Làng đúc đồng chỉ còn trong ký ức
Một ngày cuối tuần, chúng tôi tìm về vùng đất Cù Lao Phố thuộc phường Hiệp Hòa, TP Biên Hòa, từng là một thương cảng nổi tiếng của Nam bộ cách đây gần 300 năm và cũng là nơi phát triển nhiều ngành nghề truyền thống như dệt chiếu, trồng dâu nuôi tằm, nghề gốm, đúc đồng.
Theo hướng dẫn của người dân, chúng tôi tìm nhà bà Bảy Cúc. Từng là lò đúc đồng nổi tiếng nhất vùng, trước mắt chúng tôi, giờ chỉ là khu vườn rộng hơn ngàn mét vuông với cây cối xum xuê, không còn dấu tích của lò đúc đồng nổi tiếng trước đây.
Anh Nguyễn Văn Hải (54 tuổi), con thứ 7 của bà Bảy Cúc cho biết, mẹ ông năm nay đã 84 tuổi hiện đang nằm viện. Ba anh Hải là ông Bảy Banh. Năm 20 tuổi, sau khi đi quân dịch tại Bình Dương, ông Bảy về quê Hiệp Hòa lấy vợ và lập nghiệp tại đây. Ban đầu, ông Bảy chỉ nặn những bức tượng gốm đi bán. Tích góp được một ít vốn, ông mở lò đúc đồng và nhờ chịu khó làm lụng mà cơ sở đúc đồng của ông Bảy phát triển nhanh với 70 thợ. Tuy nhiên, sau đó ông Bảy lâm bệnh nặng, toàn bộ tài sản trong nhà phải bán đi để chữa bệnh, lò đúc đồng cũng ngừng hoạt động. Những dụng cụ để đúc đồng được nhiều người từ quận 6, TPHCM xuống mua hết.
Theo các ghi chép về Đồng Nai, nghề đúc đồng xuất hiện ở Cù Lao Phố vào khoảng đầu thế kỷ 19, ở làng Nhị Hòa với 5 nghệ nhân là Bảy Trang, Năm Thường, Ba Minh, Hai Khoát và Uy Trung mở 5 cơ sở đúc đồng để sản xuất ra nồi đồng, ấm đồng, chuông, chiêng, lục lạc...
Đến năm 1860, tại đây đã có 13 cơ sở sản xuất, năm 1900 có 21 cơ sở và năm 1924 có 24 cơ sở. Đặc biệt, dựa vào nghề truyền thống của địa phương, năm 1903, nhà cầm quyền Pháp mở Trường Bá nghệ Biên Hòa và đúc đồng là một trong những nghề được mở lớp đào tạo đầu tiên.
Hàng năm, trường đã đào tạo hàng chục thợ đúc đồng lành nghề có khả năng tạo ra những sản phẩm có tính mỹ thuật cao như chuông, chiêng, đỉnh hương, giá nến... tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Thế nhưng, hiện nay các cơ sở đúc đồng ở Hiệp Hòa chỉ còn trong hoài niệm của người dân nơi đây.
Đìu hiu làng đá 300 năm
Rời Cù Lao Phố, chúng tôi tìm về làng nghề điêu khắc đá mỹ nghệ ở Bửu Long (phường Bửu Long, TP Biên Hòa) có tuổi đời gần 300 năm. Anh Trần Duy Phong, chủ Cơ sở Đá mỹ nghệ Phúc Gia Trang, bày tỏ: “Nghề đá mỹ nghệ Bửu Long vốn dĩ đã bấp bênh, năm nay thêm dịch Covid-19 khiến chúng tôi lại càng thêm khó khăn. Những năm trước, ra tết khách đến đặt hàng khá đông, nhưng năm nay thi thoảng mới có người đến hỏi mua”.
Anh Phong kể, nghề đá mỹ nghệ Bửu Long được hình thành từ thế kỷ 17, khi những người đến cư ngụ tại vùng đất Biên Hòa. Trong số này có 8 gia đình thuộc các họ Đặng, Lưu, Phạm về làng Tân Lại mở hầm khai thác và hình thành nên làng nghề điêu khắc đá truyền thống duy nhất tại Đồng Nai tồn tại cho đến ngày nay. Theo thời gian, các nghệ nhân làng Tân Lại đã sáng tạo ra nhiều sản phẩm độc đáo có tính mỹ thuật cao, đậm nét văn hóa địa phương, gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất Biên Hòa.
Sản phẩm điêu khắc từ làng nghề Bửu Long khá phong phú từ vật dụng, đồ dùng sinh hoạt (cối đá, ly, chén, bình đựng, bộ cờ), các kiến trúc trong nhà ở, chùa chiền, đình miếu (tán cột, kèo ngang) hay tượng linh thú, tượng danh nhân, tượng thờ tín ngưỡng tôn giáo (tượng Phật, Chúa, Khổng Tử).
Thời hoàng kim, làng điêu khắc đá Bửu Long có không dưới 40 cơ sở với hàng trăm lao động từ nhiều địa phương trong cả nước quy tụ về đây, nhưng hiện tại, số thợ lành nghề đá mỹ nghệ ở Bửu Long chỉ còn khoảng 20 nghệ nhân. Riêng anh Phong là thế hệ thứ 3 trong gia đình theo nghề điêu khắc đá, nhưng hiện có nguy cơ thất truyền vì làm nghề vất vả, sản phẩm làm ra ngày càng khó tiêu thụ.
Theo ông Trần Lâm Sinh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai, các làng nghề truyền thống đang mai một dần theo thời gian. Trên địa bàn tỉnh hiện có 6 làng nghề đang hoạt động và phát triển rất tốt nhưng chưa được công nhận do chưa đạt các tiêu chí theo quy định gồm: làng nghề nuôi hươu lấy nhung ở xã Hiếu Liêm, xã Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu); làng nghề nuôi trồng và chế biến nấm ở ấp 4, xã Suối Nho; làng nghề nuôi cá lồng bè ở xã La Ngà (huyện Định Quán); làng nghề gỗ mỹ nghệ ở ấp Tân Bắc, xã Bình Minh và làng nghề đồ gỗ, mộc gia dụng ở ấp Lộ Đức, xã Hố Nai 3 (huyện Trảng Bom); làng nghề nấu rượu ở Bến Gỗ, xã An Hòa (TP Biên Hòa).
Chủ trương của tỉnh là sẽ hỗ trợ các làng nghề truyền thống xây dựng nhãn hiệu hàng hóa và đăng ký hình thức bảo hộ sở hữu trí tuệ, đồng thời kết hợp phát triển làng nghề gắn với du lịch để nâng cao giá trị sản phẩm.