Ngày 12-2, Reuters dẫn nguồn tin từ quân đội Hàn Quốc cho biết Triều Tiên đã phóng một tên lửa đạn đạo về phía biển Nhật Bản. Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc phản đối gay gắt, xem đây là hành động đe dọa nghiêm trọng hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên; vi phạm trắng trợn các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc (HĐBA LHQ) và tuyên bố sẽ có các hành động đáp trả tương xứng.
Tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân
Văn phòng Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc cho biết, tên lửa đạn đạo của Triều Tiên có thể là loại tên lửa tầm trung Musudan. Trước đó, cơ quan này nhận định là tên lửa tầm trung Rodong mà Bình Nhưỡng từng phóng thử nhiều lần trong những năm qua, hoặc một loại tên lửa mới khác do đường đạn có độ cao bất thường.tên lửa đạn đạo trên được phóng từ căn cứ không quân Banghyon, thuộc tỉnh Bắc Pyongan, phía Tây Triều Tiên, đã bay được khoảng 500km về phía Đông, trước khi rơi xuống biển Nhật Bản. tên lửa đạn đạo trên đã đạt tới độ cao khoảng 550km so với mặt biển.
Người dân Hàn Quốc theo dõi chương trình thời sự về vụ thử tên lửa của Triều Tiên
Trong khi đó, hãng tin Sputnik cũng dẫn một nguồn tin khác từ quân đội Hàn Quốc cho hay, đây là loại tên lửa đạn đạo tầm trung Nodong (Rodong-1) có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, tầm bắn khoảng 1.500km. Loại tên lửa này được Triều Tiên nghiên cứu trên nền tảng tên lửa đạn đạo chiến thuật Scud-B và biên chế từ năm 1998 tới nay. Nodong được trang bị đầu đạn thông thường hoặc hạt nhân nặng 1 tấn, tốc độ tối đa 8.650km/giờ, gấp 7 lần tốc độ âm thanh. Nodong là một trong những tên lửa đạn đạo có uy lực và hiệu quả nhất của Bình Nhưỡng, rất khó bị tiêu diệt.
Đây là lần đầu tiên Triều Tiên phóng tên lửa kể từ khi ông Donald Trump chính thức nhậm chức Tổng thống Mỹ. Vụ phóng tên lửa mới nhất này cũng diễn ra một ngày sau khi ông Trump có cuộc gặp thượng đỉnh với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Một quan chức cấp cao thuộc Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (SDF) cho rằng, động thái trên của Triều Tiên là hành động cố tình khiêu khích nhằm vào cuộc gặp thượng đỉnh trên. Theo Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, vụ phóng của Triều Tiên có thể là hành động khiêu khích nhằm thử phản ứng của chính quyền mới ở Mỹ. Một quan chức khác của SDF nhận định, Triều Tiên muốn thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế và không bị bỏ quên trong chương trình nghị sự về chính sách đối ngoại của tân tổng thống Mỹ. Cũng theo quan chức này, vụ thử tên lửa đạn đạo mới nói trên vào thời điểm này còn có thể nhằm cổ xúy chủ nghĩa dân tộc trước thềm lễ sinh nhật của cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il vào ngày 16-2 tới.
Phản ứng của các nước
Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết nước này đã trao công hàm phản đối Triều Tiên về vụ phóng tên lửa. Ông Suga khẳng định, vụ phóng tên lửa diễn ra ngay sau cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Nhật, chứng tỏ là một hành động nhằm khiêu kích Nhật Bản và khu vực.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc ra tuyên bố lên án vụ thử tên lửa của Triều Tiên, đồng thời khẳng định hành động này đe dọa nghiêm trọng hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên. Quyền Tổng thống kiêm Thủ tướng Hàn Quốc Hwang Kyo-ahn cho biết, Seoul đang làm hết sức mình để đáp trả một cách tương xứng nhằm trừng phạt Triều Tiên về vụ phóng tên lửa.
Một quan chức Nhà Trắng cho biết, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã được báo cáo về vụ phóng tên lửa và Nhà Trắng đang tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình. Chính quyền Tổng thống Trump sẽ xem xét một loạt phương án để phản ứng với vụ thử tên lửa của Bình Nhưỡng. Theo đó, ông Trump và các cố vấn sẽ cân nhắc một loạt các biện pháp phản ứng, trong đó có các lệnh trừng phạt mới nhằm siết chặt kiểm soát tài chính, tăng cường khí tài trên biển và trên không của Mỹ ở trên và xung quanh bán đảo Triều Tiên, đồng thời đẩy nhanh triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa mới ở Hàn Quốc...
ĐỖ CAO (tổng hợp)