-19…
Trong đó, TPHCM chi hơn 927 tỷ đồng, tăng 10% so với năm trước để chăm lo cho hơn 313.000 người có công và tất cả hộ nghèo, diện bảo trợ xã hội. Liên đoàn Lao động TPHCM đã huy động kinh phí hơn 140 tỷ đồng chăm lo 260.000 người cùng hàng chục chương trình: Tết sum vầy, Tấm vé nghĩa tình, Phiên chợ nghĩa tình… Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM cũng đã chi gần 50 tỷ đồng cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn, chiến sĩ làm nhiệm vụ nơi biên giới, hải đảo, vùng căn cứ kháng chiến… Đồng thời, Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM lo 60.000 phần quà tặng đồng bào dân tộc thiểu số, trẻ em mồ côi do dịch Covid-19… Đoàn Thanh niên TPHCM có nhiều hoạt động, trong đó có chương trình cho người lao động ở lại, có chuyến xe đưa lao động về thăm quê, có chương trình Tổ ấm ngày xuân cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và tri ân các gia đình là cơ sở, căn cứ của Thành đoàn TP thời kháng chiến…
Các quận, huyện và TP Thủ Đức cũng tổ chức nhiều hoạt động chăm lo thiết thực cho các đối tượng, có cả việc huy động cán bộ, công chức, viên chức gói bánh tét, bánh chưng, kho thịt tặng các gia đình, có cả việc đến các gia đình neo đơn giúp làm sạch đẹp nhà cửa… Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, văn nghệ sĩ và nhiều cá nhân cũng có chương trình, danh sách thăm viếng, tặng quà tình nghĩa, tình thương…
Cùng các hoạt động văn hóa, lễ hội cấp thành phố và cấp quận tổ chức, các cơ quan, đơn vị, khu phố, cộng đồng dân cư đã triển khai nhiều hoạt động phong phú với các chương trình văn nghệ, thiết kế góc xuân với cành mai, cành đào, cùng nấu bữa cơm chung vui ngày tết… làm cho cái tết thêm rộn ràng, đầm ấm.
Người dân cảm nhận rõ rằng qua dịch Covid-19 mọi người như gần nhau hơn, san sẻ, giúp đỡ nhau nhiều hơn. Chính vì vậy mà tết này, dù còn nhiều khó khăn nhưng hầu như ai cũng có tết. Tất cả như có chung sự quan tâm và có nhiều hoạt động tích cực để không ai bị bỏ lại phía sau.
Hôm nay, hầu như trên các tuyến đường, tuyến phố đều được trang hoàng cờ hoa. Mọi nhà đều có sự chung tay góp phần cho thành phố khang trang, sạch đẹp, tươi mới để đón chào năm mới. Các lực lượng đang làm nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự, phục vụ nhân dân tại thành phố hay đang làm nhiệm vụ thiêng liêng canh giữ đất trời nơi biên cương, hải đảo… tất cả sự hy sinh thầm lặng vì sự an vui, sum vầy, hạnh phúc của người dân làm chúng ta thêm tin yêu, mến phục.
Người dân TPHCM nói riêng, người dân đất Việt nói chung đang cùng hân hoan đón chào năm mới - Xuân Quý Mão. Đất nước yên bình, sắc xuân và tình người ngày tết tô đậm thêm những giá trị văn hóa, nét đẹp của người Việt Nam, người Sài Gòn - TPHCM.