
Từ sau ngày giải phóng cho mãi đến năm 2003, xóm trũng, khu phố 3 phường Linh Tây, Thủ Đức vẫn còn khiến báo chí tốn nhiều giấy mực với “tư cách” là một vùng trũng của TP về tệ nạn xã hội. Cách đây hơn 3 năm, Báo Sài Gòn Giải Phóng đăng hẳn một bài viết đặt vấn đề: bình định xóm trũng. Báo đã đăng lời phát biểu lạ kỳ của ông bí thư chi bộ khu phố: Muốn “đóng được cửa trước” phải “mở cửa sau”! Dân chúng ngờ vực không tin, còn mấy người trong chi bộ thì lo “đồng chí bí thư tự tin quá mức khi đặt ra mục tiêu mà gần 30 năm nay, chính quyền dẫu nhìn ra vẫn chưa làm nổi…”.
Từ niềm tin về sự hướng thiện
Năm 1989, ông Năm Thu thôi giữ chức Trưởng Công an huyện Thủ Đức (cũ), lui về làm bí thư chi bộ khu phố 3, phường Linh Tây. Xóm trũng vẫn nhức nhối với hàng loạt cái “nhất”: nhất cờ bạc, nhất đánh nhau, nhất mại dâm, nhất xì ke, nhất tội phạm hình sự… Nghĩa là 15 năm làm công an huyện, nắm giữ quyền “hành pháp” trong tay, có thể ra quyết định bắt bớ, trấn áp, xét nhà… ông vẫn không bứng được khối ung nhọt ấy. Huống chi giờ ông đã về hưu, tuổi đã già, sức đã yếu… Lửa nhiệt tình trong tim người đảng viên cộng sản vẫn còn nhiều nhưng dường như điều kiện giờ đã không còn nữa.

Bác Năm Thu trò chuyện với người dân tại điểm sáng văn hóa khu phố 3, phường Linh Tây. Ảnh: M.Hg.
Xóm trũng trước giải phóng là khu vực tập trung bộ máy kìm kẹp của giặc. Trại gia binh cũng nằm đây, nên có một hệ thống nhà chứa và một số người hành nghề mại dâm có tính chất… mẹ truyền con nối. Nhà ông cũng ở đây nên ông biết. Con hẻm có chút xíu mà trai gái dắt nhau “hành lạc” giữa ban ngày. Nhà phố san sát nhau, khách mua vui đứng xếp hàng chờ đến lượt. 20 đối tượng hình sự, hơn chục chủ chứa sừng sỏ rải khắp các tổ dân phố, bao nhiêu sân bóng, bao nhiêu nghĩa địa là bãi đáp của con nghiện, ông thuộc nằm lòng.
Sau nhiều ngày trăn trở, ông nghiệm ra một con đường: nếu không bứng được tận gốc thì phải chữa lành khối ung nhọt đó. “Muốn đóng cửa trước, phải mở cửa sau”, muốn người ta hoàn lương phải mở cho họ một con đường sống. Con người ai cũng có phần sáng của thiên lương. Từ nhà ở, công ăn chuyện làm cho đến môi trường sống, nếu Đảng lo cho tốt thì người ta sẽ có lòng phục thiện”. Tư tưởng chủ đạo đó đã được Bí thư Phạm Hồng Thu và chi bộ khu phố 3 phường Linh Tây đưa thành nghị quyết hưởng ứng chương trình mục tiêu ba giảm của TPHCM.
Người “mở cửa sau”
Một buổi sáng đầu tháng giêng năm 2003, ông Năm Thu cùng tổ trưởng tổ 37 ghé nhà ông Lê Văn Bé - tự Sáu “lé” - một trung sĩ thủy quân lục chiến của chế độ cũ, là một chủ chứa sừng sỏ nhiều năm. Vừa thấy Năm Thu bước vào nhà, Sáu “lé” nói liền:
- Anh Năm qua đây nói gì tui biết hết rồi. Anh lo được cho tui việc làm, tui bỏ nghề cho mấy anh khỏe bụng.
Nhìn cái nhà chật cứng, Năm Thu hỏi:
- Nhà nhỏ xíu vầy, chỗ đâu chứa gái anh Sáu?
- Anh bước vô trong coi…
Năm thu dợm bước vô nhà. Ở đó là mấy cái nệm đen xì, cáu bẩn. Ông rùng mình, lợm giọng... Người đàn ông què cụt, lì lợm này chẳng qua không còn biết đường nào sinh sống khi cả 6 bà vợ, 17 đứa con không ai lo cho ông ta. Tuổi đã già, lại tàn tật, biết tính đường nào cho Sáu “lé” bây giờ? Hỏi mãi mới hay ông ta còn liên lạc được với đứa con gái ở Tây Ninh. Năm Thu dứt khoát:
- Thôi, anh Sáu thu xếp lên Tây Ninh thăm con rồi bàn bạc với nó đi! Khu phố cho anh tiền xe và tiền mua quà cho cháu ngoại.
Chuyến đi đó của Sáu “lé” mang về cho ông Năm Thu một tin vui: con gái Sáu “lé” đã thuyết phục được cha bán nhà lên Tây Ninh ở cùng. Đến đây lại “vướng” tiếp. Nhà Sáu “lé” không có miếng giấy lộn, lại mang tiếng nhà chủ chứa nhớp nhơ, muốn bán cũng không ai mua. Một lần nữa, ông Năm Thu đến gặp Sáu “lé”, cho 200 ngàn đồng tiền của khu phố, kêu đón xe, mua quà thăm vợ thằng con trai đang ở tù, nhờ chị ký tên xác nhận đồng ý bán nhà. Một mặt, ông ra phường, đặt vấn đề với chủ tịch và bí thư lo giấy tờ nhà cho Sáu “lé”, một mặt vận động đảng viên Hà Quang Đăng sống gần đó mua nhà của Sáu “lé” làm sân sau. Chưa hết lo, ông Năm Thu còn ra điều kiện tiền bán nhà phải trích 10 triệu gửi ngân hàng cho Sáu “lé” dưỡng già, số còn lại giao cho người con trực tiếp nuôi Sáu “lé” ở Tây Ninh. Giải quyết căn cơ đến mức đó, Sáu “lé” vui vẻ ra đi. Xóm trũng đỡ được một nhà chứa.
Lo xong chuyện Sáu “lé”, ông Năm Thu gõ cửa nhà chủ chứa Nguyễn Văn Răng. Điều đau lòng là Nguyễn Văn Răng từng tham gia nghĩa vụ quân sự. Gặp Răng, ông nói:
- Tao đọc đi đọc lại danh sách chủ chứa, thấy tên mày. Tao đọc hoài cũng không hiểu nổi người như mày sao lại làm chuyện đó!
- Dân ở đây ai cũng làm mà có sao đâu, nhà con lại đang khó…
- Nếu được giúp vốn, mày làm được nghề gì?
- Con chạy được ba gác máy!
Mấy bữa sau, anh Răng chảy nước mắt thấy đại diện khu phố đến trao cho 5 triệu đồng - bằng giá tiền chiếc ba gác máy mà anh nói với ông Năm hôm trước. Thì ra ông Năm Thu, chị Lan trưởng ban điều hành, anh Tâm tổ trưởng tổ dân phố đã đứng ra tín chấp với phường vay hơn 20 triệu đồng cho những người như anh mượn lại làm vốn hoàn lương. Người còn sức khỏe thì được giúp vốn, bày cách làm ăn, người già không sức lao động thì được trợ cấp 1 tháng 20 ký gạo.
Với giải pháp “tính chuyện của dân” thật căn cơ của chi bộ và chính quyền, năm 2003, xóm trũng cơ bản không còn mại dâm. Đùng một cái, năm 2004 hộ bà Trương Thị Nọ “tái chứa”. Bà Nọ vốn có con gái, con dâu cùng hành nghề mại dâm. Ông Năm Thu dũng cảm trình bày trước đoàn kiểm tra. Khu phố 3 mất danh hiệu Khu phố văn hóa. Vận động, gần gũi, thuyết phục mãi, trợ cấp cho cả 2 đứa cháu có mẹ chết vì HIV của bà 150.000 ngàn/tháng, cấp gạo cứu đói cho mấy bà cháu, cuối cùng, ông Năm đã thật sự chinh phục được nhân tâm. Bài phát biểu về quá trình hoàn lương của bà Nọ trong hội nghị sơ kết phong trào ba giảm làm cả hội trường rơi nước mắt. Hôm gặp tôi, bà nói: “Nhờ anh Năm mà bà cháu tui biết đường sáng mà đi. Mấy đứa nhỏ được học hành, sau này không xấu hổ với bạn bè, làng xóm”.
Gieo mầm văn hóa
Vừa kiên quyết, vừa vận động kiên trì, khu phố 3 đưa được 18/20 con nghiện đi cai. 10 đối tượng hình sự cộm cán được khoanh vùng, cải giáo, bắt 2 đối tượng cứng đầu. Xóm trũng cơ bản được ổn định. Dẹp được tệ nạn, ông Năm tính chuyện gieo mầm văn hóa. Thấy khu đất trống cỏ mọc lút đầu, đầy kim tiêm ống chích của dân nghiện, ông Năm Thu cương quyết giao hẳn cho vợ chồng anh. Tính, là chủ quán karaoke, bi-da gần đó, với điều kiện phải cải tạo thành điểm sáng văn hóa cho bà con.
Ngày ông bí thư quyết chuyện này, không ít lời đàm tếu rằng ông nhận mấy chục triệu của thằng Tính bi-da rồi “cắt” đất công cho nó. Ông cương quyết: “Phường đã không lo nổi, có người chịu đứng ra làm cớ gì không dám tin dân!”. Không phụ lòng ông Năm, vợ chồng anh Tính bỏ vốn, bỏ công cải tạo khu đất hoang thành một sân chơi thoáng mát cho bà con tập thể dục mỗi sáng, dọn nhà mở lớp Yoga, lớp khiêu vũ dưỡng sinh cho người già, trang bị loa thùng, ánh sáng cho đội văn nghệ khu phố tập dượt, hàng năm đăng cai cả giải cờ tướng cấp phường, cấp quận.
Xin mượn nguyên văn câu nói của anh Tính thay lời kết cho bài viết: “Tui chỉ là người dân bình thường, có cả cái ích kỷ, thực dụng của người buôn bán. Tui theo phong trào là đi theo và cảm tấm lòng của chú Năm Thu. Tới ngày ổng chết, tui sẽ để tang cho ổng…”.
Một cán bộ, một đảng viên được dân tin, dân thương bằng thứ tình ruột thịt, nhất định phải là một đảng viên cộng sản chân chính!
ĐOÀN MAI HƯƠNG